.

Lạm dụng phụ gia thực phẩm: SOS!

.

Tại các chợ lớn, nhỏ trong thành phố, loại bột nhừ siêu tốc, đường hóa học không nhãn mác hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc được bán khá phổ biến. Tuy nhiên, những mặt hàng này luôn được người bán giấu khá kỹ, ai hỏi mua mới đem ra bán, chứ không trưng bày trên quầy.

Bịch đường hóa học in chữ Trung Quốc (ảnh lớn) và cận cảnh đường hóa học (ảnh nhỏ).
Bịch đường hóa học in chữ Trung Quốc (ảnh lớn) và cận cảnh đường hóa học (ảnh nhỏ).

Hiện nay, có 400 chất phụ gia nằm trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo Thông tư 27/2012/TT-BYT của Bộ Y tế, trong đó có bột nhừ và đường hóa học. Tuy vậy, điều kiện và hàm lượng sử dụng phải tuân theo quy định nghiêm ngặt và đặc biệt cấm đối với những sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng. Qua thực tế khảo sát tại các chợ, bột nhừ, đường hóa học “3 không” (không nhãn mác, không xuất xứ, không thời hạn sử dụng) được người bán bán vô tư, còn người mua thì sử dụng vô tội vạ.

Hàng “3 không”, mua bao nhiêu cũng có

Hỏi mua bột nhừ tại ki-ốt gia vị có tên H.T - chợ Hàn, bà chủ cửa hàng lấy từ đáy thùng carton ra một bịch màu trắng, loại bao 1kg, bên ngoài được bọc cẩn thận bởi hai lớp nilon. Bột có màu trắng, mịn, không mùi, nếm có vị chua cay, hơi the the nơi đầu lưỡi. Giá bán lẻ là 50.000 đồng/kg. Bà chủ đon đả: “Em mua bao nhiêu cũng có. Hàng này phải gọi người ta mới đem tới chứ chị lấy không nhiều, hết thì lấy tiếp”. Khi chúng tôi thắc mắc sao hàng không có nhãn mác, hạn sử dụng gì cả, tiểu thương này thản nhiên: “Trước giờ có ai hỏi đâu em. Em cứ yên tâm mà dùng đi, người ta dùng đầy ra đó kìa”.

Tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), khảo sát vài cửa hàng gia vị có bán bột nhừ, chúng tôi chỉ thấy tiểu thương đem ra một bao bột màu trắng, trên chỉ ghi một chữ duy nhất “Nhừ” và không có thêm bất kỳ thông tin nào khác về sản phẩm, giá dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Cũng tại chợ Hàn, hỏi mua đường hóa học, bà chủ nhìn chúng tôi một lượt rồi hỏi: “Mua làm gì? Mua bao nhiêu?”. Khi nghe nói mua về nấu chè bán, người này chỉ qua cửa hàng gia vị P.N bên cạnh. Chủ cửa hàng này hỏi mua bao nhiêu rồi dặn chúng tôi đứng đợi, trong khi chị qua cửa hàng gia vị N. gần đó lấy 1 lạng đường hóa học như chúng tôi yêu cầu. Chị này cùng với nhân viên cửa hàng N. lấy ra một bịch viên nhỏ cỡ hạt đậu, màu trong, ngoài ghi chữ Trung Quốc đem cân. Giá 1 lạng đường hóa học như vậy 60.000 đồng. Khi chúng tôi than đắt, chị này thẳng thừng: “Không mua thì thôi. Chừng đó tính ra bằng cả 50kg đường cát đấy. Lời quá rồi mà còn than với vãn!”. Qua một hồi tìm hiểu, chúng tôi mới biết rằng, chị kia đã tự cộng thêm “tiền hoa hồng” vào 1 lạng đường hóa học, đẩy giá từ 15.000 đồng lên 60.000 đồng.

Chủ cửa hàng H.T lấy bột nhừ từ bọc ni-lon trắng, không nhãn mác bán cho khách.
Chủ cửa hàng H.T lấy bột nhừ từ bọc ni-lon trắng, không nhãn mác bán cho khách.

Nguy hại khôn lường

Cóc, ổi, xoài dầm được xem là một trong những món khoái khẩu của giới học sinh, sinh viên. Trong đó, đường hóa học là một trong những thành phần không thể thiếu của món ăn này. Đến quán X. chuyên bán bánh tráng kẹp, xoài dầm, cá khô… trong con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê), chúng tôi gọi một đĩa xoài dầm, giá 10.000 đồng. Ăn chưa hết lát xoài đầu tiên đã có cảm giác nhờn nhợn, buồn nôn nơi cổ họng vì vị ngọt đậm quá mức, không hề cảm nhận được vị chua của xoài.

Một cô bạn từng làm phụ việc tại quán bún cho biết, chủ quán thường xuyên cho bột nhừ vào nồi hầm xương cho mau mềm. Bịch 1kg, giá chỉ 25.000 đồng mà dùng cả tháng chưa hết. “Chỉ cần cho độ 2 thìa cà-phê thôi thì chỉ nửa tiếng sau có ngay nồi hầm xương rất ngọt, nước lại trong. Nếu không thì phải mất tới 5-6 tiếng đồng hồ mới ninh xương xong, than, gas đâu mà chịu nổi”, người bạn này cho hay.

Về tác hại của việc dùng các phụ gia không có xuất xứ này, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho biết: “Dù phụ gia được phép sử dụng thì bột nhừ, đường hóa học hay bất cứ chất phụ gia nào dùng trong chế biến thực phẩm đều phải có xuất xứ rõ ràng. Riêng với bột nhừ phải đạt độ tinh khiết trên 98%. Việc dùng các phụ gia không có nguồn gốc hoặc quá lạm dụng về lâu dài sẽ gây độc hại cho cơ thể, gây nên các bệnh mãn tính cho gan, thận…”.

Vấn đề quản lý các loại phụ gia “dỏm” này cũng gặp rất nhiều khó khăn khi ngay chính người mua còn bị “xem mặt đặt tên” mới có thể mua được hàng. “Khi biết có đoàn đi kiểm tra là người ta giấu ngay nên việc quản lý rất là khó. Điều cần làm là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động ban quản lý chợ tự tiến hành kiểm tra. Nếu phát hiện tiểu thương bán hàng dỏm thì phải báo ngay với cơ quan chức năng”, bác sĩ Tiến nói.

Bài và ảnh: MỘC MIÊN

;
.
.
.
.
.