.

Chung tay xây dựng nông thôn mới

.

Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Hòa Vang đảm nhiệm làm nòng cốt thực hiện tiêu chí Môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời thường xuyên chăm lo giúp hội viên vượt khó thoát nghèo, với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực.

Cựu chiến binh xã Hòa Phong làm nòng cốt ra quân bảo vệ môi trường.
Cựu chiến binh xã Hòa Phong làm nòng cốt ra quân bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường nông thôn mới

Những năm qua, CCB Hòa Vang đã hiến hơn 7.400m2 đất, đóng góp 700 triệu đồng, hơn 2.300 công lao động để làm đường giao thông và xây dựng các công trình công cộng. Ở các xã, Hội CCB tổ chức trồng hàng ngàn cây xanh dọc các tuyến đường, đồng thời đăng ký thực hiện 110 đoạn đường an toàn, văn minh, xanh-sạch-đẹp.

Toàn huyện đã thành lập 36 CLB Môi trường CCB, thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân giữ gìn cảnh quan môi trường và tổ chức ra quân “Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp”. Các CLB này đảm nhiệm vai trò nòng cốt trong các hoạt động ra quân dọn vệ sinh, bóc gỡ quảng cáo, rao vặt trái phép, vận động nhân dân không che chắn, lấn chiếm lòng lề đường. Từng thành viên CLB tích cực vận động gia đình và cộng đồng quét dọn sạch sẽ sân, vườn, cổng ngõ, chung tay góp sức bảo vệ môi trường và cảnh quan thôn xóm.

Cùng với đó, các chi hội CCB phối hợp với Ban nhân dân thôn xây dựng ở mỗi thôn từ 3-4 điểm chứa rác và hợp đồng một lao động hằng ngày chở rác tới các điểm tập kết để xe chuyên dụng đến thu gom. Cách làm này được đông đảo nhân dân hưởng ứng và được duy trì thường xuyên, góp phần thực hiện tốt mô hình “Thôn không rác”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Nam Dũng, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, CCB đảm nhiệm tiêu chí Môi trường và những năm qua CCB trong toàn huyện đã thực hiện tốt tiêu chí này.

Nỗ lực giúp hội viên nghèo

Hằng năm, Hội CCB huyện Hòa Vang chú trọng tập huấn kỹ thuật, định hướng sản xuất-kinh doanh cho hội viên, kết hợp hỗ trợ vốn, giống, vật liệu, phối hợp với cơ quan chức năng cho vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho hội viên mở các mô hình sản xuất-kinh doanh sát hợp điều kiện thực tế.

Đến nay, huyện Hội và các Hội CCB cơ sở đã tín chấp cho hội viên nghèo vay vốn ưu đãi, với tổng dư nợ gần 33 tỷ đồng, đồng thời vận động đóng góp quỹ cho CCB nghèo mượn để sản xuất, chăn nuôi (mỗi người được mượn 5 triệu đồng trong vòng 3 năm); vận động kinh phí hỗ trợ hội viên nghèo 27 con bò, 55 con heo giống, 370 con gà…, giúp 43 hội viên xây dựng, sửa chữa nhà và làm công trình vệ sinh đúng quy cách.

Đặc biệt, Hội phát động và duy trì thường xuyên phong trào giúp hội viên nghèo trồng vườn cây cao sản. Hằng năm, mỗi Hội cơ sở tập trung giúp từ 2-3 hội viên nghèo cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây, con giống mới có năng suất cao.

Các hộ này được hội viên toàn xã phối hợp hỗ trợ giống, phân, công lao động để trồng vườn cây cao sản và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Trên địa bàn huyện đã có 19 hội viên được hỗ trợ thoát nghèo từ mô hình này.

Đơn cử như CCB Nguyễn Văn Cường ở thôn An Châu (xã Hòa Phú), từ khu vườn tạp bây giờ đã có vườn chuối lùn với hàng trăm buồng chuối to, thường xuyên có thương lái đến mua. Hay như CCB Đinh Văn Hùng (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) được hỗ trợ trồng vườn tre lấy măng, bền bỉ vươn lên trên con đường vượt khó thoát nghèo.

Gần đây nhất, Hội đã tổ chức đối thoại với 98 hội viên nghèo theo chuẩn mới, tìm hiểu nguyên nhân và nguyện vọng của từng trường hợp, từ đó tập trung giúp đỡ vốn, giống, kiến thức, phương tiện sinh kế, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nghèo chuẩn mới trong vòng từ 3-4 năm cho số hội viên này.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.