.

Thấy gì qua các chương trình tín dụng chính sách?

Theo báo cáo mới nhất của Chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng, dư nợ các Chương trình tín dụng trên địa bàn thành phố tính đến trung tuần tháng 8 năm 2009 đạt tổng dư nợ hơn 502,5 triệu đồng, bằng 85% kế hoạch năm 2009, tăng 9% so với thực hiện năm 2008, trong đó nguồn vốn địa phương chiếm 80%, tăng 13% so với năm 2008. Một số chương trình đạt khá như Chương trình cho vay hộ nghèo đạt 91%, cho vay giải quyết việc làm đạt 89% kế hoạch năm 2009, nguồn vốn địa phương cho vay đạt 80% so với kế hoạch giao.

Về cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 43.800 triệu đồng, trong đó Chương trình cho vay hộ nghèo là 30.377 triệu đồng, cho vay giải quyết việc làm là 8.051 triệu đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 1.180 triệu đồng; xuất khẩu lao động 30 triệu đồng; nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn 2.442 triệu đồng; SXKD vùng khó khăn 470 triệu đồng và doanh nghiệp vừa và nhỏ 1.250 triệu đồng.

Để triển khai một cách hiệu quả các chương trình trên, NHCSXH Chi nhánh Đà Nẵng đã ủy thác các chương trình vay vốn cho các hội đoàn thể thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), thực hiện đúng quy định nghiệp vụ của NHCSXH. Tổ TK&VV được thành lập gắn với địa bàn tổ dân phố. Cơ cấu thành viên Ban quản lý Tổ TK&VV là những cán bộ trong ban điều hành tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận, chi, tổ hội đoàn thể.
 
Các hộ gia đình cư trú tại địa bàn nào, thuộc đối tượng thụ hưởng theo từng chương trình, được kết nạp vào tổ vay vốn tại địa bàn tổ dân phố đó. Trong mỗi xã, phường, Ban giảm nghèo phân công địa bàn quản lý cho các hội đoàn thể, trên cơ sở đó, NHCSXH ký hợp đồng ủy thác với từng hội đoàn thể xã, phường.

Từ tháng 3-2009 đến nay, toàn thành phố đã tổ chức kiểm tra, đối chiếu công khai các chương trình, đổi sổ vay vốn theo mẫu mới, mỗi hộ gia đình được cấp 1 sổ theo dõi các chương trình hộ đang còn dư nợ. Sau khi cơ bản thực hiện xong việc kiểm tra, đối chiếu, đổi sổ, sẽ xác định được tất cả các trường hợp vay không đúng đối tượng, vay ké, bị xâm tiêu (nếu có) để phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể xử lý trong những tháng còn lại của năm 2009.
 
NHCSXH bảo đảm phục vụ nhân dân tại 44/56 điểm giao dịch tại xã, phường, vào ngày giao dịch cố định do xã, phường bố trí; duy trì sự chứng kiến các hộ vay nhận tiền, trả nợ gốc của Tổ TK&VV, hội, đoàn thể, UBND phường; tăng cường kiểm soát các hộ vay đúng đối tượng; phối hợp với các Phòng LĐ-TB-XH quận, huyện thực hiện kiểm tra đối với các dự án giải quyết việc làm.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bất cập, tồn tại cần quan tâm. Đó là trong những năm qua, thành phố thực hiện chỉnh trang đô thị, giải tỏa di dời dân cư nhiều, số hộ di chuyển đi khỏi địa phương - nơi hộ nhận tiền vay nhưng địa phương chưa kịp thời có biện pháp giải quyết ngay. Những hộ bán nhà không qua phường, xã nên địa phương không phát hiện kịp thời.

Vì vậy, tình trạng nợ đi khỏi địa phương khá nhiều. Mặt khác, hiện nay nhiều tổ trưởng Tổ TK&VV không muốn làm tổ trưởng, do quyền lợi gắn với hoạt động của tổ hạn chế. Đặc biệt, các thành viên BQL tổ, do không thuộc diện hộ nghèo, không được vay vốn nên chưa động viên được nhiều với đối tượng này lo cho dân.
 
UBND thành phố đã ủy thác qua NHCSXH cho vay đối với các đối tượng trong diện di dời giải tỏa, không thực hiện cho vay theo địa bàn, tổ vay vốn yêu cầu cán bộ ngân hàng thực hiện cho vay trực tiếp, trong khi mô hình quản lý tại mỗi khu dân cư đã có, dẫn đến tình trạng quá tải trong hoạt động của cán bộ ngân hàng, không có sự kiểm tra giám sát của hệ thống chính trị tại mỗi khu dân cư là điều không phù hợp.

UBND xã, phường cần phân bổ nguồn vốn đến thôn, tổ dân phố, thực hiện bình xét công khai, đúng đối tượng; điều hành nguồn vốn từ khu dân cư. Đồng thời thành lập, duy trì tổ xử lý nợ có cán bộ nội chính để đi cơ sở xử lý đối với các đối tượng chây ỳ và xác định nợ đi khỏi địa phương .

Cuối cùng là thành phố cần quan tâm tạo nguồn vốn cho vay đối với cán bộ Tổ TK&VV như kêu gọi các tổ chức khác đầu tư nguồn vốn giúp cán bộ cơ sở;  cho phép NHCSXH thực hiện việc cho vay đối với nguồn vốn di dời giải tỏa thông qua các Tổ TK&VV do hội đoàn thể nhận ủy thác; nghiên cứu tháo gỡ khó khăn trong quản lý việc mua bán nhà không thông qua xã, phường để hạn chế việc trốn nợ ngân hàng của các hộ nghèo vay vốn. Qua đó, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng mạng lưới tín dụng; triển khai nghiêm túc các chương trình tín dụng, chính sách kích cầu để phục vụ các nhiệm vụ phát triển KT-XH.

DÂN HÙNG

;
.
.
.
.
.