.
HAI DOANH NGHIỆP TRONG KCN HÒA CẦM

Bao giờ đấu nối nước thải?

.

Khu Công nghiệp (KCN) Hòa Cầm hiện có 46 doanh nghiệp (DN) hoạt động, trong đó hầu hết các DN đã đấu nối nước thải về Trạm Xử lý nước thải (XLNT) tập trung sau khi xử lý cục bộ tại đơn vị. Riêng Xí nghiệp Mộc Thiện Tâm và Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng vẫn chưa thực hiện đấu nối.

Xí nghiệp Mộc Thiện Tâm chưa thực hiện đấu nối nước thải với lý do doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.
Xí nghiệp Mộc Thiện Tâm chưa thực hiện đấu nối nước thải với lý do doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.

Chúng tôi có mặt tại Xí nghiệp Mộc Thiện Tâm thuộc KCN Hòa Cầm vào một buổi sáng. Con đường dẫn vào cổng xí nghiệp trơn trượt và lầy lội bởi những cơn mưa chuyển mùa. Dạo quanh khu xưởng và hỏi chuyện các thợ xẻ gỗ nơi đây, được biết xí nghiệp này hoạt động cầm chừng mấy năm nay. Khi chúng tôi hỏi chủ của xưởng mộc này, hầu hết các thợ trong xưởng đều không muốn trả lời, có người nói với chúng tôi là họ chỉ là người làm thuê nên không biết…

Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng dường như nằm độc lập quay mặt ra phía quốc lộ 14B và quay lưng vào KCN. Ông Huỳnh Trinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng, cho biết: “Công ty chúng tôi chuyên sản xuất đồ gỗ nên nước thải không bao nhiêu. Lâu nay chúng tôi vẫn cho thoát vào hệ thống thoát nước đô thị của thành phố, còn nước mưa thì cứ chảy ra bên ngoài. Hiện trạng chung là thế nhưng nếu Ban quản lý (BQL) KCN yêu cầu đấu nối chúng tôi cũng sẵn sàng chấp thuận nếu như có đường ống thu gom kéo đến nhà máy chúng tôi…”.

Ông Bùi Đức Lợi, Trưởng Ban quản lý dự án thuộc Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm, cho biết: “Vướng mắc trong đấu nối cũng từ 2 đơn vị này mà ra. Đối với Xí nghiệp Mộc Thiện Tâm thì vị trí thấp lại ít công nhân và hoạt động không thường xuyên. Còn Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng do có trước khi KCN hình thành, hiện trạng đường ống thoát nước của công ty này đang thoát ra quốc lộ 14B, đường bên hông của công ty lại vướng giải tỏa. Nhiều lần chúng tôi cũng đã đề xuất với thành phố có phương án xứ lý nhưng cũng chưa thực hiện”.

Chị Huỳnh Kim Chi, chuyên viên môi trường thuộc BQL dự án Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm nói thêm: “Nhận được chủ trương của thành phố, chúng tôi đã xuống từng đơn vị hướng dẫn và yêu cầu các DN thực hiện. Riêng với Xí nghiệp Mộc Thiện Tâm, chúng tôi đã trực tiếp đến 4-5 lần nhưng không gặp lãnh đạo, liên lạc qua điện thoại thì năm lần bảy lượt cũng không hẹn và giải quyết được”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các DN trong KCN Hòa Cầm chủ yếu sản xuất lĩnh vực điện tử, gia công lắp ráp, linh kiện… nên nước thải công nghiệp không nhiều, chủ yếu nước thải sinh hoạt. Tuy vậy, chủ trương của thành phố đưa ra là 100% DN trong KCN đều phải thực hiện đấu nối nước thải về Trạm thu gom và xử lý chung của KCN nên các DN trên cũng không ngoại lệ.

Ông Lợi cho biết: “BQL chỉ tiến hành triển khai hạ tầng và lắp đặt đường ống thu gom nước thải từ Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng về Trạm XLNT khi hoàn tất công tác giải tỏa. Còn với Xí nghiệp Mộc Thiện Tâm thì thành phố đã có văn bản cho phép xí nghiệp tự xử lý. Trường hợp xí nghiệp mở rộng sản xuất, nâng công suất và không bảo đảm nước thải đạt quy chuẩn theo quy định thì yêu cầu xí nghiệp đấu nối vào hệ thống thu gom xử lý nước thải chung của KCN”.

Thiết nghĩ, BQL KCN cần đôn đốc các DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý chung của KCN. Đối với các DN chưa hoàn tất đấu nối sớm chủ động triển khai xây dựng hệ thống đấu nối nước thải để bảo vệ môi trường chung của KCN.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.