.

Mười năm trao gửi hạnh phúc

.

Đã 10 năm trôi qua kể từ ngày bé Thiện Nhân được phát hiện với những tổn thương trên cơ thể tưởng như không bao giờ hàn gắn được. Chừng ấy thời gian cũng là lúc em xuất hiện khắp nơi như để minh chứng rằng, tình yêu thương luôn là phép màu đẩy lùi những tổn thương và gửi trao ở đó nụ cười hạnh phúc.

Thiện Nhân (giữa) cùng các y, bác sĩ trong và ngoài nước tại chương trình gặp gỡ.                                                                                               Ảnh: PHAN CHUNG
Thiện Nhân (giữa) cùng các y, bác sĩ trong và ngoài nước tại chương trình gặp gỡ. Ảnh: PHAN CHUNG

Sau rất nhiều lần phẫu thuật, đến nay, chân và cơ quan sinh dục của “chú lính chì” Thiện Nhân đang hoàn thiện và phát triển bình thường. Trong lần trở lại mới đây tại Đà Nẵng, “Thiện Nhân và những người bạn” một lần nữa làm công việc thầm lặng suốt bao năm nay: khám, phẫu thuật dị tật sinh dục miễn phí cho trẻ em.

Mệnh lệnh trái tim

Đồng hành với Thiện Nhân trong lần trở lại này có một nhân vật rất đặc biệt. Đó là bác sĩ Đinh Thị Tố Trinh, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam (nay đã nghỉ hưu), người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên và đặt tên Thiện Nhân cho em. Hình ảnh đứa bé đỏ hỏn, bê bết máu giờ đây là một cậu bé tinh nghịch, lanh lợi khiến bà Trinh không giấu được niềm xúc động. “Gặp lại Thiện Nhân, thấy con đã lớn khôn, được sống trong tình yêu thương và đùm bọc khiến tôi bùi ngùi.

Thiện Nhân là cậu bé dũng cảm nhất mà tôi biết. Sự dũng cảm của em đã chạm đến tâm can của biết bao người, giúp người yêu người hơn, biết vượt lên số phận và hoàn cảnh để sống tốt cho đời”, bà Trinh xúc động.

Bà Trinh không quên được hình ảnh nhói lòng mà bà và nhóm trực hôm đó chứng kiến. Mọi người đã bật khóc khi thấy một bé sơ sinh bê bết máu, sau khi khám cấp cứu khẩn cấp thì phát hiện bộ phận sinh dục và một chân bị mất hẳn. Mầm sống nhỏ nhoi nằm gọn trong tay bà và thoi thóp. Hình ảnh đó buộc bà cùng ekip trực khẩn trương tiến hành phẫu thuật. Ca phẫu thuật đầu tiên tiến hành được một lúc thì ngân hàng máu hết.

Nhà báo Mai Anh (phải) xúc động kể về hành trình 10 năm của con trai.
Nhà báo Mai Anh (phải) xúc động kể về hành trình 10 năm của con trai.

Chính bà Trinh là người trực tiếp truyền máu cho Thiện Nhân để tiếp tục kéo dài mạch sống. “Nếu ai hỏi vì sao lại làm vậy thì tôi nghĩ đó là mệnh lệnh của trái tim. Đứng trước bất cứ số phận bất hạnh nào, chắc chắn bạn không thể vô tâm. Lý lẽ trái tim ắt sẽ mách bảo bạn phải làm gì để sẻ chia, gánh vác khó khăn cho người khác”, bà Trinh chia sẻ. Nghĩa cử nhân đạo cùng dòng máu của bà Trinh đã chảy trong huyết quản của hài nhi đó suốt 10 năm nay và mãi mãi sau này như một minh chứng về sự sẻ chia. 10 năm qua, sự gắn kết vô hình đó đã cùng Thiện Nhân đi đến nhiều nơi, chạm vào những yếu đuối, tủi hờn của nhiều số phận để tìm lại cho họ nụ cười hạnh phúc. Cái tên Thiện Nhân được bác sĩ Trinh đặt cho cậu bé khi em thiếp đi sau ca phẫu thuật đầu tiên với hy vọng cuộc đời em tốt đẹp và sẽ gieo mầm thiện.

Trả nợ bài văn quê hương

Chị Trần Mai Anh, mẹ nuôi của Thiện Nhân, là người đồng hành với Thiện Nhân suốt chặng đường vừa qua. Suốt 10 năm chị sát cánh cùng con trai, đi nhiều nước trên thế giới, chỉ để giúp con làm người bình thường. Mỗi lần Thiện Nhân lên bàn mổ, chị luôn kề bên để động viên, tiếp thêm sức mạnh cho con. Đến nay, Thiện Nhân đã trải qua 6 lần phẫu thuật lớn. Hai năm nữa, “chú lính chì” dũng cảm này sẽ phải tiếp tục phẫu thuật để hoàn thiện dần cơ quan sinh dục.

Thiện Nhân rất hiếu động, tinh nghịch như bao đứa bé khác và học giỏi. Điều đặc biệt là tuy tàn tật nhưng Thiện Nhân rất thích chơi các môn thể thao và chơi không thua kém bạn bè cùng trang lứa. “10 năm qua, tôi luôn mong sao con trai được làm người bình thường như bao người khác. Con đã chịu nhiều thiệt thòi, chỉ có tình yêu thương mới bù đắp được. Nếu không có các y bác sĩ, chuyên gia trong và ngoài nước cùng những tấm lòng hảo tâm thì sẽ không có Thiện Nhân và cũng không có hành trình mà chúng ta nhắc đến hôm nay”, chị Mai Anh chia sẻ. Chính chị là một trong những người sáng lập chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” để giúp đỡ trẻ em bị khiếm khuyết cơ quan sinh dục trên khắp cả nước suốt thời gian qua.

Chị Anh kể rằng, Thiện Nhân rất sắc sảo và lý lẽ, thường xuyên tranh luận và tranh luận rất say sưa về một vấn đề quan tâm, thể hiện rõ tính cách “hay cãi” của người Quảng Nam. Sau thời gian dài Thiện Nhân mới được quay về quê hương. Lần này, chị đã giúp con “trả nợ” bài văn quê hương cho cô giáo. “Năm ngoái, cô giáo ra đề văn tả cảnh lễ hội quê hương. Thiện Nhân không viết được, mẹ phải xin khất nợ với cô giáo. Hôm qua, đúng đêm trăng rằm, tôi đưa con về sông Hoài ở Hội An. Chính tay con đã thả đèn lồng kèm theo điều ước của mình. Tối qua, con đã viết bài văn về lễ hội quê hương để mai này “trả nợ” cho cô giáo. Tôi tin rằng, dòng máu quê hương, con người xứ Quảng đang chảy trong con sẽ giúp con vững vàng để tiếp tục dũng cảm chiến đấu với những đớn đau của những ca phẫu thuật nay mai”, chị Mai Anh kể.

Cho những yêu thương

Đồng hành với hành trình của Thiện Nhân trong 10 năm qua là hàng trăm bác sĩ Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” ra đời cũng từ đó và đã giúp hàng trăm em nhỏ khắc phục những khiếm khuyết của cơ quan sinh dục.

Thiện Nhân cùng người anh họ đang vẽ tranh.
Thiện Nhân cùng người anh họ đang vẽ tranh.

Giáo sư người Ý Roberto Decastro là người đã phẫu thuật tái tạo thành công cơ quan sinh dục cho Thiện Nhân và hàng trăm ca phẫu thuật khó tại Việt Nam mà không nhận một đồng thù lao nào. Là một trong những người đã sáng lập dự án, ông chia sẻ rằng, suốt 10 năm qua, Thiện Nhân đã dũng cảm trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để trở lại cuộc sống bình thường. Sau khi tin tức về ca phẫu thuật của Thiện Nhân thành công được phát đi, rất nhiều gia đình nghèo trên khắp Việt Nam đã tìm đến chương trình để sẻ chia câu chuyện của chính họ. Những khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục vốn không là đề tài được chia sẻ rộng rãi trong xã hội châu Á và Việt Nam nhưng câu chuyện của Thiện Nhân đã góp phần thay đổi quan niệm này.

“Tôi chỉ muốn nói rằng, không gì là không thể. Các bậc làm cha, làm mẹ, nhất là các bạn trẻ, hãy vượt qua định kiến, suy nghĩ mặc cảm khiếm khuyết của con em mình. Hãy dũng cảm đối diện với khiếm khuyết đó, đưa con em mình đến với chúng tôi, để con bạn được hưởng điều tốt đẹp nhất. Nếu có khó khăn, chúng tôi sẽ giúp đỡ, triệu tấm lòng sẽ cùng giúp sức”, Giáo sư Roberto Decastro chia sẻ.

Ông Decastro cũng cho biết thêm, tháng 8-2011, nhân chuyến sang Việt Nam, dự án đã tổ chức thăm khám lần đầu tiên cho hơn 100 bệnh nhi tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Kể từ đó, mỗi năm dự án tổ chức 2 lần khám và phẫu thuật trên cả nước cho các em nhỏ (cả gái lẫn trai) bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Tính đến nay, sau 5 năm, chương trình đã tổ chức 9 đợt mời các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu từ các nước Ý, Mỹ sang Việt Nam thăm khám, phẫu thuật miễn phí cho trẻ em. Hành trình nhân đạo gắn với “chú lính chì” Thiện Nhân sẽ còn kéo dài, tiếp tục trao yêu thương, hạnh phúc cho những số phận kém may mắn trên khắp đất nước này.

PHAN CHUNG - MINH NGUYỄN

;
.
.
.
.
.