.
Liên quan đến việc cá chết khu vực biển miền Trung

Biển Đà Nẵng an toàn

.

* Đà Nẵng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát nguồn gốc hải sản, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân và du khách

* Các bãi biển vẫn thu hút đông người tắm biển

Chiều 28-4, tại cuộc họp với các cơ quan, đơn vị về công tác du lịch biển năm 2016, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng yêu cầu các đơn vị liên phải phải  kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ nguồn cá từ nơi khác đến Đà Nẵng; quán triệt các chợ đầu mối phải kiểm soát được nguồn cá, thực phẩm vào chợ... Trong khi đó, trước thông tin một số cá chết trôi dạt vào bờ biển Đà Nẵng vài ngày qua, kết quả phân tích chất lượng nước biển ở Đà Nẵng cho thấy không có biến động bất thường nào.

Kiểm soát chặt nguồn gốc hải sản tươi sống để người dân và du khách yên tâm sử dụng.
Kiểm soát chặt nguồn gốc hải sản tươi sống để người dân và du khách yên tâm sử dụng.

Mẫu nước biển vẫn bình thường

Tại cuộc họp, ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) báo cáo kết quả kiểm tra lấy mẫu phân tích chất lượng nước ven bờ biển Đà Nẵng. Cụ thể, sau khi tiếp nhận thông tin của người dân về tình hình “cá chết dọc biển Đà Nẵng”, trong ngày 27 và 28-4, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra thực tế và lấy mẫu nước biển khu vực bãi biển trên địa bàn các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, tại các vị trí cách bờ biển khoảng 100m tại các bãi tắm Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Non Nước, Bãi Rạng; cầu cảng Tiên Sa; cửa sông Phú Lộc; cửa sông Cu Đê.

Kết quả, so với giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước biển vùng biển ven bờ “Vùng bãi tắm biển, thể thao giới nước” của QCVN 10-MT:2015/BTNMT thì các thông số như: pH, DO (lượng oxy hòa tan trong nước), TSS (tổng chất rắn lơ lửng), NH4+ N (Amoni), Cr6+ (Crom 6), Pb (Chì), Hg (Thủy ngân), CN- (Xyanua) cho thấy, các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo yêu cầu phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước.

Kết quả phân tích mẫu nước biển vào ngày 27-4 so với kết quả phân tích lượng nước biển ngày 17-4 và trong năm 2015 cho cũng thấy không có sự biến động bất thường nào. Trung tâm Kỹ thuật môi trường kiểm tra, thực tế trên bờ biển, đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa xảy ra hiện tượng cá biển chết hàng loạt như các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ.

Sở Tài Nguyên và Môi trường giao cho Trung tâm Kỹ thuật môi trường tiếp tục lấy mẫu phân tích chất lượng nước biển và lập kế hoạch quan trắc sinh học chất lượng nước biển trong thời gian 30 ngày tiếp theo, công bố 2 ngày 1 lần trên Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm Kỹ thuật môi trường kể từ ngày 28-4.

Bà Phạm Thị Chín, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo cho biết, qua làm việc với các thành viên Câu lạc bộ cộng đồng phát triển bền vững vùng bờ tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) thì không thấy xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt trên vùng biển Liên Chiểu và bán đảo Sơn Trà.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật môi trường Nguyễn Trần Quân cho rằng, bên cạnh phương pháp hóa học, từ ngày 28-4 sẽ bắt đầu thực hiện quan trắc sinh học đối với chất lượng nước biển của Đà Nẵng. Theo đó, sẽ lấy mẫu nước ở vùng vịnh và vùng ngoài khơi biển Đà Nẵng để thả nuôi cá và công bố kết quả hàng ngày trên Trang thông tin điện tử của Trung tâm Kỹ thuật môi trường bắt đầu từ ngày 29-4.

Kiểm soát chặt nguồn hải sản từ nơi khác đến

Theo báo cáo nhanh tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chí Cường cho biết, khách du lịch nội địa cũng có tâm lý e dè và cân nhắc đi du lịch đến Đà Nẵng. Qua nắm tình hình chung, hiện nay, một số đơn vị và cá nhân muốn hủy tour, nhất là các tour du lịch nối từ Đà Nẵng đến Quảng Bình, Thừa Thiên Huế (Hành trình di sản thiên đường biển đảo).

Tỷ lệ hủy tour chiếm 30-40%. Đối với các tour du lịch tham quan Đà Nẵng trong ngày như: tham quan Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, kết hợp tham quan Hội An (Quảng Nam)… hiện vẫn chưa có khách hủy tour. Theo thông tin, khách hàng đều đang giai đoạn lưỡng lự, cân nhắc do tình hình môi trường biển ở các địa phương này.

Trong dịp lễ sắp tới, tâm lý của người dân và du khách đang lo lắng về vấn đề thực phẩm, nhất là hải sản. Vì vậy, ông Trần Chí Cường cũng khuyến cáo, người dân và du khách có thể chọn những nhà hàng, cửa hàng có những đồ tươi sống cho thực đơn của mình. Ngành du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra kỹ xuất xứ nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là hải sản, để cung cấp cho du khách những thực phẩm an toàn.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng yêu cầu, để đảm bảo sự yên tâm người dân và du khách, các sở, ban ngành liên quan phải hướng dẫn du khách khi sử dụng thực phẩm; nhắc nhở chế biến thực phẩm chuẩn bị cho mùa du lịch.

Sở NN&PTNT xác định đầu mối, nguồn hàng tổ chức thu mua, có điểm bán cá sạch, triển khai tất cả các ngày; tất cả các bến có thuyền các về đều tổ chức các điểm bán cá sạch; làm việc với các chủ tàu, các đầu nậu về điểm bán cá sạch; đặc biệt kiểm soát, kiểm tra nguồn cá từ nơi khác đến. Sở Công thương quán triệt các chợ đầu mối phải kiểm soát được cá, thực phẩm vào chợ, trước mắt là chợ đầu mối Hòa Cường. Sở Tài nguyên và Môi trường công bố chất lượng quan trắc nước biển hai ngày một lần, không để cá chết từ biển phát tán; tăng cường dọn dẹp vệ sinh. Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền cho người dân yên tâm, qua đó để ngư dân tiếp tục vươn khơi khai thác hải sản...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ – THU HÀ

;
.
.
.
.
.