Chìm nổi dự án Làng đại học Đà Nẵng - Bài cuối: Bao giờ thành hiện thực?

.

Để Làng đại học (LĐH) Đà Nẵng trở thành “thánh đường tri thức” trên thực tế, vấn đề cốt yếu hiện nay là phải giải được bài toán 8.000 tỷ đồng.

Sự chậm chân của dự án Làng đại học Đà Nẵng dễ khiến giáo dục đại học công lập ở Đà Nẵng không bảo đảm điều kiện, thiếu sức hấp dẫn so với đại học ngoài công lập.
Sự chậm chân của dự án Làng đại học Đà Nẵng dễ khiến giáo dục đại học công lập ở Đà Nẵng không bảo đảm điều kiện, thiếu sức hấp dẫn so với đại học ngoài công lập.

Nỗ lực tái khởi động

Ngày 24-2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có cuộc  làm việc với Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), kiểm tra thực tế việc triển khai LĐH Đà Nẵng. Ngay sau buổi làm việc, ngày 21-3, ĐHĐN nhận được Văn bản số 149/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Sớm chấm dứt quy hoạch treo LĐH suốt 20 năm qua, đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn và các nguồn hợp pháp khác để phát triển LĐH, trong đó tập trung ưu tiên giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để LĐH Đà Nẵng sớm thành hiện thực, khắc phục sự chậm trễ thời gian qua”.

GS, TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐHĐN cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ĐHĐN đã làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Kết quả là nhận được sự nhất trí, ủng hộ cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương trong việc phối hợp rà soát, kiểm tra, tính toán lại và tổ chức triển khai điều chỉnh quy hoạch chung, thống nhất lộ trình, đẩy nhanh tiến độ xây dựng LĐH, phục vụ việc phát triển cơ sở vật chất cho các đơn vị thành viên ĐHĐN trong thời gian tới. ĐHĐN cũng khẩn trương rà soát chiến lược phát triển của từng trường thành viên và chiến lược chung của ĐHĐN, để có phương án bố trí quy hoạch hợp lý nhất phù hợp với sự hình thành một LĐH trong tương lai.

Hiện nay, lãnh đạo hai địa phương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với ĐHĐN để thực hiện công tác kiểm đếm, đo đạc, khảo sát hiện trạng, lập dự toán đền bù giải phóng mặt bằng, xác định phương án bố trí vị trí quỹ đất thực hiện tái định cư.

Ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Cho đến thời điểm này, quận Ngũ Hành Sơn đang làm tốt công tác quản lý đất đai, không có việc xây dựng nhà trái phép chờ giải tỏa. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ vận động, tuyên truyền hiệu quả nên người dân vẫn ủng hộ và sẵn sàng nhường đất xây dựng dự án. Chỉ cần bố trí vốn là chúng tôi thực hiện ngay việc giải tỏa, bố trí dân vào khu tái định cư, phục vụ dự án”.

Đồ họa: VŨ BÌNH
Đồ họa: VŨ BÌNH

Giải bài toán 8.000 tỷ đồng

Dựa trên các quy định hiện hành, ĐHĐN đã tính toán sơ bộ tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư xây dựng các hạng mục tại LĐH là hơn 8.000 tỷ đồng.

Theo đó, vốn ngân sách Trung ương là 3.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam hỗ trợ tái định cư gần 700 tỷ đồng, vốn vay ODA của Chính phủ 2.000 tỷ đồng, vốn huy động của nhà đầu tư (thương mại hóa 22ha đất) 900 tỷ đồng, vốn tự bổ sung của ĐHĐN và vốn xã hội hóa khoảng 1.400 tỷ đồng.

GS, TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐHĐN đưa ra giải pháp để giải bài toán 8.000 tỷ đồng: “Để có được nguồn vốn xây dựng thì cần sự quyết tâm của Chính phủ, của hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và những cơ chế phù hợp, đặc thù cho kế hoạch phát triển LĐH. Việc xã hội hóa là xu thế tất yếu để huy động được nguồn lực từ các nhà đầu tư. Các công trình tập thể như ký túc xá, khu thể thao, các dịch vụ phục vụ sinh viên, khu vui chơi, các công trình nhà ở cho chuyên gia nước ngoài, bệnh viện thực hành của Trường ĐH Y dược trong tương lai sẽ được ưu tiên kêu gọi xã hội hóa”.

Cũng theo GS, TS Trần Văn Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là các địa phương không có vốn để hỗ trợ việc tổ chức tái định cư và giải phóng mặt bằng.

PGS,TS Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc ĐHĐN cho rằng: “Thực ra, trong 8.000 tỷ đồng, chỉ cần bố trí sớm hơn 3.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Trong đó, Đà Nẵng cần hơn 800 tỷ đồng, Quảng Nam gần 2.300 tỷ đồng. Còn lại 5.000 tỷ đồng thì có thể kêu gọi đầu tư. Chẳng hạn, có đơn vị sẵn sàng bỏ ra 1.000 tỷ đồng xây dựng khoa Y dược (sắp đến là Bệnh viện Y dược) với mục tiêu đôi bên cùng có lợi. Mình có bệnh viện cho sinh viên thực hành, nhà đầu tư kinh doanh thu lợi nhuận. Tuy nhiên, giờ không có đất thì đành chịu”.

Theo kế hoạch của ĐHĐN, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2017 đến 2020. Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho LĐH cũng sẽ tiến hành song song trong thời gian trên. Các phân khu chức năng (những dự án thành phần) trong LĐH sẽ được xây dựng từ năm 2021 đến 2030.

Phải thay đổi quy hoạch?

GS, TS Trần Văn Nam cho biết, quy hoạch LĐH năm 1997 là 300ha, phục vụ cho khoảng 30.000 sinh viên (tiêu chuẩn 100m2/sinh viên). Thế nhưng, cho đến nay, quy mô đào tạo của ĐHĐN đã đạt hơn 47.000 sinh viên. Vì vậy nếu giữ quy hoạch cũ thì dù LĐH Đà Nẵng được xây dựng vẫn không đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay.

Nhận xét về quỹ đất xây dựng LĐH, ông Nguyễn Hòa khẳng định, với quỹ đất hơn 130ha dành cho việc bố trí tái định cư, khoảng 250 hộ đang sinh sống trong vùng dự án, nếu khéo sắp xếp thì vẫn có thể dành thêm đất cho việc mở rộng quy mô LĐH. Vấn đề còn lại chính là nguồn vốn có được bố trí đủ và đúng thời gian như dự kiến.

Theo GS, TS Trần Văn Nam, trước mắt, một số trường thành viên sẽ duy trì song song 2 địa điểm, một số sẽ chuyển toàn bộ vào LĐH. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa chưa di dời vì diện tích đất của trường lớn (23ha), Trường ĐH Kinh tế xây dựng cơ sở 2. Còn Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm thì phải chuyển vào LĐH vì diện tích đất hiện nay không bảo đảm cho việc dạy và học.

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho biết, đơn vị đang tham mưu cho UBND thành phố làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ dự án. Vấn đề của Đà Nẵng là phải đối diện với việc giải quyết các nhu cầu dạy, học, ăn, ở cho số lượng sinh viên, giảng viên lớn hơn rất nhiều so với dự kiến. Bản thân dự án LĐH đã không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển của đô thị. Trước tình hình đó, thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư LĐH ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) với quy mô gần 275ha. Dự án này chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển các trường đại học ngoài công lập, không giải quyết trực tiếp cho dự án LĐH Đà Nẵng mà chỉ gián tiếp chia sẻ số lượng sinh viên trong khu vực Đà Nẵng và các tỉnh phụ cận.

Theo một cán bộ công tác lâu năm trong ngành giáo dục, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục chần chừ trong bố trí vốn, triển khai dự án LĐH Đà Nẵng, trước hết thiệt thòi sẽ thuộc về sinh viên, đối tượng trực tiếp mà Bộ chịu trách nhiệm về cả đào tạo lẫn giáo dục, phát triển nhân cách, trí tuệ.

“Khi LĐH ở Hòa Ninh hình thành, phát triển, sự chậm chân của dự án LĐH Đà Nẵng sẽ khiến giáo dục ĐH công lập ở Đà Nẵng hụt hơi, thiếu sức hấp dẫn so với ĐH ngoài công lập là điều dễ thấy trước. Và hơn hết, một dự án xuyên 2 thế kỷ của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ còn được nhắc tới trong nhiều năm nữa, mà thiệt thòi, cuối cùng thuộc về thế hệ sinh viên hiện tại và tương lai”, vị này nói.

"Chìa khóa cho sự thành công của Đà Nẵng nằm ở khả năng đánh thức tiềm năng về con người, đặc biệt là nguồn nhân lực thông thạo ngoại ngữ và có tay nghề cao. Chính quyền thành phố phải đi tắt đón đầu trong việc dự báo nhu cầu và đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường và các nhà đầu tư, nhất là các dự án công nghệ cao, có quy mô lớn; đồng thời nỗ lực để giữ chân được các nhân tài địa phương và thu hút được các chuyên gia quốc tế.

Để làm được những nhiệm vụ trên, UBND thành phố cần thể hiện rõ quyết tâm trong việc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nhanh chóng triển khai Làng đại học Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017,
do UBND thành phố tổ chức ngày 15-10

Bài và ảnh: MAI TRANG-PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.