.

Trở về quê hương để cống hiến

.

Ở tuổi 26, Võ Văn Chi (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) trở thành tiến sĩ trẻ tuổi nhất Đà Nẵng. Ngày 19-3 vừa qua, Chi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành công nghệ Nano với đề tài “Tính chất từ của các cấu trúc nano trên graphene trên kim loại” tại Pháp. Anh trở về Đà Nẵng vào ngày 28-3.

Võ Văn Chi tại Pháp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Võ Văn Chi tại Pháp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

* Tại sao anh chọn đề tài luận án tiến sĩ nghiên cứu về nano?

- Lý do đầu tiên cần nói đến là do sở thích tìm hiểu, cũng có thể do cả cái duyên nữa. Chi nghe nói về công nghệ nano từ lúc học lớp 12, cách đây hơn 8 năm, trong một chương trình truyền hình. Chi chưa biết gì về công nghệ nano nên cũng tò mò muốn khám phá, có ý định theo học ngành này.

Chi đăng ký vào Trường ĐH Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, định hướng vào ngành vật liệu tiên tiến - ngành liên quan nhiều nhất đến công nghệ nano lúc bấy giờ tại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp ĐH, năm 2009, Chi được nhận làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành vật lý nano tại Pháp. Đề tài nghiên cứu liên quan một loại vật liệu nano, đặc biệt là graphene, vốn dự báo mang lại giải Nobel cho các nhà khoa học khám phá ra nó. Thông tin này cũng đem lại niềm hứng thú cho Chi.

Và đúng vậy, hơn một năm sau, 2 nhà vật lý Andrei Geim và Konstantin Sergeevich Novoselov đã nhận giải Nobel, sớm hơn so với dự đoán. Bản thân vật liệu graphene cũng hứa hẹn mang lại cuộc cách mạng về công nghệ trong tương lai, tương tự silicon đã đem máy tính lại cho chúng ta, nhưng vẫn cần khoảng thời gian 10 năm nữa. Silicon trước đây cần khoảng 20 năm để đi vào ứng dụng, graphene cũng cần khoảng thời gian tương tự cho giai đoạn nghiên cứu và được kỳ vọng sẽ có nhiều ứng dụng mang tính cách mạng sau khoảng hơn chục năm nữa. Chi mong sẽ chế tạo được linh kiện spintronics và khả năng lưu trữ dữ liệu với mật độ cao hơn so với các dạng lưu trữ hiện nay.

Một ứng dụng trước mắt trong nghiên cứu của Chi giai đoạn đầu là chế tạo graphene trên màng mỏng kim loại. Các mẫu graphene này có ưu điểm là giá thành rẻ và tiện sử dụng để đo đạc, được gửi đi sử dụng trong các nghiên cứu của một số phòng thí nghiệm khác tại Pháp.

* Công nghệ nano vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam nói chung cũng như Đà Nẵng nói riêng. Liệu việc ứng dụng thực tiễn có khó khăn khi anh về nước?

- Đúng là công nghệ nano đã xuất hiện một thời gian và sẽ mang lại những ứng dụng đặc sắc chưa từng có. Tuy nhiên, hiện trên thế giới vẫn chưa thật sự xuất hiện một sản phẩm ứng dụng công nghệ nano thỏa mãn kỳ vọng mà người ta dành cho nó. Các nhà khoa học vẫn nghiên cứu tìm cách vượt qua những giới hạn về công nghệ sản xuất, đưa công nghệ nano vào thực tiễn, sản xuất đại trà và sớm đem lại lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng vẫn còn có đủ thời gian, tuy không nhiều, để tiếp thu, phát triển công nghệ nano và ứng dụng nó, cần nhanh chóng thu hút vốn đầu tư từ các nước phát triển, thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo chuyên về công nghệ nano.

Đà Nẵng đang xây dựng khu công nghệ cao thứ 3 của cả nước, trong đó một trong các lĩnh vực được ưu tiên phát triển là công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, đúng với lĩnh vực chuyên môn của Chi. Chi có nguyện vọng trở về được làm việc ở khu công nghệ cao, để ứng dụng kiến thức mình đã học và áp dụng một phần phong cách làm việc tại nước ngoài cho phù hợp. Mong rằng mình đủ sức để có những đóng góp hữu ích trong giai đoạn đầu của khu công nghệ cao, cũng như sự phát triển sau này của nó.

* Quy định sau khi tốt nghiệp phải phục vụ 7 năm ở Đà Nẵng có là sự ràng buộc với anh?

- Chi không hề nghĩ đến sự ràng buộc nào cả. Chi cho rằng một trong những may mắn là bây giờ mình còn trẻ và 7 năm không phải là khoảng thời gian quá dài. Chi nghĩ mình đang tự nguyện trở về Đà Nẵng thì đúng hơn, và khi có cơ hội được đóng góp công sức theo đúng nguyện vọng thì có ràng buộc hay không cũng không còn là vấn đề quan trọng nữa. Đà Nẵng bây giờ cũng có sức hút đối với người dân cả nước, rất nhiều người muốn về Đà Nẵng sinh sống. Chi không chỉ sẽ về mà còn có ý định rủ thêm bạn bè của mình cùng học tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như tại Grenoble trở về Đà Nẵng sinh sống và làm việc.

* Anh có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm học tập ở Pháp. Theo anh, điều một du học sinh cần chuẩn bị nhất là gì?

- Mình đang ở thành phố Grenoble - một thành phố khoa học lớn thứ 2 của Pháp, sau Paris. Grenoble cũng là trung tâm của châu Âu về công nghệ nano. Ở Pháp, mình học được phương pháp làm việc khoa học, hợp tác làm việc với nhau và cả ngoại ngữ giao tiếp.

Điều một du học sinh cần chuẩn bị nhất là phải thật sự có niềm đam mê đối với khoa học, lấy niềm đam mê làm mục đích chính khi muốn theo đuổi khoa học. Ngoài ra, ngoại ngữ cũng rất quan trọng, cần phải có đủ vốn ngoại ngữ giao tiếp để trao đổi làm việc và học tập cùng người nước ngoài, như thế sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho mình và học hỏi được nhiều điều hay của họ cũng như chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình với họ.

Thành tích nổi bật:

- Là sinh viên Trường ĐH Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, thuộc chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (viết tắt là PFIEV, hợp tác đào tạo với Pháp), ngành Vật liệu tiên tiến. Tốt nghiệp thủ khoa ngành Vật liệu tiên tiến, được nhận làm luận án tiến sĩ tại Viện Néel (Pháp) và được miễn học thạc sĩ.

- Hoàn thành luận án tiến sĩ tại Pháp. Là điển hình của Đề án 922 “Đào tạo 100 tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài” của Đà Nẵng.

PHƯƠNG TRÀ thực hiện

;
.
.
.
.
.