.

Đẹp hơn trong mắt du khách

.

Năm ngoái, gia đình chúng tôi vào Đà Nẵng ở trong một ngôi nhà cách biển Mỹ Khê khoảng 500m. Tôi đã từng ngạc nhiên đến nỗi về là phải viết báo ngay bởi sự bình yên dễ chịu đến khó  mường tượng. Ngôi nhà đó có cái sân nhỏ. Đêm đầu tiên ở đó, tính tôi cẩn thận nên nhắc mọi người thu gom đồ nấu ăn, chén bát và đồ đi tắm biển vào trong nhà vì thấy cái cánh cửa giản đơn quá, lại chẳng có khóa gì ngoài cái móc tạm bợ.

Cô em vợ tôi có người bạn thân ở Hà Nội là chủ sở hữu ở ngôi nhà cho chúng tôi mượn này đã bảo tôi: “Trong này yên tĩnh và an toàn lắm, chẳng có trộm cắp nào đâu, anh khỏi lo!”. Tôi đã đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác vì lâu nay, mỗi khi vào Đà Nẵng, tôi thường ở những khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao nên có phần lạc hậu.

Cô em vợ tôi còn khoe: “Ở đây thích lắm! Buổi sáng em đi chợ, khi nào về xách nặng, em cứ mở miệng “cười đại” rồi xin một ai đó cho đi nhờ một đoạn xe máy là hầu như đều được OK!”.

Hôm rồi, nhóm chị em nhà vợ tôi  đi chợ, lúc về tới nhà thì quên mua trái mướp để nấu canh mồng tơi như đã định. Quay ra chợ thì hết vì đã muộn. Chị tôi nhìn thấy bên ngôi nhà giản dị phía đối diện (K184/30 Nguyễn Duy Hiệu) có giàn mướp  nên nảy ra ý sang hỏi mua. Sau vài câu chào xã giao và giải thích lý do, chị chủ nhà, tuổi cũng cỡ 70  tươi tắn vui vẻ nói chuyện hỏi han chúng tôi từ đâu vào?

Chị chủ nhà gọi anh chồng ra giới thiệu “hàng xóm” một thời với gia đình chị cách đây 60 năm. Hóa ra anh chị là dân tập kết, chị theo cha  ra Thủ đô từ sau năm 1954 và sau năm 1976 thì trở về quê hương. Họ cũng ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ như anh chị tôi tự giới thiệu nhưng cũng không hề biết nhau, bởi chị ở đó là dãy nhà thuộc diện cán bộ cấp tá là tiêu chuẩn của cha chị. Nó chỉ là cùng trong khu mà thôi…

Chị nói với chồng, nhờ anh lấy ghế ra cắt hộ trái mướp rồi đưa cho chúng tôi mà dứt khoát không chịu lấy tiền. Chị còn bảo rất vui vì đã lâu, nay được nói chuyện để chị biết thêm tình hình khu chung cư Nguyễn Công Trứ, Hà Nội ngày xưa chị ở, nay hình hài nó thế nào, xuống cấp ra sao? Cầm trái mướp mà bà chị tôi vẫn nói chuyện mãi về một thời bao cấp gian khổ, mỗi khi có máy bay Mỹ oanh tạc là họ phải chạy vào hầm trú ẩn, được xây trong Nhà tang lễ của khu tập thể...

Không chỉ dừng lại ở “trái mướp ngoại giao”, chị còn nói với anh chồng sáng hôm sau muốn mời cả mấy anh chị em bọn tôi (8 người) qua bên đó ăn sáng để còn “nói chuyện ngày xưa” tiếp...

Sáng hôm sau, chúng tôi được chị đãi món bún cá đặc trưng chất Quảng rồi mời chúng tôi ra dùng trà Bắc. Chị bảo: Ông xã tôi lúc nãy trước khi đi công việc cũng đã pha sẵn vì ổng nghiện trà nên quen pha kiểu ngoài Bắc từ hồi ở ngoài đó. Trà có thể không ngon lắm, mọi người thông cảm nhé! Thế là hóa may vì chúng tôi đã biết anh có sở thích dùng trà Bắc. Hôm sau, con gái tôi mới vào nên chúng tôi đã kịp phôn ra ,”lệnh” cho nó mua nửa ký trà vào biếu anh chị... Ấy thế mà chị cứ trách chúng tôi hoài, sao lại phải bày vẽ thế?

Đà Nẵng là thành phố đáng sống là bởi nơi đây có một môi trường sống rất tốt. Trong cái khái niệm gọi là “môi trường” kia, nó rất  đa nghĩa. Tôi nghĩ, tình người Đà Nẵng mộc mạc, chân thành và hiếu khách... chính là một nét đẹp trong cái  môi trường trong lành của đất Quảng hôm nay mà chúng ta ở nhiều địa phương khác rất nên học... Họ, những người dân bình thường ấy cũng đang “vô tình” quảng bá cho du lịch Đà Nẵng phát triển và đẹp hơn trong mắt du khách!  

Quốc Phong

;
.
.
.
.
.