.

Ứng xử với nợ xấu

.

“Nợ xấu” là từ xuất hiện nhiều trong những năm gần đây, đặc biệt khi nền kinh tế phải liên tiếp trải qua các giai đoạn khủng hoảng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, nhưng chung quy lại cũng chỉ xoay quanh phạm trù “Quản trị”. Trong đó, có một số điểm mấu chốt cần lưu ý. Thứ nhất, về phía khách hàng đi vay.

Nếu gặp phải người quản trị kinh doanh thiếu bài bản, làm ăn chộp giật, lừa đảo, móc ngoặc, không có thiện chí trả nợ, chắc chắn ngân hàng phải chuốc lấy nợ xấu khó đòi, kể cả mất vốn. Cũng cần lưu ý dạng nợ xấu này khác hẳn về chất so với nợ xấu phát sinh do những biến cố bất lợi trong kinh doanh, cả chủ quan và khách quan, cần tạo điều kiện và cơ hội để người vay vượt qua cửa ải khó khăn. Nợ xấu phát sinh từ nền kinh tế, do đó trước hết phải ứng xử bằng các biện pháp kinh tế, với thái độ chuyên nghiệp.

Nợ xấu vẫn có cơ may chuyển hóa thành nợ tốt, kể cả tiềm ẩn khả năng sinh lời ở thì tương lai. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều nước sẵn sàng ứng tiền (ngân sách/ ngân hàng) để giải cứu nợ xấu, kể cả khuếch trương thị trường buôn bán nợ xấu tấp nập. Họ mạnh dạn làm được những điều mà ở ta vẫn cứ mãi bàn cãi, tự cho là lạ lùng, bất công, nghịch lý? Cách nhìn đối với nợ xấu đã đến lúc cần phải thay đổi, không quá cực đoan, một chiều, bi quan.

Thứ hai, quản trị rủi ro của ngân hàng. Bao gồm quản trị tầm gần, nghĩa là trong nội bộ hệ thống, trước hết là quản trị nguồn nhân lực. Tiếp theo là tầm xa, tức là làm sao tiếp cận khách hàng, hiểu được người thực/ việc thực, trông mặt mà bắt hình dong, để chọn mặt gởi vàng sao cho an toàn/ hiệu quả nhất? Những năm vừa qua, nhiều ngân hàng đã quá thấm đòn với cái cảnh “Cho vay thì đứng/ Thu nợ thì quỳ”, vận dụng mọi phương cách, huy động mọi nguồn lực, nhưng tiến độ xử lý nợ xấu vẫn chậm chạp, nhiều khi cảm thấy thực sự bất lực và cô đơn. Công ty Quản lý tài sản (VAMC) là giải pháp riêng có của Việt Nam nhằm khoanh vùng để xử lý nợ xấu.

Xung quanh câu chuyện này vẫn còn quá nhiều ý kiến khác biệt, ủng hộ có, phản đối có, do dự có, nhưng ít ai thấy rằng chốt lại vấn đề nhân - quả vẫn là “nợ thì phải trả”. Nếu không thanh lý được tài sản, người vay mất khả năng thanh toán, mọi sự trừng phạt về đạo đức và pháp lý đã đến giới hạn cho phép, thì ngân hàng cho vay phải gánh lấy trách nhiệm cuối cùng.

Đối với các ngân hàng thương mại, VAMC chỉ là giải pháp quá độ để hỗ trợ giải cứu nợ xấu chứ không bao giờ là “ân nhân” nhằm giải tỏa trách nhiệm pháp lý và tài chính đối với nợ xấu. Cũng nên nhắc lại rằng VAMC trước mắt chỉ được xem như là một cơ chế thử nghiệm, tuy không cần “ân huệ” gì lớn nhưng phải bảo đảm có đầy đủ các công cụ và thẩm quyền để hành động theo chức trách được giao.

Trên phương diện tầm nhìn lâu dài đối với một nền kinh tế - tài chính thị trường hội nhập ngày càng đầy đủ như Việt Nam, luôn phải đối mặt với nhiều cạm bẫy rủi ro khó lường, thì cần phải tính đến sự tồn tại của một định chế tài chính đặc biệt, đủ mạnh, đủ sức đón “bão táp tài chính”, hóa giải vấn nạn nợ xấu không loại trừ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong tương lai, theo đó VAMC là một mô hình lựa chọn ưu tiên.

Thứ ba, quản trị chính sách. Nội dung này chủ yếu liên quan đến các nhà hoạch định chính sách vĩ mô. Họ thường xuyên phải đánh vật với bài toán phát triển (Tăng trưởng/ Lạm phát/ Thất nghiệp). Bài toán này lại có liên quan mật thiết đến bộ ba chính sách bất khả thi (Tự do dòng vốn/ Tỷ giá hối đoái cố định/ Chính sách tiền tệ độc lập).

Trong mọi tình huống, tất cả các nguồn lực phải được huy động một cách hợp lý nhằm thích ứng với ba dòng chảy thời đại đang thách thức toàn nhân loại (Cạnh tranh và hội nhập quốc tế/ Biến đổi khí hậu toàn cầu/ Nguy cơ chiến tranh xung đột và đói nghèo). Mô tả sơ bộ như vậy để có thể hình dung được vai trò quan trọng và mức độ phức tạp bội phần của những công việc có liên quan đến quản lý vận mệnh nền kinh tế đất nước.

Quản trị chính sách, hay nói khác đi, quản trị quốc gia tốt hay xấu luôn có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, đây chính là nguồn cơn góp phần sản sinh ra nợ xấu. Năm 2008, sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, các nước tư bản phát triển, trước hết là Mỹ, mới chợt nhận ra rằng chính thời kỳ ôn hòa vĩ đại (Great Moderation) - những năm lạm phát thấp và tăng trưởng ổn định - đã nuôi dưỡng sự tự mãn và tích tụ rủi ro.

Giới tài chính ngân hàng đổ xô nhau đi vay và cho vay, buôn bán chứng khoán phái sinh một cách “tham lam” và “điên rồ”, tất cả những yếu tố này đã thúc đẩy sự gia tăng nợ nần trong một thế giới tưởng chừng như những rủi ro đã được giảm thiểu xuống mức thấp nhất? Lỗi lầm tất nhiên trước hết thuộc về các nhà tài chính ngân hàng, nhưng đằng sau đó là sự chủ quan thái quá của các nhà hoạch định chính sách. Vì vậy, đã có những chính sách ban hành nhưng gần như không đi vào cuộc sống, tạo thêm nhiều nguy cơ, kìm hãm động lực phát triển bền vững.

Nợ xấu đã đến lúc không nên và không thể bàn lùi được nữa. Vấn đề quan trọng lúc này là tập trung chữa chạy, không được phép để nợ xấu biến thành “tật”, gây phương hại đến triển vọng phát triển ổn định, lâu dài, bền vững của nền kinh tế. Cách ứng xử thích hợp nhất trong giai đoạn hiện nay và sắp đến là mỗi cá nhân/ tổ chức có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nợ xấu hãy tự biết cần phải làm gì, cần làm tròn trách nhiệm đạo đức và pháp lý của chính mình. Có như vậy mới góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.