.
Trở về thị trường nội địa:

Không dễ, nhưng phải làm

.

Chưa bao giờ các DN xuất khẩu nói riêng và các DN sản xuất hàng hóa nói chung lại đặt mục tiêu “chinh phục” thị trường nội như hiện nay. Câu trả lời thật đơn giản là do khủng hoảng kinh tế thế giới, các DN, nhất là các DN chuyên làm hàng xuất khẩu khó khăn, nên đã hướng về thị trường nội địa trong thời gian chờ những tín hiệu tốt từ thị trường thế giới.

Do khủng hoảng kinh tế thế giới, không ít DN buộc phải quay về thị trường nội địa, đây cũng là mục tiêu trước mắt và lâu dài của nhiều DN.

Không ít DN buộc phải quay về thị trường nội địa vì không còn thị trường nào khác. Để hỗ trợ cho các DN, hiện các cấp, các ngành đang triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, song con đường quay về với thị trường nội địa cũng không đơn giản, vì thương hiệu và vì cả thói quen của người tiêu dùng vốn sính hàng ngoại...

Điển hình nhất là các DN làm hàng dệt may - một thế mạnh về xuất khẩu cũng như của ngành công nghiệp cả nước. Theo số liệu từ Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, sản lượng xuất khẩu của ngành dệt may giảm sút so với năm 2008 khoảng 30%, nhiều DN giảm trên 50%. Nguyên nhân chính là do các DN này chỉ chú tâm đến việc làm hàng xuất khẩu, mặc dù hầu hết đều có cửa hàng, đại lý bán hàng trong nước và ngay trên địa bàn đứng chân, song không ít DN xem việc mở các cửa hàng này để bán các mặt hàng do đối tác không nhận (thực chất là hàng kém chất lượng), nhằm vớt vát một chút vốn.

Vậy nhưng các mặt hàng sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của đối tác châu Âu, Mỹ nên không phù hợp với người Việt, rất khó được người Việt chấp nhận cho dù chất lượng hàng hóa cũng không tồi và giá bán nhiều khi rất rẻ. Thực tế là hầu hết các DN dệt may lớn của thành phố đều có các cửa hàng, đại lý bán hàng tại Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung, nhưng cũng không được đầu tư nhiều, hiệu quả chưa cao.

Thậm chí có DN mở cửa hàng chỉ nhằm mục đích giải quyết quan điểm “đối nội” là chính, nên cũng không quan tâm đến hiệu quả. Khi chúng tôi hỏi về doanh thu bán các mặt hàng tại thị trường trong nước, hầu hết các giám đốc đều né tránh câu trả lời hoặc đưa ra những con số rất khó kiểm chứng.

Do chỉ quan tâm đến làm hàng xuất khẩu nên đội ngũ kỹ thuật thiết kế và kể cả khâu tiếp thị cũng không có định hướng, kế hoạch hướng về người tiêu dùng nội địa nên khi phải quay trở lại thị trường nội địa đã không kịp trở tay. Tại các đại lý, các cửa hàng của các DN dệt may, chúng tôi thường gặp những người có thu nhập thấp ham đồ rẻ tìm mua.

Ông Bé (phường An Hải Đông, Sơn Trà), làm nghề đưa hàng cho các công ty bán buôn cho biết, ông thường mua hàng của các cửa hàng, đại lý các DN dệt may vì hàng hóa bền và cái chính là giá rẻ. Để hướng tới các đối tượng là người có thu nhập cao và thanh niên sành điệu, xem ra còn xa vời.

Đối với các công ty sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ, hàng cao cấp càng gặp khó khăn hơn vì họ cho rằng, đa số người tiêu dùng trong nước không đủ tiền để dùng hàng của cơ sở.

Tâm lý sính hàng ngoại của một bộ phận dân chúng cũng là rào cản lớn để các DN hướng tới người tiêu dùng nội địa. Có không ít cán bộ, công nhân của các DN dệt may đã không dùng chính sản phẩm do mình làm ra, nên việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm của cơ sở mình đối với người tiêu dùng cũng rất kém.

Một công nhân làm trong ngành dược nhưng khi mua thuốc lại chọn hàng ngoại, mặc dù chất lượng tương đương.... Thực tế, không ai quảng cáo hay hơn cho sản phẩm của mình, thương hiệu của mình bằng chính mình - điều mà các DN cần tận dụng. Và như vậy, mỗi người mới tâm huyết để làm ra sản phẩm có chất lượng nhất.

Hướng về thị trường nội địa là mục tiêu trước mắt và lâu dài của mọi DN, vì sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, hạn chế được rủi ro, hiệu quả vì thế cũng cao hơn. Phải có chiến lược lâu dài để nâng cao chất lượng đối với các mặt hàng tiêu dùng nội địa, tiến tới xóa dần ranh giới về chất lượng giữa hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng nội địa, góp phần xóa bỏ thói quen sính hàng ngoại của người Việt hiện nay.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.