.

Chuyện người già chữa bệnh

Cách đây vài ngày, phóng viên nhận được phản hồi từ một người cao tuổi. Bác tâm sự, năm nay tuổi đã gần 80, việc đi khám bệnh với bác là vô cùng vất vả, nhưng vẫn phải đi thường xuyên.

Bác kể, già cả mà cứ mỏi mệt chờ đợi khi bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Hết chờ ở quầy lấy số thứ tự, đến chờ tới lượt khám, rồi chờ lấy kết quả xét nghiệm và tiếp tục chờ nhận kết luận của bác sĩ. Để tránh đi lại nhiều và mất thời gian với sự chờ đợi này, nên bác dù có BHYT vẫn hầu như không dùng đến, mà lại phải trông cậy vào các phòng xét nghiệm tư nhân cho nhanh. Có điều, hôm nọ, bác nghi ngờ kết quả ở một phòng khám tư, nên đi làm xét nghiệm đồng thời ở 3 cơ sở khác, từ công đến tư thì “té ngửa”: mỗi nơi cho một số liệu xa nhau, dù trên cùng một người vào cùng một buổi. Thậm chí, có con số “vui vẻ” cho biết bác hoàn toàn khỏe mạnh, số liệu khác lại “dọa” bệnh tiểu đường của bác đang trầm trọng!

Đó chỉ là một trong nhiều nỗi khổ khi người già đi khám và điều trị bệnh. Bởi thực tế hiện nay, các cơ sở y tế chủ yếu chăm sóc sức khỏe theo mặt bệnh chứ chưa phân rạch ròi theo tuổi bệnh nhân. Trong khi đó, xét về cơ địa, bệnh lý, tâm lý, khả năng vận động, khả năng đáp ứng bệnh và thậm chí khả năng phối hợp điều trị của người già hoàn toàn khác xa so với người cùng bệnh nhưng ở các độ tuổi trẻ hơn. Nghĩa là bệnh lão cần phương pháp, cơ sở vật chất, cách thức tiếp cận điều trị phù hợp với độ tuổi này, nếu không, người già sẽ rất khó khăn khi cần đến sự hỗ trợ của y tế. Giống như trẻ con cần viện nhi, thì người già cũng rất cần viện lão vậy.

Thống kê của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình cho thấy, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng và người già nào cũng hầu như đều mắc bệnh, thậm chí mắc cùng lúc xấp xỉ 3 bệnh/1 người. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 72, dự báo đến năm 2050 sẽ tăng lên thành 80,4 tuổi. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu trên, thực tế tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh, nhất là mắc bệnh mãn tính. Qua khảo sát trong cộng đồng của Tổng cục, các bệnh người cao tuổi thường gặp theo thứ tự là bệnh về giác quan, tim mạch, xương khớp, nội tiết - chuyển hóa, tiêu hóa, tâm thần kinh, hô hấp, thận tiết niệu.

Những con số này phản ánh công tác khám và điều trị bệnh cho người cao tuổi là một vấn đề lớn, cần được quan tâm hàng đầu của ngành y tế. Thành phố Đà Nẵng cũng không nằm ngoài thực trạng chung này khi tuổi thọ của người dân tăng lên, đồng nghĩa với số lượng bệnh nhân cao tuổi ngày càng cao. Đáng nói là hiện nay, thành phố chưa có bệnh viện lão khoa, các bệnh viện lớn từ tuyến tỉnh đến tuyến quận, huyện hầu như không có chuyên khoa lão. Như vậy, người già chỉ còn cách khám và điều trị bệnh chung với mọi đối tượng khác.

Sáng nay (6-8), Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn ra mắt khoa Lão. Việc ra mắt một khoa ở một bệnh viện có lẽ là điều không quá ầm ĩ, nhưng đây là “khoa Lão”. Bệnh nhân cao tuổi trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn chủ yếu là hộ nghèo, hoặc những người đã đi qua hai cuộc kháng chiến và chịu nhiều mất mát hy sinh. Thế nên, họ cần được quan tâm, chăm sóc sức khỏe hơn bao giờ hết.

Ước mong thì rất nhiều, như chia sẻ của bác sĩ Phạm Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn rằng, ngoài điều trị trong điều kiện phương tiện tiên tiến, đội ngũ chuyên khoa, chuyên nghiệp, bệnh nhân còn cần được điều dưỡng trong môi trường trong lành, có sân giải trí, khu thể thao và được chăm lo từng bữa ăn dinh dưỡng. Cho tới nay, ước mong mới chỉ là mong ước vì thực tế khoa Lão tại trung tâm những ngày đầu thành lập vẫn chỉ là cơ sở được cải tạo, thậm chí người già phải leo cầu thang bộ để đi lên khoa của mình, không phải cơ sở mới toanh với trang thiết bị hiện đại, nhân lực đầy đủ. Dẫu vậy, với các cô bác cao tuổi tại đây, như vậy là “tui mừng lắm rồi, có cảm giác yên tâm, thanh tịnh khi đi điều trị bệnh”.

Có một câu nói rằng: Thà đốt lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Trong trường hợp này, thà có một khoa dành riêng cho người già, dù mọi điều chưa phải thực sự quá hoàn hảo, còn hơn chúng ta cứ than thở bệnh nhân cao tuổi không có khoa lão, để rồi hết lớp người già này đến lớp người già khác phải chịu cảnh khám và điều trị bệnh chung với người chưa già.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.