.

Mưu sinh với "nghề thời vụ" cuối năm

.

Để niềm vui đoàn viên, sum họp trong ngày Tết trọn vẹn, nhiều người từ giáp Tết đã tất bật mưu sinh với những “nghề thời vụ”.

Đánh lư đồng mưu sinh dịp giáp Tết.
Đánh lư đồng mưu sinh dịp giáp Tết.

Ông Trần Tấn Ánh (ở tổ 11, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) làm nghề sửa xe máy tại nhà. Dịp Tết, ông Ánh gác lại công việc sửa xe để làm nghề đánh lư đồng. “Công việc này cũng công phu lắm. Phải tỉ mỉ, kiên nhẫn và làm… hết sức thong thả để lư đồng bóng, sáng, đẹp.

Đánh lư đồng không phải chỉ làm sạch bụi, mà lư đánh xong phải làm sao nhìn bắt mắt và thể hiện sự trang nghiêm khi đặt trên bàn thờ”, ông Ánh nói. Không như một số người thường ra các vỉa hè của những tuyến đường chính để đón khách, ông Ánh chủ yếu đánh lư đồng tại nhà, khách là những người dân trong khu vực nơi ông sinh sống.

Theo ông Ánh, kỹ thuật đánh lư đồng không khó, chỉ cần chú ý và kiên nhẫn, biết thế để máy đánh bóng chạy thuận chiều theo từng góc cạnh của bộ lư. Lư đồng có nhiều loại lớn, trung, nhỏ. Mỗi bộ gồm 3 bộ phận: đỉnh lư, bình (bình đựng bông và bồng đựng trái cây) và chân đèn.

Dụng cụ đánh lư đồng gồm một mô-tơ điện, chất tẩy rửa (chanh, giấm, nước) và phốt - bàn chải. “Bộ mô-tơ giá khoảng 3 triệu đồng, có trục gắn phốt để đánh. Dùng khăn để lau chùi; chanh, giấm để tẩy rửa các vết bẩn, cặn bám vào lư…

Đánh lư đồng khó nhất là đánh đỉnh lư (nồi) vì có nhiều góc cạnh. Nếu để mô-tơ chạy ngược chiều thuận của lư rất dễ bị quật trái tay vừa gây nguy hiểm cho người đánh, vừa ảnh hưởng độ bóng và nguyên vẹn của lư đồng. Đánh lư đồng cũng giống một số nghề liên quan đến tâm linh, người đánh phải giữ tâm trong sáng. Nước, thau, xô, khăn lau, bàn chải… đều phải sạch”, ông Ánh chia sẻ.

Những người đánh lư đồng thường làm nghề này khoảng 7-10 ngày/năm, bắt đầu từ sau rằm tháng Chạp. Bình quân một ngày mỗi người đánh khoảng 3-5 bộ lư đồng tùy loại lớn, nhỏ. Đánh lư đồng bộ lớn tiền công là 300.000 đồng, bộ trung 200.000 đồng, bộ nhỏ từ 80.000 - 100.000 đồng. “So với những công việc phổ thông khác, đánh lư đồng dịp Tết có thu nhập tốt hơn. Vừa giữ “nghề”, vừa có thêm thu nhập để trang trải chi tiêu”, ông Ánh nói.

Ông Nguyễn Hạnh (trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê) bán cát lư hương nhiều năm nay. Năm nào cũng vậy, đầu tháng Chạp, ông đi tập kết cát trắng mang về sàng rửa thật sạch, rồi đem phơi khô. Từ rằm tháng Chạp, ông chở cát trắng bằng xe máy đi khắp phố phường để rao bán. Trước đây, mỗi bao cát đổ bình lư hương giá chỉ 1.000 đồng, nay có giá 5.000 đồng.

“Thường ngày tôi làm lao động phổ thông, giáp Tết mới đi bán cát lư hương. Làm nghề nào cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, vì cái chữ cho con cái mà phải cố. Công việc bán cát lư hương nhìn tưởng dễ nhưng nếu không có cái tâm thì cái nghề rồi nó cũng phụ mình thôi”, ông Hạnh tâm sự.

Bán cát lư hương trước hết phải phơi khô cát, nhưng phải là loại cát trắng, sạch; lúc phơi có bạt lót dưới để tránh pha tạp rác bẩn vào cát. Điều này không chỉ giữ cát luôn trắng, mà một phần cũng để tránh “tạp chất” khi cát được đổ vào bình thắp trên bàn thờ.

Tại Nghĩa trang thành phố ở xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) những ngày này cũng nhộn nhịp. Giữa mênh mông phần mộ, thấp thoáng từng tốp những đứa trẻ cặm cụi lau chùi, tẩy rửa trên các hàng bia mộ đã cũ màu sơn.

Em Nguyễn Chi nhà gần nghĩa trang, tranh thủ ngày nghỉ học ra đây chờ có người thuê đi lau chùi, sơn bia mộ. Chi kể, mỗi ngày nếu làm liên tục, có thể hoàn thành từ 15-20 ngôi mộ tùy loại lớn nhỏ, mộ ghép đá hay mộ xây bình thường. Theo Chi, đa phần trẻ con (nhiều nhóm, mỗi nhóm có gần chục em) chủ yếu làm vệ sinh bia, còn quét sơn thì người lớn phải làm để bảo đảm chất lượng.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Ba, công nhân vệ sinh môi trường ở quận Liên Chiểu cho biết, bình quân mỗi tháng anh thu nhập theo lương khoảng 3 triệu đồng nhưng dịp Tết thì thu nhập cao hơn. Anh Ba chia sẻ, phải tăng cường nhặt đồ nhựa phế phẩm từ rác thải sinh hoạt, các loại ống đựng nước (bia, nước ngọt, chai lo nước mắm, nước lọc…) để nhập phế liệu.

Anh Ba quê ở Nghệ An, vào Đà Nẵng sinh sống từ nhiều năm nay. Hai vợ chồng thống nhất để dành tiền, 2 năm một lần về quê cho đỡ tốn kém. “Mình xa quê, nhưng dịp giáp Tết có thêm chút thu nhập, ăn Tết ở đây với người dân Đà Nẵng ân tình, thân thiện và hòa đồng cũng đỡ phần nhớ quê. Con cái mình giờ là công dân Đà Nẵng rồi”.  

Những “nghề thời vụ” như: đánh lư đồng, bán cát lư hương, bán lá gói bánh, đổ cát, vệ sinh bia mộ… thường mang đến không khí Tết đến, xuân về. Những người làm công việc này luôn hối hả với cuộc mưu sinh cuối năm với mong muốn một cái Tết đủ đầy hơn.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.