.
CÂU CHUYỆN DÂN SỐ

Xin đừng đánh con

.

Con không ăn - đánh, con khóc - đánh, con nhõng nhẽo - đánh… vô số tình huống dẫn đến bạo hành trẻ em mà nguyên nhân là từ sự bất lực của người lớn trong việc nuôi dạy con trẻ. Nhiều người chống chế “thương cho roi cho vọt” để lý giải cho việc làm của mình.

Thông qua các hội thi tuyên truyền bảo vệ, chăm sóc trẻ em, mọi người sẽ nhận thức đúng đắn hơn về những hành vi, lời nói của mình với con trẻ.
Thông qua các hội thi tuyên truyền bảo vệ, chăm sóc trẻ em, mọi người sẽ nhận thức đúng đắn hơn về những hành vi, lời nói của mình với con trẻ.

Dùng đòn roi để dạy dỗ

Tất bật với công việc kinh doanh nên khi con mới tròm trèm 1 tuổi, chị Mười (32 tuổi, quận Liên Chiểu) đã gửi con đi nhà trẻ. Ở nhà, mỗi bữa ăn của con kéo dài cả giờ đồng hồ vì bé không chịu nuốt khiến mẹ rất bực bội. Kể từ ngày con đi trẻ, chị vui mừng khi cô giáo thông báo bé rất ngoan, ăn uống tốt nhưng sau đó là những đêm triền miên con ngủ mớ, tỏ ra sợ hãi mỗi lần đến lớp. Biết con có bị cô mắng, thậm chí bị đánh nhưng vì thấy con chịu ăn uống nên chị Mười nghĩ “nếu là mình, con hư cũng sẽ bị đánh thôi”.

Chị Phan Nguyệt Sương (32 tuổi, quận Hải Châu) có con đang theo học lớp 3 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu tâm sự: “Thỉnh thoảng lại nghe con kể hôm nay bị cô la, đánh vào mông vì con không nghe lời. Những ngày sau đó con thường đòi nghỉ học, hoặc tỏ thái độ khó chịu mỗi khi đến lớp. Mình nghe xót con lắm nhưng đành im lặng vì lên tiếng sợ cô giáo “đì” con nữa thì khổ”.

Bạo hành trẻ em đã và đang âm thầm diễn ra trong từng nếp nhà, từng lớp học với những hành vi như lớn tiếng dọa nạt hoặc thẳng tay đánh đập khi trẻ có những biểu hiện mà theo người lớn là không vâng lời.

Một lần đi chợ, người viết từng “đứng hình” khi nghe người mẹ nạt nộ đứa con mới chừng 6 tuổi: “Mi mà nói nữa là ta kê (đánh – PV) đó!” khi cu cậu đòi mẹ mua cho bịch chè…

Bạo lực không làm con ngoan hơn

Tại hội thảo tham vấn về xao nhãng, xâm hại và bạo lực đối với trẻ em diễn vào vào cuối tháng 6 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng tổ chức, báo cáo của đại diện UNICEF Việt Nam cho hay, trong năm 2014, có đến 68,4% trẻ em từ 1-14 tuổi từng bị áp lực tâm lý hoặc bị xử phạt thể xác; 16,4% trẻ em từ 5-7 tuổi tham gia vào những việc vặt hoặc hoạt động kinh tế gia đình và 7,8% tham gia vào công việc nguy hiểm, độc hại.

Thực tế chứng minh, trừng phạt bằng bạo lực không làm cho trẻ ngoan hơn, ngược lại, trẻ em sẽ trở nên chai sạn và bị ám ảnh tâm lý trước những đòn roi, cách ứng xử thiếu kiềm chế của người lớn. Tuy chưa có một nghiên cứu chính xác nhưng nhiều nhà tâm lý đã chỉ ra mối liên quan mật thiết giữa những trẻ em bị bạo hành kéo dài với trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật đang ngày một gia tăng theo cấp số nhân trong xã hội hiện nay.

Bên cạnh nguyên nhân muốn chứng tỏ thực quyền của người lớn phải kể đến nguyên nhân quan trọng nằm ở quản lý Nhà nước, thi hành pháp luật và trách nhiệm của hệ thống chính quyền các cấp.

Để nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về bạo hành trẻ em, nhiều hội, đoàn thể đã cùng vào cuộc, lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho trẻ. Từ 2 năm nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố dưới sự tài trợ của Ban điều hành cơ quan của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình thúc đẩy bình đẳng giới, nói không với xâm hại phụ nữ và trẻ em gái ở các địa phương trên địa bàn Đà Nẵng. Các xã Hòa Phong, Hòa Khương (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) còn thành lập các Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái và Câu lạc bộ Nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái hoạt động khá hiệu quả.

Bài và ảnh: MỘC MIÊN

;
.
.
.
.
.