.
Đà Nẵng được chọn làm Điểm trình diễn quốc gia về quản lý tổng hợp vùng bờ

Thay đổi nhận thức về môi trường và tài nguyên thiên nhiên

.

Dự án điểm trình diễn quốc gia về quản lý tổng hợp vùng bờ (QLTHVB) tại TP. Đà Nẵng nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác khu vực về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA), do Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO) điều hành và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).

Việc chọn Đà Nẵng làm điểm trình diễn quốc gia về QLTHVB đã góp phần giảm thiểu sự suy thoái chất lượng môi trường trước áp lực phát triển kinh tế, xã hội địa phương.  TRONG ẢNH: Một góc đô thị Đà Nẵng.
Việc chọn Đà Nẵng làm điểm trình diễn quốc gia về QLTHVB đã góp phần giảm thiểu sự suy thoái chất lượng môi trường trước áp lực phát triển kinh tế, xã hội địa phương. TRONG ẢNH: Một góc đô thị Đà Nẵng.

Đà Nẵng được chọn để xây dựng Dự án điểm trình diễn QLTHVB là kết quả của quá trình khảo sát và phân tích của PEMSEA kết hợp với Cục Bảo vệ môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) dựa vào các tiêu chuẩn về: Sự quan tâm và ủng hộ của chính quyền địa phương; khả năng và sự sẵn sàng tham gia của các sở, ban, ngành và các quận/huyện; tính điển hình của các vấn đề trình diễn và khả năng có thể quản lý được.

Sau 7 năm triển khai, từ năm 2000 đến năm 2007, dự án đã đạt được những kết quả đáng kể. Cụ thể như: các hoạt động của dự án đã góp phần vào sự thay đổi tích cực vùng bờ thành phố, nhất là việc nâng cao nhận thức về TN&MT, QLTHVB đối với cộng đồng dân cư thông qua các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức như tập huấn, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc thi tìm hiểu về môi trường, các cuộc thi văn nghệ, phát tờ rơi, áp phích, pa-nô…

Đối với các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các sở, ban, ngành liên quan, thông qua các cuộc hội thảo, tư vấn trong quá trình thực hiện các tiểu dự án đã tạo nên đội ngũ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực như xây dựng Chiến lược QLTHVB, Chương trình quan trắc môi trường tổng hợp, Thể chế thực hiện QLTHVB…

Qua đó, góp phần giảm thiểu các mâu thuẫn trong hoạt động sử dụng tài nguyên. Ngoài ra, dự án đã góp phần giảm thiểu sự suy thoái chất lượng môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên trước áp lực phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, tạo nên sự thay đổi tích cực trong bảo vệ TN&MT vùng bờ. Hơn nữa, giá trị của tài nguyên đã được các bên liên quan quan tâm nhiều hơn, trong đó có cộng đồng dân cư.

Bà Phạm Thị Chín, Chi cục phó Chi cục Biển và Hải đảo TP. Đà Nẵng cho biết: “Việc triển khai Dự án QLTHVB trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả thiết thực và ý nghĩa. Quan trọng là dự án đã tạo ra được cơ chế điều phối, hợp tác đa ngành. Cơ chế này đã được các bên liên quan chấp nhận và mang lại nhiều lợi ích cho các bên. Dự án đã góp phần cải thiện các vấn đề bức xúc về môi trường và xã hội, những mặt hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế…

Cũng chính những tác động tích cực của dự án, Đà Nẵng đã lập được Đề án xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường đến năm 2020”. “Chọn Đà Nẵng làm điểm trình diễn quốc gia về QLTHVB đã tạo ra nhiều thay đổi trong cả nhận thức của người dân đến môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nếu trước đây, hầu hết các bên liên quan nhận thức thấp về giá trị TN&MT vùng bờ cũng như mối liên kết của TN&MT đối với sự phát triển bền vững của thành phố thì hiện nay đại đa số nhân dân, chính quyền địa phương đã nhận thấy được giá trị của vùng bờ, vùng biển và các nguy cơ liên quan đến việc khai thác và làm suy giảm nguồn tài nguyên”, ông Dương Văn Thái, Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết thêm.

Thông qua Dự án QLTHVB, TP. Đà Nẵng đã ban hành được các công cụ phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất các vấn đề về biển và hải đảo như: Chiến lược QLTHVB TP. Đà Nẵng và Kế hoạch thực hiện Chiến lược QLTHVB; Kế hoạch phân vùng sử dụng THVB thành phố Đà Nẵng; Chương trình quan trắc môi trường tổng hợp TP. Đà Nẵng cùng một số chương trình hành động ưu tiên như ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai; quản lý ô nhiễm công nghiệp; giảm thiểu và tiến đến xử lý triệt để các điểm nóng ô nhiễm môi trường; cải thiện môi trường nước, thoát nước và xử lý nước thải; các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ tài nguyên và môi trường; xây dựng mô hình cộng đồng phát triển bền vững vùng ven biển…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác QLTHVB ở cấp địa phương vẫn còn gặp một số bất cập, vướng mắc. Vì vậy, cũng theo bà Chín, Tổng cục Biển và Hải đảo cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để các Chi cục Biển và Hải đảo địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ. Song song, xây dựng cơ sở dữ liệu về TN&MT biển, hải đảo; đầu tư trang thiết bị cho các Chi cục Biển và Hải đảo để công tác quản lý về biển và hải đảo được chặt chẽ và hiệu quả hơn trong thời gian đến.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.