Cần mở rộng hình thức tiếp nhận thông tin tố cáo

.

Ngày 2-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, đơn vị thành phố Đà Nẵng gồm các ông, bà: Nguyễn Thanh Quang, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng, Bí thư Quận ủy Thanh Khê; Nguyễn Bá Sơn, Nguyễn Thị Kim Thúy, Võ Thị Như Hoa tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, công chức làm công tác tham mưu giải quyết tố cáo của thành phố để lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Luật Tố cáo. Đây là lần lấy ý kiến thứ hai để trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 của QH khóa XIV, dự kiến khai mạc vào ngày 23-10.

Tại buổi tiếp xúc, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nêu ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Tố cáo; những nội dung cơ bản của dự thảo luật cần tập trung góp ý. Ý kiến của các đại biểu góp ý đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tố cáo hiện hành cho phù hợp với thực tế công tác giải quyết tố cáo hiện nay. Một số ý kiến cho rằng dự thảo luật có nhiều nội dung hoàn thiện hơn trước như: quy định cụ thể hơn nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo; quy định về công khai kết luận nội dung tố cáo; quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; quy định xử lý tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức ngay cả khi người đó đã nghỉ hưu hoặc tự ý thôi việc hoặc chuyển cơ quan khác; quy định bảo vệ người tố cáo; quy định khen thưởng người có thành tích trong việc tố cáo…

Nhiều ý kiến đề xuất nên mở rộng hình thức gửi đơn qua thư điện tử (email), qua bưu điện hoặc các hình thức khác thay vì dự thảo luật chỉ quy định 2 hình thức tố cáo truyền thống là bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp. Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn đề nghị luật cần cụ thể hơn có bao nhiêu hình thức tố cáo trực tiếp, bao nhiêu hình thức gián tiếp; đồng thời bày tỏ, sau này, Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh, mỗi công dân đều có mã số nhận dạng thì có cần thiết phải trực tiếp đi tố cáo không. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng công tác bảo vệ người tố cáo chưa tốt lắm nên mới có trường hợp đơn tố cáo nặc danh, mạo danh; trong khi dự thảo quy định đơn thư nặc danh có chứng cứ, tài liệu cụ thể chỉ phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra. Có ý kiến đề nghị quy định rõ việc cần xử lý cán bộ có thẩm quyền giải quyết tố cáo sai trước rồi mới xử lý cán bộ tham mưu sai. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng đơn tố cáo nhưng bản chất là khiếu nại. Hiện nay các cơ quan, đơn vị đều thực hiện tinh giản 10% biên chế cho đến năm 2021, việc này sẽ gây khó khăn cho việc bố trí cán bộ có chuyên môn sâu làm công tác tham mưu giải quyết tố cáo…

S.TRUNG

;
.
.
.
.
.