.

Một thời ở Trường Sa

.

Từng công tác tại Trường Sa trên các cương vị đảo trưởng đảo Phan Vinh, đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn…, với Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng (61 tuổi, ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), những kỷ niệm về Trường Sa mãi khắc sâu trong tim…

Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng luôn nâng niu những chiếc vỏ ốc mang về từ Trường Sa.
Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng luôn nâng niu những chiếc vỏ ốc mang về từ Trường Sa.

Mân mê chiếc vỏ ốc rất đẹp mang về từ Trường Sa cách đây hơn 13 năm, Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng cho biết, khi ông công tác ở Trường Sa từ năm 1989-1993 là lúc tàu nước ngoài ráo riết hoạt động gây hấn trên biển. Tàu chiến và tàu cá có vũ trang của chúng thường xuyên vào gần các đảo của ta để do thám, đe dọa và khiêu khích.

Hồi ấy, mỗi năm chỉ có một đoàn tàu ra Trường Sa vào dịp hè. Các tàu không chỉ tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ quân dụng, nước ngọt, sách báo… mà còn chở đến nhiều vật liệu xây dựng. Cùng với đá hộc, xi-măng từ đất liền đưa ra, bộ đội lấy cát ngay trên đảo trộn với xi-măng đúc táp-lô, xây dựng hầm hào, công sự, kè chắn sóng...

Trong trực chiến và huấn luyện, chỉ huy yêu cầu mỗi chiến sĩ phải sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí để dự phòng những tình huống khó khăn. Dù nhiệm vụ vất vả nhưng nhờ rèn luyện và tăng gia tốt nên bữa ăn bộ đội được cải thiện, tỷ lệ quân số khỏe rất cao. Gần như 100% cán bộ, chiến sĩ đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu sản xuất rau xanh và chăn nuôi heo, gà…

Ông Hoàng cho biết, trên vùng biển Trường Sa thường có gỗ trôi, bộ đội vớt vào, xẻ ra đóng ván nằm và làm một số vật dụng khác, nhiều nhất là đóng thành các thùng nhỏ để tăng gia. Các thùng này cao khoảng 30cm, được đổ cát, san hô vụn, phân chuồng và cây lá mục để trồng các loại rau, chủ yếu là rau cải và rau muống…

Ở đảo Phan Vinh cũng như ở đảo Trường Sa Lớn, ông Hoàng cùng đồng đội thường xuyên tổ chức và duy trì phong trào thi đua “Đảo là nhà, biển là quê hương”, giáo dục niềm tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông, về những chiến công, kỳ tích của Hải quân Việt Nam, của đoàn tàu không số, của anh hùng Phan Vinh mà đảo vinh dự mang tên; đồng thời phải cảnh giác đối với các âm mưu, thủ đoạn lấn chiếm Biển Đông và luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. “Có những tân binh mới ra đảo, đêm nằm nhớ nhà rưng lệ, cũng không ít chiến sĩ trẻ tư tưởng chưa vững vàng, nhưng rồi được chỉ huy, đồng đội động viên, tất cả đều vượt qua để cùng chung nhiệm vụ thiêng liêng: bảo vệ một phần lãnh thổ của Tổ quốc”, ông Hoàng nói.

Hằng năm, những cánh thư của người thân gửi cho ông Hoàng cũng như đồng đội ở Trường Sa đều rất lâu mới đến nơi vì còn chờ những chuyến tàu ra Trường Sa. Những cánh thư như những món quà bất ngờ mà thật ý nghĩa đối với anh em lính đảo. Bởi vậy, ai cũng khao khát chờ đón những con tàu mang theo hơi ấm đất liền ghé vào đảo.

Mỗi lần tàu đến là một lần cả đảo nhộn nhịp, tưng bừng như ngày hội. Ở Trường Sa có nhiều loại ốc có vỏ óng ánh, rất đẹp, nhất là ốc tai tượng và ốc tù và. Bộ đội bắt những con ốc đẹp, rửa sạch ruột, phơi khô, để khi về đất liền làm quà cho người thân. Đến nay, ông Hoàng vẫn giữ mấy chiếc vỏ ốc này, đặt trang trọng trong tủ kính như những kỷ vật vô giá.

Cuối năm 1993, ông Hoàng chuyển về công tác trên đất liền và đã nhiều năm làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng. Bây giờ, ông nghỉ hưu và hiện đảm đương nhiệm vụ Hội trưởng Hội Khắc phục bom mìn sau chiến tranh tại thành phố Đà Nẵng. Ký ức về Trường Sa đối với ông như một phần máu thịt, một thời tuổi trẻ hào hùng không quên…   

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.