Chìm nổi dự án Làng đại học Đà Nẵng

.

Dự án Làng đại học Đà Nẵng ra đời năm 1996, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1997. Tuy nhiên, 20 năm sau, dự án LĐH mới chỉ sử dụng chưa tới 1/10 diện tích được duyệt, phần còn lại vẫn nằm trên giấy.

Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Đà Nẵng) nằm trơ trọi giữa bãi đất trống cỏ mọc nham nhở tại Làng đại học, xung quanh không có tường rào.
Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Đà Nẵng) nằm trơ trọi giữa bãi đất trống cỏ mọc nham nhở tại Làng đại học, xung quanh không có tường rào.


Bài 1: Những “ốc đảo” trong Làng đại học

20 năm kể từ ngày dự án Làng đại học Đà Nẵng (LĐH) được phê duyệt, đến nay tại LĐH mới chỉ có 2 trường cao đẳng. Tổng diện tích đất đã giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành, ký túc xá dừng lại ở con số 37ha, 10% so với tổng diện tích mặt bằng quy hoạch ban đầu.

Theo Quyết định số 1057/1997/QĐ-TTg ngày 9-12-1997 của Thủ tướng Chính phủ, dự án quy hoạch chung LĐH Đà Nẵng triển khai tại quận Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng) và thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) với diện tích sử dụng 300ha, quy mô đào tạo 30.000 sinh viên.

Đây là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, liên ngành với hệ thống hoàn chỉnh các trường, các viện nghiên cứu, các đơn vị thực nghiệm... bảo đảm sự gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp phát triển kinh tế của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

PGS.TS Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) cho biết, mục tiêu đặt ra là xây dựng một khu đào tạo ĐH tập trung, tiến tới hình thành mô hình LĐH đạt tiêu chuẩn quốc tế, với nhiều cơ sở vật chất dùng chung, sử dụng một cách hiệu quả nhất nguồn nhân lực hiện có của ĐHĐN.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến năm 1999, LĐH mới bắt đầu được triển khai giai đoạn 1, với nguồn vốn ngân sách 75 tỷ đồng, chỉ vừa đủ xây dựng tường bao xung quanh và sửa chữa các cơ sở hiện có để đáp ứng yêu cầu dạy học hiện tại. Giai đoạn 2 dự tính triển khai từ năm 2008 đến 2011, kéo dài đến 2010, dự án được cấp 170 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng 23ha, xây dựng Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin (ĐHĐN) và 2 ký túc xá.

Hiện nay, Khoa Y dược ĐHĐN đang “mượn” một khu nhà của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin tại LĐH để làm giảng đường và phòng thực hành. Với sinh viên năm nhất, năm hai, bên cạnh việc học tại cơ sở 41 Lê Duẩn và 48B Cao Thắng, một tuần, sinh viên sẽ thực hành mô phôi và sinh di truyền tại LĐH từ 1 đến 2 lần. Đối với sinh viên năm ba, năm tư thì hầu hết thời gian sinh viên học tại LĐH.

Nguyễn Thị Minh Tuyến (sinh viên lớp YK16B, khoa Y dược, ĐHĐN) cho biết, tất cả sinh viên của khoa đều mong muốn được quy tụ về LĐH, tránh tình trạng “nay đây mai đó”. “Việc di chuyển trên quãng đường có mật độ giao thông cao từ trung tâm thành phố đến LĐH và ngược lại vừa nguy hiểm lại vừa tốn thời gian, công sức. Bên cạnh đó, việc quy tụ vào LĐH sẽ giúp sinh viên các khóa được cùng học tập, sinh hoạt chung trong một môi trường. Điều này tạo cơ hội để những sinh viên khóa dưới được trao đổi, nhận sự chỉ bảo, truyền thụ của các sinh viên khóa trên - điều rất cần trong ngành y”, Minh Tuyến chia sẻ.

Khoa Y dược (Đại học Đà Nẵng) đang “mượn” một khu nhà của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin tại Làng đại học để làm giảng đường và phòng thực hành. Trong ảnh: Giờ thực hành của giảng viên Lê Thị Thơm và các sinh viên.
Khoa Y dược (Đại học Đà Nẵng) đang “mượn” một khu nhà của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin tại Làng đại học để làm giảng đường và phòng thực hành. Trong ảnh: Giờ thực hành của giảng viên Lê Thị Thơm và các sinh viên.

Do tổ chức giảng dạy tại 3 địa điểm như vậy nên lực lượng giảng viên của trường cũng phải đi đi, về về 3 nơi. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thơm, giảng viên môn Y học cơ sở, dạy tại LĐH ít nhất 4 ngày/tuần. Mỗi buổi trưa, giảng viên Lê Thị Thơm chấp nhận quay về nhà trong trung tâm thành phố rồi đầu giờ chiều lại chạy vào LĐH bởi LĐH không có chỗ để ăn trưa và nghỉ ngơi cho giảng viên.

“Tôi và các sinh viên của mình cứ nhìn vào tòa nhà đang thành hình của khoa Y dược trong LĐH để tự động viên mình rằng, sẽ chấm dứt việc học ở 3 địa điểm như hiện tại. Tuy nhiên, khi tòa nhà hoàn thiện thì đây vẫn chỉ là nền tảng ban đầu vì LĐH không phải chỉ có các công trình phục vụ mục đích học tập, đào tạo mà còn phải cung cấp được các tiện nghi giáo dục, nghiên cứu và cả sinh hoạt, giải trí, phục vụ cho cuộc sống của hàng chục nghìn sinh viên, giảng viên. Việc chưa xây dựng các khu vực vệ tinh trên khiến những trường vào LĐH trước như rơi vào ốc đảo”, thạc sĩ Lê Thị Thơm nói.

Chia sẻ về điều này, TS Trần Tấn Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin (ĐHĐN) cho biết: “Tôi làm hiệu trưởng 10 năm, vào đây đã hơn 7 năm, còn đúng 1 năm nữa là về hưu, nhưng ước nguyện được thấy một LĐH nên vóc nên hình vẫn chỉ là mơ ước. Trong khi đó, điều dễ thấy hằng ngày là cơ sở vật chất trường đang ngày một đi xuống, là tâm lý mệt mỏi của giảng viên và sinh viên khi về học tại môi trường hoang vu, đơn độc…”.

Thời điểm tháng 7-2011, TS Trần Tấn Vinh nhận nhiệm vụ điều hành cơ sở mới của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin khi nơi đây gần như không có bất cứ điều kiện sinh hoạt tối thiểu nào. Xung quanh chỉ toàn mồ mả, từ ngoài đường lớn vào phải đi nhờ đường bê-tông nông thôn của dân. Theo dự án, thời điểm này, trường phải có 4 tòa nhà nhưng hiện chỉ có 1 tòa nhà nên tất cả các phòng làm việc của lãnh đạo, giáo viên, nhân viên đều cải tạo từ các phòng học của sinh viên.

“Mới đây, tôi nghe nói LĐH được rót 200 tỷ đồng để xây dựng 3 đơn vị mới, riêng trường được khoảng 100 tỷ đồng để xây thêm một tòa nhà làm giảng đường. Tuy nhiên, các thầy cô chưa kịp mừng thì lại nghe nói phải dừng lại vì thiếu vốn”, TS Vinh nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ - MAI TRANG

;
.
.
.
.
.