Ngày đầu làm việc trong báo Đảng

.

37 năm trước, khoảng tháng 3-1981, ngày đầu về làm việc ở Báo Nhân Dân, tôi nhận được những bài học cho riêng mình. Như nhiều nhà báo khác, hành trình làm báo của mỗi người có thể trải dài, mở rộng, nhưng những kỷ niệm với nghề, với đời thi thoảng lại thức dậy, lấp lánh sáng và tươi mới, gợi mở nhiều điều trong suy nghĩ hôm nay...

“71 - Hàng Trống - Hà Nội đây rồi!”... Qua cổng gác, tôi vào luôn Ban Thư ký - Biên tập. Anh Trần Truyền, Kíp trưởng các trang 1 và 4 (ít lâu sau là Trưởng phòng Xuất bản I) bắt tay “lính mới”, nheo mắt hóm hỉnh: “Trần Danh Lân hả? 8 giờ (anh ngước mắt nhìn đồng hồ treo tường)... Cậu này được đấy! Đi làm phải đúng giờ!”.

Sau mươi phút hỏi “lấy lệ” về gia cảnh, chủ yếu là để “quán triệt”, anh Trần Truyền đặt ra cho tôi một loạt yêu cầu, còn tôi, ngộ ra những kiến thức, kinh nghiệm đã có của mình so với yêu cầu của công việc này gần như… bằng không! Đại thể, theo lời anh, tôi cùng với Nguyễn Hữu Thuận (anh Thuận Hữu, Tổng Biên tập hiện nay) và Phan Hùng (nay anh đã về hưu) sẽ phải học cách tốc ký dưới sự chỉ bảo của nhà báo Ngô Thi; học cách biên tập và số ít từ chữ Pháp (viết tắt) thông dụng trong ngành in theo chỉ dẫn của nhà báo Trần Truyền; học ký hiệu - xuất bản và quy trình - xuất bản (nội bộ) với nhà báo Ngũ Phong. Và cũng vẫn ý anh, “vấn đề đầu tiên của mọi vấn đề, với các cậu cùng về Báo Nhân Dân đợt này là hòa nhập, phải biết cách hòa nhập...”.

Khoảng 10 giờ, anh Trần Truyền đưa cho tôi bản thảo một bài “chân” trang 3  “Nghe nói cậu tốt nghiệp  Đại học Tổng hợp Văn, vậy thử xem lại bài này đi, có sai hay cần sửa chỗ nào không? Xem cả cách cấp trên đã sửa để mà biết, có kinh nghiệm dần lên!”. Là dân nhà quê, thêm bị khích tướng, tôi tập trung tâm trí, chú ý rà đọc từng câu, từng từ, xem kỹ từng dấu phẩy. Đó là bản thảo bài viết về lĩnh vực hội họa của tác giả Quang Nhã. Trước khi chuyển cho tôi, bản thảo ấy đã được lãnh đạo ban chuyên môn (có lẽ là Ban Văn hóa-Văn nghệ) chữa bằng mực xanh lơ, chưa được chữa bằng mực đỏ (thường là của các thành viên trong Ban Biên tập).

Cảm nhận chung là tôi đang được đọc một bài viết chuyên sâu, khá hay, nhưng tác giả dùng quá nhiều câu phức hợp. Lại có lắm khúc câu (trong nhiều câu) dùng trạng từ và bổ ngữ nên nhiều câu quá dài (đơn lẻ, có vài câu dài hơn 10 dòng đánh máy) khiến vài đoạn trong bài lủng củng. Tôi chọn một câu rắc rối nhất, ngắt câu ấy làm ba, giữ nguyên ý tác giả, nhưng thêm vào vài từ cho rõ nghĩa. Hôm sau, báo ra, xem lại vẫn in y nguyên như tôi đã chữa!...

Nhưng niềm vui bé xíu ấy chỉ có vào sáng ngày sau; còn chiều đó, khoảng 18 giờ, tôi liền bị “sờ gáy” ngay. Anh Nguyễn Thế Khuông tìm tôi: “Mày lên gặp lãnh đạo Ban ngay... Cụ Thanh Hải gọi mày lên gặp gấp!”. Cho đến lúc đó, tôi chỉ biết đại khái: Nhà báo Đức Thi đã đi sang nước bạn, giúp Báo Prô-chia-chuôn của Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia; hiện tại, Ban Thư ký - Biên tập Báo Nhân Dân do nhà báo Thanh Hải phụ trách.

Nhưng quả thật tôi chưa từng gặp, làm gì biết dung mạo và tính cách nên tâm trạng cũng hơi rối khi biết được cấp trên quan tâm. Song, lúc đối diện với anh, tôi mới ngớ người:  Ông Trưởng ban (Vụ trưởng) lịch thiệp, từ tốn, mắt sáng, đường bệ ngồi trước tôi đây chính là người mặc áo đen Linh mục Thiên chúa giáo, đeo Thánh giá lấp lánh, người đã chủ động bắt tay tôi sáng nay dưới gốc cây đa 71 - Hàng Trống! Thế mà suốt buổi, tôi cứ tự vấn mãi: “Ở tòa soạn báo Trung ương Đảng sao có thêm cả Đức Cha? Hay Tổng Biên tập Hồng Hà tiếp khách?”... Anh Thanh Hải vào đề ngay: “Tôi đã xem hồ sơ lý lịch và kết quả học tập của cậu... Thế là tốt! Nhưng, sao cậu dám chữa bài của anh Quang Nhã?”.

Tôi giải trình... Anh pha trà ngon, mời tôi thân tình như với một người bạn nhỏ. Song, nghiêm khắc trong từng lời:  Cậu mới về, chưa biết  “luật” và “lệ”, “thế” và “thẩm quyền”, nên mình thông cảm! Tuy cậu chữa đúng và có làm hay lên, nhưng lần sau không được làm thế! Anh Trần Truyền thử kiểm tra kiến thức của cậu và cho cậu cái quyền được phát hiện lỗi trong bài, chứ không phải cho cậu cái quyền chữa bài!

Anh Quang Nhã là Phó ban Thư ký - Biên tập, nếu có sai khi viết thì chỉ tôi trở lên mới có quyền... đưa bút vào!”. Không lâu sau, nhà báo Thanh Hải trở thành Tổng Biên tập Báo Thiên Chúa giáo. Về sau, tôi còn biết, anh nguyên là một cán bộ tình báo tầm cỡ. Và mãi đến năm 1996, tôi mới được gặp lại anh trong một cuộc họp tại Đà Nẵng. Song ký ức trên chính là bài học đầu tiên tôi cảm nhận được ở Báo Nhân Dân: vị thế và thẩm quyền!...

“Tân binh thích sờ ngay vào súng đạn”, đúng như câu ngạn ngữ Kazakhstan,  tối đó, tôi tự xin ở lại, bổ sung luôn vào kíp “dò bài”, sang Nhà in Tràng Tiền ngay. Khoảng 20 giờ, nhà báo Hà Đăng, Phó Tổng Biên tập bước vào Ban Thư ký.

Chẳng là anh vào định để duyệt lần cuối ma-két phác thảo toàn bộ số báo ngày hôm sau và anh Trần Truyền sẽ phải dùng phấn trắng vẽ, trình bày lại ngay trên tấm bảng đen cỡ lớn. Hầu như tất cả mọi người đều nhốn nháo, rối rít cả lên, vồn vã nhào tới bắt tay, hoặc kéo ghế mời anh ngồi. Có người còn cố nịnh khéo vài câu, kiểu lấy chuyện làm quà...

Khổ cho tôi, tận lúc đó, tuy có biết danh tiếng của nhà báo Hà Đăng nhưng chưa từng biết dung mạo anh. Bởi thế, tôi vẫn ngồi vắt vẻo trên bàn, chân đung đưa khiếm nhã theo tiếng nhạc thoáng bay sang phát ra từ một chiếc loa công cộng phía bờ hồ. Anh Hà Đăng bước nhanh tới, chủ động chìa tay ra: “Cậu mới về à? Là Hữu Thuận, hay Danh Lân?... Ừ, mình đã nghe anh Tô Điện báo cáo...”. Lúc đó, tôi thật sự lúng túng. Không phải vì những câu hỏi của anh, mà vì anh bước đến quá nhanh, áp sát đối diện và gần bàn quá, nên tôi không thể nào thõng nhanh được chân xuống đất, giữ lấy phép lịch sự cần phải có. Đành ngồi nguyên tư thế cũ trên bàn, cứ thế, lần lượt trả lời những câu hỏi thân tình, ấm áp qua chất giọng Phú Yên của anh...

Sau khi anh Hà Đăng ra khỏi phòng, anh em trong Ban Thư ký mới giải thích cho tôi vị khách vừa đến là ai. Thoáng ân hận nhưng việc đã rồi, biết làm sao. Cũng có người đía khéo: “Phó Tổng Biên tập trực, sắp tới khả năng là Tổng Biên tập mà mày dám ngồi nguyên trên bàn đối thoại ngang xương thế, chẳng hiểu mày là “ngữ” gì? Hay mày con cụ lớn nào thì bảo, để tao còn thờ luôn?”... May sao, do lần vào trước không thấy anh Trần Truyền, khoảng 45 phút sau, anh Hà Đăng quay lại. Lần này, đợi anh bàn xong công việc chuyên môn, ra về tôi liền bám theo. Khi ra khỏi phòng, tôi thành thật xin lỗi anh... Tưởng anh sẽ cho một trận, hoặc dạy dỗ một bài, nhưng không, anh cười rất nhân hậu: “Có gì đâu, chuyện nhỏ! Không biết thì không có lỗi... Quan trọng là Báo Nhân Dân mong cậu và các cậu khác làm việc ngày càng tốt hơn”.

Năm 1996, được ngồi bên anh, cùng dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên, tranh thủ lúc giải lao, tôi đã định mở miệng ôn lại chuyện xưa, thành thật lần nữa xin lỗi anh nhưng anh Hà Đăng gạt đi: “Thôi, mình bỏ qua chuyện đó từ lâu rồi! Sao cậu nhớ dai thế?...”. Với tôi, dưới gốc đa Hàng Trống đã có thêm bài học kinh nghiệm thứ hai: Cán bộ lãnh đạo các cấp ở Báo Nhân Dân  cần có thêm phẩm chất độ lượng và dường như càng làm to thì tâm ý càng độ lượng và bao dung hơn.

Ngày đầu ở Báo Nhân Dân, tôi học được những bài học quý và tự nhủ với mình: Thế này, thì chắc sẽ phải gắn bó suốt đời với Báo Nhân Dân!

TRẦN DANH LÂN

;
.
.
.
.
.