Làm báo cùng mạng xã hội: Con dao hai lưỡi

.

Với những nhà báo trẻ luôn muốn dấn thân vào những vấn đề nóng hổi, mạng xã hội (MXH), đặc biệt là Facebook được xem là nguồn thông tin không thể tách rời. Tuy nhiên, làm báo cùng MXH cũng đồng nghĩa với việc “chơi dao có ngày đứt tay”.

Một số đồng nghiệp, đặc biệt là đồng nghiệp làm báo điện tử chia sẻ rằng, chưa bao giờ áp lực thông tin lại nặng nề như bây giờ. Nếu trước đây chỉ là cuộc đua giữa các tờ báo điện tử về độ nhanh, chính xác thông tin thì ngày nay, rất nhiều báo phải chạy theo MXH. Một thông tin nóng hổi, sốc, dự báo có vấn đề được đăng tải và sau đó lan truyền nhanh chóng trên MXH có thể mở ra đề tài hấp dẫn cho các nhà báo. Người làm báo luôn xem mỗi tài khoản Facebook là một nguồn tin cần thiết.

Chưa kể, có những facebooker có hàng trăm ngàn lượt theo dõi, mỗi status (trạng thái) của họ khi đăng tải luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người khiến nhiều nhà báo, tờ báo không thể bỏ qua những thông tin quan trọng này. Và khi “livestream” của MXH được ứng dụng, các thể loại báo chí đã nhanh nhạy tận dụng ứng dụng này để làm “sống” bản tin trên báo mình một cách nhanh nhất.

Năm 2016, thông qua MXH, chúng tôi phát hiện vụ phá rừng Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) với mục đích chờ giải tỏa. Từ một vài tấm hình đăng tải trên facebook, chúng tôi tìm về hiện trường, xác minh và viết loạt tin, bài phản ánh. Từ nguồn tin của MXH, sự việc sau đó đã được cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu, làm rõ hành vi của những đối tượng có ý đồ phá hoại di tích để trục lợi. Hay như mới đây, khi những hình ảnh phá rừng ở Sơn Trà lần đầu tiên được đăng tải trên MXH, các phóng viên lần lượt vào cuộc. Điều đó cho thấy, MXH đóng góp một phần không nhỏ trong hoạt động báo chí. Là nguồn tin hết sức đa dạng để các nhà báo tìm hiểu sự việc.

Tuy nhiên, cũng vì quá phụ thuộc vào MXH, không ít nhà báo đã chuốc phiền toái. Sự cạnh tranh về mặt thông tin giữa các báo và giữa các báo với MXH vô tình đã tạo nên áp lực khủng khiếp. Áp lực này làm sản sinh những tác phẩm báo chí “ăn xổi”, nửa vời, không đi vào bản chất sự việc mà chỉ nêu hiện tượng, thậm chí phản ánh sai sự thật.

Đầu năm 2017, phóng viên một số báo mạng đã ăn “quả đắng” khi đăng tải “dàn siêu xe” gắn biển xanh tại Cần Thơ, dù thực chất nó chỉ là xe... đồ chơi! Một số trang mạng, tờ báo đã không ngần ngại khai thác MXH một cách triệt để nhằm xuất bản những tin, bài mang tính câu view.

Trong khi đó, nhiều người dùng MXH vì không nhận thức được tác hại của việc đưa tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, nên cố ý đăng tải những thông tin thất thiệt nhằm mục đích được chú ý. Đầu tháng 5-2017, Công an quận Thanh Khê đã yêu cầu một trang điện tử xóa bỏ bản tin “Cướp ô-tô giữa ban ngày tại Đà Nẵng” vì không đúng sự thật. Công an quận Liên Chiểu ngày 9-6 vừa qua cũng đã xử phạt 12,5 triệu đồng một chủ tài khoản facebook vì cố tình đăng tin “bắt cóc trẻ em” thất thiệt, gây hoang mang dư luận. Rõ ràng, nếu phóng viên không tỉnh táo, không sử dụng biện pháp nghiệp vụ để xác minh, làm rõ những thông tin trên MXH thì chắc chắn sẽ tự gây họa cho bản thân, ảnh hưởng đến tờ báo và gây hoang mang cho xã hội.

Ông Hoàng Khánh Hưng, Phó phòng Báo chí-Xuất bản, Sở Thông tin-Truyền thông Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng 600.000 tài khoản Zalo, khoảng 700.000 tài khoản Facebook. MXH gắn liền với sự phát triển của “báo chí công dân”. Chỉ cần một thiết bị điện thoại thông minh, bất cứ người dân nào cũng có thể trở thành một “người đưa tin”.

“Trước sức ép này, một số cơ quan báo chí đã phải có sự cân nhắc thật sự với Facebook nói riêng và MXH nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực cũng xuất hiện nhiều tin bài ẩu, nhạt, có dấu hiệu câu view. Có dấu hiệu hình thành một dạng phóng viên “thường trú” Facebook, chuyên lướt MXH để tìm kiếm thông tin. Cũng từ đây, bên cạnh phần lớn là các nhà báo có trách nhiệm với nghề, cũng có nhiều phóng viên non kém, sử dụng nguồn tin trên Facebook như một nguồn… chính thống! Nhà báo phải xác định chúng ta khác với người sử dụng MXH ở 2 điểm, đó là thông tin đưa ra cần phải chính xác, cần được kiểm chứng. Thứ hai, nhà báo cung cấp thông tin đến độc giả nhằm hướng tới giá trị chân thực, phản ánh đúng bản chất sự việc, góp phần ổn định, phát triển xã hội”, ông Hưng nói.

ĐẠI BÌNH

;
.
.
.
.
.