.
Đà Nẵng, 15 năm thu hút nguồn nhân lực:

Chọn Đà Nẵng vì được trọng dụng

.

Ngay sau khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng xác định cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu phát triển mới của thành phố. Từ văn bản ban đầu là Công văn số 93/CV-UBND ngày 17-1-1998 của UBND thành phố về việc tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, khá về công tác tại Đà Nẵng, chính sách thu hút nguồn nhân lực (THNNL) của thành phố liên tục hoàn thiện suốt 15 năm qua. Hơn 1.000 người tốt nghiệp đại học, sau đại học đã đầu quân về Đà Nẵng theo chính sách chiêu mộ nguồn nhân lực.

Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ đầu quân về Đà Nẵng vào giữa năm 2010.
Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ đầu quân về Đà Nẵng vào giữa năm 2010.

Quan trọng nhất là môi trường làm việc

“Cho đến hiện tại, tôi vẫn từ chối những lời mời làm việc với chế độ đãi ngộ rất hấp dẫn nhưng tôi chọn Đà Nẵng. Đây là nơi tôi có được môi trường làm việc đúng chuyên môn, được đánh giá đúng mực và phát triển bằng chính năng lực của mình“. TS Vũ Thị Bích Hậu (quê Thái Bình), Phó Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ thành phố, giải thích lý do sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ khoa học Sinh học và Môi trường tại Nhật Bản, chị đã đầu quân về Đà Nẵng vào giữa năm 2010.

Theo chị Bích Hậu, tỉnh nào cũng có “chiêu hiền đãi sĩ“ nhưng cảm nhận riêng của chị cái tâm cầu thị của lãnh đạo thành phố khi chiêu mộ người ngoài địa phương về làm việc được rất nhiều người khen ngợi. Chế độ đãi ngộ của Đà Nẵng khá hơn các tỉnh khác nhưng chưa hẳn hấp dẫn bằng khu vực doanh nghiệp hoặc tổ chức khác ngoài Nhà nước. Điều hấp dẫn, thu hút chính là thái độ của lãnh đạo thành phố trân trọng người tài; là việc bố trí, tạo môi trường làm việc cho họ phát huy chuyên môn được đào tạo và đặc biệt là sự mạnh dạn trong bổ nhiệm cán bộ không mang tính cục bộ địa phương.

PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Hữu Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (quê Thừa Thiên-Huế), cho rằng: “Chế độ hỗ trợ sẽ giúp cho những người từ địa phương khác về Đà Nẵng làm việc giảm bớt khó khăn trong thời gian đầu hòa nhập với cuộc sống mới. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của chính sách THNNL là phải tạo lập được một môi trường làm việc tốt giúp các cán bộ khoa học yên tâm công tác và hòa nhập với đơn vị mới, có công việc phù hợp với chuyên môn và hoài bão khoa học, có điều kiện cống hiến và phát triển tốt, được đánh giá đúng mực về năng lực”.

Ông cho biết lý do ông về Đà Nẵng chính là vì lãnh đạo thành phố quyết tâm xây dựng Bệnh viện Ung thư để điều trị cho bệnh nhân ung thư của cả miền Trung. Đây là nơi ông có thể đem hết tâm huyết để cống hiến cho bệnh nhân và cho khoa học. Tâm sự với chúng tôi, ông bày tỏ tấm lòng trân trọng đối với Trường Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Trung ương Huế, nơi đã chắp cánh cho ông trưởng thành.

ThS Đặng Ngọc Minh (quê Quảng Bình), một công chức trẻ đang công tác tại Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở Khoa học-Công nghệ, tâm sự: “Tôi tìm hiểu chính sách thu hút của Đà Nẵng qua bạn bè rồi cũng thử xem sao. Về đây tôi được làm việc đúng chuyên môn, có môi trường phấn đấu, được tạo điều kiện về nhà ở để ổn định cuộc sống. Nay thì tôi đã chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai”.

Phấn đấu tốt được thăng tiến

Một lãnh đạo Sở Nội vụ nhớ lại, khi bắt đầu tiến hành chủ trương THNNL, không ít người, không ít cơ quan còn hoài nghi, nhưng thời gian đã chứng minh tính hiệu quả của chủ trương này. Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị tiếp nhận và bố trí, sử dụng nguồn nhân lực do thành phố thu hút đều có nhận định chung: Đa số người được tiếp nhận, được bố trí đúng sở trường chuyên môn đều phát huy rất tốt chuyên môn được đào tạo. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho hay Bệnh viện Đà Nẵng là đơn vị tiếp nhận nhiều các đối tượng thu hút theo chính sách THNNL của thành phố. Nguồn nhân lực này đã góp phần nâng cao chất lượng và xây dựng “thương hiệu” cho Bệnh viện Đà Nẵng. Mặc dù thu hút nhiều nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu phát triển của bệnh viện. Hiện nay, hằng năm Ban Giám đốc Bệnh viện chủ động tổ chức đến Đại học Y Dược Huế để chiêu mộ sinh viên tốt nghiệp cho đơn vị.

Khảo sát của Sở Nội vụ cho thấy, kết quả làm việc của đối tượng thu hút (ĐTTH) đạt yêu cầu trở lên chiếm tỷ lệ trên 90%, trong đó rất xuất sắc là 5,4% và khá là 46%. Các ĐTTH từng bước khẳng định bản thân trong quá trình công tác tại các cơ quan, đơn vị và có bước thăng tiến rất đáng kể. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn nhân lực do thành phố thu hút đưa về đều tạo điều kiện cho công chức, viên chức phấn đấu và thăng tiến.

Qua 15 năm, trong số các ĐTTH được bổ nhiệm chức vụ tại cấp sở gồm có: 7 giám đốc, phó giám đốc và tương đương, 56 trưởng, phó phòng thuộc sở và 57 trưởng, phó phòng thuộc đơn vị thuộc sở. Ở cấp quận, tỷ lệ ĐTTH được bổ nhiệm rất cao (54,9%) với 1 phó chủ tịch UBND quận; 14 trưởng, phó phòng thuộc UBND quận và 35 trưởng, phó đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND quận. Ở cấp phường, xã có 2 bí thư Đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND, 2 phó bí thư Đảng ủy, 11 phó chủ tịch UBND và 3 người giữ chức danh khác. Thông tin của các đơn vị sử dụng cho thấy 100% đạt mức độ hài lòng, trong đó có 16,7% rất hài lòng. Về đáp ứng yêu cầu công việc của cơ quan, có đến 94,4% đơn vị đánh giá tốt.

Trong 15 năm thực hiện chính sách THNNL đã có 105 người đầu quân về Đà Nẵng rồi “dứt áo” ra đi. Theo đánh giá của Sở Nội vụ, không thể cầu toàn 100%.  Nguyên nhân là ĐTTH có chuyên môn đào tạo không phù hợp với nhu cầu của thành phố, hoặc ra đi vì có nơi mời gọi với chế độ hấp dẫn hơn...

Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.