.

Giải pháp chống ngập

.

Ngập nước là vấn đề đô thị nào cũng gặp phải. Song, tìm được nguyên nhân và chọn được giải pháp chống ngập phù hợp lại là bài toán khó giải của các ngành chức năng. Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã tập trung chống ngập với nhiều giải pháp đã được triển khai. Song, tình trạng ngập vẫn chưa giải quyết triệt để.

Công nhân Công ty Thoát nước và XLNT khơi thông các cửa thu để  bảo đảm thoát nước trong mùa mưa lũ.
Công nhân Công ty Thoát nước và XLNT khơi thông các cửa thu để bảo đảm thoát nước trong mùa mưa lũ.

Ở khu vực nội thành, tại các nút giao thông đường Quang Trung - Đống Đa, ngã tư Lê Đình Lý - Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, ngã tư Lê Thanh Nghị - Phan Đăng Lưu, đường Đỗ Quang, Hải Hồ, Núi Thành... là những điểm thường xuyên bị ngập mỗi khi có mưa lớn.

Chỉ mới có cơn mưa đầu tháng 8 vừa rồi đã khiến các tuyến đường Quang Trung - Đống Đa, Lê Đình Lý - Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, Đỗ Quang... ngập sâu  0,2m - 0,7m với thời gian ngập từ 20 phút đến 1 giờ. Theo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải (XLNT) Đà Nẵng, nguyên nhân chính gây ngập là do khả năng thoát nước của toàn bộ khu vực này kém; hơn nữa, đây là khu vực có các tuyến cống liên phường, nhiều đoạn bị thắt nút cổ chai và vật cản cắt ngang nên làm giảm khả năng thoát nước dẫn đến ngập nặng. Mặc dù từ đầu năm đến nay, công ty đã triển khai cho các đơn vị tập trung khơi thông toàn bộ các cửa thu nước trên toàn thành phố nhưng ngập vẫn hoàn ngập.

Để giảm ngập trong mùa mưa, đối với những điểm ngập nặng trong nội thành nói trên, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Công ty Thoát nước và XLNT khơi thông, bổ sung thêm các cửa thu nước; đồng thời, nạo vét thường xuyên các vị trí gây ngập, thường trực một số máy bơm di động để bơm thoát nước khi mưa lớn. Song song, Sở Xây dựng cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải hoàn thành phương án thoát nước tạm để giảm ngập trong mùa mưa trong khi dự án chưa khớp nối kịp các tuyến cống thoát nước.

Theo ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và XLNT thành phố, tất cả các điểm ngập đều có nguyên nhân, song việc khắc phục còn chậm trễ là do vấn đề quy hoạch thoát nước của thành phố thiếu tổng thể và đồng bộ. Vì vậy, trước mắt, đối với các khu vực ngập ở nội thành, công ty đã cho trực khơi thông  thoát nước và vệ sinh cửa thu, bơm cưỡng bức khi cần thiết. Về lâu dài, khu vực đường Đỗ Quang, Lê Đình Lý - Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, khu vực nút giao thông đường Quang Trung - Đống Đa, UBND thành phố đã có quyết định giao cho Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đưa vào hợp phần 1 thuộc Dự án phát triển bền vững do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Riêng khu vực ngã tư Lê Thanh Nghị - Phan Đăng Lưu, để giảm ngập, thành phố cần cho mở thêm một số cửa thu, cải tạo mương thu và nạo vét tuyến cống; khu vực đường Hải Hồ cần đầu tư hệ thống lược rác tự động cho Trạm bơm Thuận Phước để thuận lợi trong công tác vận hành trạm bơm... “Ngập là vấn đề lâu dài, song, bài toán chống ngập bây giờ là vốn đầu tư. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp như hiện nay, việc chống ngập lúc này rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền thành phố cũng như sự đồng thuận của nhân dân”, ông Nguyễn Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở Xây dựng nhìn nhận.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.