Báo chí - quyền lực không tha hóa

.

Báo chí có nhiệm vụ quan trọng, quyền lực to lớn, trách nhiệm nặng nề, sứ mệnh vẻ vang, nhưng quyền lực không thể bị tha hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III (1962). (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III (1962). (Ảnh tư liệu)

Nguyễn Ái Quốc là số ít trong hàng các lãnh tụ cách mạng sớm nhận thức được tầm quan trọng của báo chí và trách nhiệm nặng nề của những người làm báo. Quan điểm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về sứ mệnh của báo chí ngắn gọn, súc tích, chứa đựng nội dung cách mạng và nhân văn sâu sắc có giá trị trường tồn.

Theo Người, bài báo là tờ hịch cách mạng, cây bút phục vụ chính nghĩa trong tay nhà báo là một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp “phò chính trừ tà”. Người cầm bút vừa thể hiện sứ mệnh của nhà báo vừa phải có trách nhiệm công dân. Trách nhiệm báo chí - công dân gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc.

Nhiệm vụ đó được thể hiện trong từng giai đoạn cách mạng cụ thể. Trước đây là phục vụ đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến - kiến quốc, chống Mỹ, cứu nước, phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiện nay là phục vụ công cuộc đổi mới vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hồ Chí Minh và Đảng ta từ sớm ghi nhận và khẳng định tầm quan trọng của báo chí, nhưng báo chí chỉ có sức mạnh thật sự khi gắn với trách nhiệm: trách nhiệm cầm bút, trách nhiệm công dân, trách nhiệm phục vụ Tổ quốc. Trong quyền lực có trách nhiệm, trong thực thi trách nhiệm phải thể hiện được quyền lực và sức mạnh của báo chí. Quyền lực không có trách nhiệm là một thứ quyền lực vô giá trị; trách nhiệm không phản ánh, thể hiện được quyền lực là một thứ trách nhiệm không đến nơi đến chốn, trách nhiệm nửa vời.

Người cầm bút có quyền phê bình với tinh thần trách nhiệm cao của nhà báo, của công dân. Nhà báo cần có dũng khí, bản lĩnh trong phê phán, phanh phui cái ác, cái xấu, cái sai, cái giả dối, những tư tưởng và hành động cơ hội, thiếu tinh thần trách nhiệm, bệnh thành tích, bệnh hình thức, các kiểu chạy chọt, luồn cúi, xu nịnh a dua, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm…

“Trừ tà” là một thứ quyền lực đặc biệt của báo chí. Ngày nay, nhà báo chân chính không chỉ dám hy sinh, chịu hy sinh về quyền lợi mà thậm chí còn phải hy sinh cả tính mạng để có được một thông tin chống tiêu cực có giá trị vì lợi ích của nhân dân. Người cầm bút phải có thái độ, tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” như Đảng ta đã nêu lên trong văn kiện Đại hội VI, và tiếp tục được khẳng định trong văn kiện Đại hội XII và Nghị quyết Trung ương 4.

Không thể hiện được điều đó, không có được được những bài báo nghiêm chỉnh, chắc chắn, sắc bén, đầy bản lĩnh, dũng khí như vậy không thể gọi là nhà báo cách mạng, nhà báo chân chính. Tất nhiên, người cầm bút phải chịu trách nhiệm về những bài báo và thông tin của mình. Đó vừa là trách nhiệm báo chí, vừa là trách nhiệm công dân. “Trừ tà” theo tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”, cứu một dân tộc, một chế độ, một đảng, chứ không phải phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm.

Nhà báo cần phải nhận thức rõ, đúng đắn, đầy đủ quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi trong Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 đến nay, đó là “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin”. Việc thực hiện các quyền đó là do pháp luật quy định và bao giờ cũng vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Không thể có báo chí không giai cấp. Báo chí của ta phải phục vụ nhân dân. Tự do báo chí, tự do ngôn luận ở bất kỳ nước nào cũng phải trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật của nước đó. Không bao giờ có thứ tự do “không biên giới”, tự do vô chính phủ, tùy tiện. Tự do đúng nghĩa là hiểu và hành động theo quy luật. Nền báo chí cách mạng không chấp nhận những nhà báo không có lập trường chính trị vững chắc. Nhà báo phải lấy chính trị làm chủ. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chuyên môn i, tờ thì viết báo thế nào? Đức phải có trước tài, là gốc, nền tảng.

Quyền lực và sứ mệnh của báo chí còn phải ca ngợi cái đẹp, cái đúng, cái tốt, cái hay, cái tích cực, những tư tưởng và tấm gương công dân, cán bộ, đảng viên thể hiện trách nhiệm với nước, với dân. Đây là dòng chủ lưu của báo chí. Bằng cách nêu lên những việc làm, tấm gương cụ thể, những gương “người tốt, việc tốt”, báo chí sẽ góp phần đẩy lùi tiêu cực, xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh. Cũng như trước đây, báo chí hiện nay phải phục vụ nhân dân, tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, góp phần giành thắng lợi từng bước trong sự nghiệp đổi mới. Làm tốt điều đó, chính là báo chí thể hiện được tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu, làm tròn sứ mệnh “phò chính”.

Quyền lực nào cũng có xu hướng tha hóa. Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối. Quyền lực báo chí không nằm ngoài xu hướng đó. Người làm báo không có lương tâm, không thấy trách nhiệm, chỉ thấy quyền lực, thì rất dễ bị tha hóa. Người làm báo phải nhận thức đúng đắn rằng nhân dân trao cho báo chí quyền lực lớn thì trách nhiệm cầm bút càng cao. Vì vậy, muốn thực hiện được quyền lực và hoàn thành được trách nhiệm của báo chí thì người cầm bút phải tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày, suốt đời, gắn với thực tiễn cách mạng, với nghiệp báo chí của mình. Nhà báo phải có phẩm chất chính trị, đạo đức; chuyên môn, nghiệp vụ; phong cách làm báo; bản lĩnh, dũng khí nhà báo. Bốn tố chất đó gắn bó chặt chẽ với nhau, là cốt tủy, rường cột của nhà báo. Thiếu một trong bốn phẩm chất đó, nhà báo dễ đi ngược lại lợi ích của đất nước, phản bội lợi ích của dân tộc.

Phẩm chất chính trị quan trọng nhất của nhà báo cách mạng là nâng cao tư tưởng cách mạng, đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Đạo đức hàng đầu và xuyên suốt của nhà báo là chí công vô tư, tức là đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Trên nền tảng một trình độ văn hóa, nhà báo phải có chuyên môn, nghiệp vụ sắc sảo, nhạy bén với một phong cách truyền thống và hiện đại nhưng không giật gân, câu khách; gần gũi quần chúng, sâu sát thực tế nhưng không thực dụng, “từ trong quần chúng ra, trở lại quần chúng” nhưng không thô thiển. Cũng như mọi cán bộ, đảng viên, bản lĩnh nhà báo ngày nay là phải biết tránh xa vòng danh lợi, mọi sự cám dỗ của quyền và tiền; dám và biết cách bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái thật, cái tích cực, lên án mọi sự dối trá, lừa lọc, tiêu cực, những tư tưởng và hành vi na ná như chân lý, núp bóng tập thể để đạt được lợi ích cá nhân.

Sự nghiệp đổi mới thành công đến đâu phụ thuộc một phần lớn vào cái tâm và cái tầm của nhà báo. Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng, nặng nề và vô cùng vẻ vang. Người làm báo phải ý thức rõ ràng, đầy đủ về quyền lực của báo chí và càng phải rõ ràng, đầy đủ hơn về sứ mệnh của báo chí. Hai nhận thức đó hòa quyện vào nhau tạo nên một sức mạnh đặc biệt - sức mạnh báo chí trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

CHÂU PHONG

;
.
.
.
.
.