.

Chiến thắng của tinh thần đoàn kết và nội lực Việt Nam

.

Chiến thắng ngày 30-4-1975 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam kết tinh bởi sách lược và tầm nhìn sáng suốt của Đảng và ý chí anh hùng, bất khuất của nhân dân ta; là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, đức hy sinh và lòng dũng cảm, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước của đồng bào ta; là chiến thắng của sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sự phát huy không ngừng nghỉ tinh thần tự lực, tự cường “lấy sức ta mà giải phóng dân ta” và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, hiệu quả của bạn bè quốc tế, trong đó có cả nhân dân Mỹ…

Với niềm tin “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tinh thần “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và hành động muôn người như một “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng”, chúng ta đã làm nên chiến thắng.

Đánh giá về Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

11 giờ 30 ngày 30-4-1975, xe tăng quân giải phóng tiến qua cổng sắt đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch. Ảnh: TTXVN
11 giờ 30 ngày 30-4-1975, xe tăng quân giải phóng tiến qua cổng sắt đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch. Ảnh: TTXVN

Để có được một “ngày vui đại thắng” của 41 năm về trước, cả triệu đồng bào, chiến sĩ của chúng ta đã anh dũng hy sinh. Không có đất nước nào như ở nước ta, khắp các xã, phường, quận, huyện, tỉnh, thành đều có đền thờ những người con của quê hương anh dũng hy sinh, quên mình vì Tổ quốc. Có thể nói, chính khát vọng Bắc - Nam một nhà, tinh thần đoàn kết và yêu nước thiết tha; sự mưu lược, tài tình của Đảng, nhất là tinh thần bền bỉ phát huy nội lực của dân tộc Việt Nam, đã làm nên chiến thắng oanh liệt này.

Nhớ lại những ngày 30-4 lịch sử ấy, Đặc Khu ủy Quảng Đà giương cao khẩu hiệu: “Sài Gòn chưa giải phóng, Đà Nẵng chưa yên” để phối hợp, hỗ trợ sức người, sức của cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quên làm sao được, từng đoàn xe nối đuôi nhau chở bộ đội vào Nam đi qua Đà Nẵng trong tiếng hò reo vang dậy, cờ hoa vẫy gọi và hàng ngàn người dân Đà Nẵng trao tận tay những chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ’’ từng nắm cơm nóng hổi, từng ca nước mát lạnh mà nặng nghĩa ân tình...

Đối với mỗi người Việt Nam, ngày 30-4-1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày của đoàn tụ: Non sông thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải; là ngày hòa hợp dân tộc, từng gia đình và cả dân tộc sum họp dưới mái nhà Việt Nam, người một nước cùng nhìn về một hướng, cùng chung một con đường.

Hòa hợp dân tộc đã hóa giải xung đột, xóa bỏ hận thù, giải phóng nội lực để cùng nhau bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do để xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong mỏi.

Có được hòa bình như ngày hôm nay, dân tộc ta đã phải trả bằng máu và nước mắt, nên chúng ta rất thấm thía giá trị này. Ai đó, vì bất cứ lý do gì, gây mất ổn định, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam là có tội với đất nước, với anh linh của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Có thể nói, tinh thần chiến thắng 30-4 đang cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Ý chí quyết chiến, quyết thắng thôi thúc chúng ta không cam chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển.

Tính sáng tạo, táo bạo, bất ngờ, tranh thủ thời cơ giúp chúng ta biến thách thức thành cơ hội, xoay chuyển tình thế, vượt lên khó khăn, ổn định nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay… Vì lẽ đó, đã 41 năm qua, trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, đất nước gặp nhiều khó khăn, thử thách, các thế lực thù địch không ngừng chống phá, nhưng với tinh thần chiến thắng 30 tháng 4, bằng quyết tâm, nỗ lực không ngừng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có bước phát triển.

An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng-an ninh được tăng cường và giữ vững; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao…

Trong bối cảnh chung đó, thành phố Đà Nẵng không ngừng được xây dựng và phát triển, kinh tế thành phố luôn duy trì được mức tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều năm, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và đô thị được tập trung đầu tư mạnh mẽ, nhiều công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng, vừa tạo cho Đà Nẵng có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, vừa làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị thành phố theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đẹp, văn minh, an bình, thân thiện.

Nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân được xây dựng và triển khai, huy động được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tranh thủ được nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển thành phố...

Điều đáng nói ở đây là, chính tinh thần đoàn kết và phát huy nội lực một cách bền bỉ, nhất là tinh thần “tự lực cánh sinh” đã góp phần làm thay đổi quê hương ta, đất nước ta mỗi ngày. Trong chiến tranh, bằng tình yêu quê hương đất nước, bằng tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng niềm tin yêu đối với Đảng, với Bác Hồ, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung đoàn kết một lòng, không tiếc của cải, máu xương để mong có ngày quê hương tàn khói lửa, đất nước sạch bóng quân thù, giang sơn thu về một mối.

Tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực đã giúp chúng ta xây dựng lại cơ đồ sau chiến tranh và từng bước phục hồi, phát triển không ngừng. Phải nói rằng, những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế nước ta nói chung và Đà Nẵng nói riêng cho đến lúc này, phải do chính chúng ta xử lý, khắc phục bằng chính sức lực của mình. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải phát huy tinh thần nội lực, khả năng “đem sức ta giải phóng dân ta’’ của những năm tháng chiến tranh thuở nào.

Gần đây, tinh thần phát huy nội lực, đề cao tính tự lực, tự cường để khắc phục những khó khăn, vướng mắc và cả những hạn chế, thiếu sót, đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh, khi mượn lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh rằng: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Cần nhớ rằng, để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta và nhân dân ta không chỉ có thuận lợi mà có rất nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí có nước bạn đã “khuyên” chúng ta chưa nên giải phóng miền Nam vội, song với tinh thần tự lực, tự cường, phát huy nội lực của mình, chúng ta đã tiến hành thành công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vì lẽ đó, bài học về đoàn kết, phát huy nội lực của chiến thắng 30-4-1975, vẫn chưa bao giờ cũ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, bài học đó luôn nóng hổi đối với bất kỳ địa phương, đơn vị nào, kể cả Đà Nẵng thân yêu của chúng ta.

Trong giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra là rất nặng nề, đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức. Phát huy tinh thần của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”, mỗi người dân chúng ta phải nguyện cùng nhau nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu tranh thủ thời cơ và thuận lợi, vượt qua khó khăn và thách thức, thực hiện bằng được mong ước của Bác Hồ kính yêu xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” - một nước Việt Nam thống nhất, xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ - xứng đáng với sự hy sinh to lớn, cao cả của đồng chí, đồng bào, của các anh hùng liệt sĩ.

Để kết thúc bài viết này, xin dẫn ra đây một đánh giá về chiến thắng ngày 30-4-1975 của nhà báo nổi tiếng Neil Sheehan của Mỹ, trên tờ New York Times, ngay sau khi ta giải phóng Sài Gòn: “Sau những năm dài tìm cách khuất phục những dân tộc nghèo khổ bằng sự tàn bạo của sức mạnh kỹ thuật của mình, nước Mỹ, một nước giàu mạnh nhất trên quả đất này, cuối cùng có thể bị những người Cộng sản Việt Nam đuổi ra khỏi bán đảo Đông Dương. Nếu đúng như vậy, thì thắng lợi của người Việt Nam sẽ là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc”.

Nguyễn Thanh Quang

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy

;
.
.
.
.
.