.

Tận tình chăm sóc người có công

.

Ở Trung tâm Phụng dưỡng người có công Đà Nẵng, các cán bộ, nhân viên chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho các cụ, xem những “người dưng” như chính người ruột thịt của mình.

Khám bệnh cho các cụ ở Trung tâm Phụng dưỡng người có công Đà Nẵng.
Khám bệnh cho các cụ ở Trung tâm Phụng dưỡng người có công Đà Nẵng.

Gần 20 năm gắn bó với nơi này, bà Nguyễn Thị Toàn (51 tuổi), Phòng Chăm sóc sức khỏe thuộc Trung tâm Phụng dưỡng người có công Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) cho biết, hầu hết các cụ cao tuổi nên thường đau ốm. Trong tổng số 57 cụ, có hơn 30 cụ bất động và bán bất động nên cần được chăm sóc. Nhiều cụ như cụ Dương, cụ Tuyên, cụ Nhuận... bị hoang tưởng, lúc nào cũng la lớn: “Xung phong anh em ơi”... Khi ấy, cán bộ, nhân viên Trung tâm phải dỗ dành thì các cụ mới chịu yên.

Việc đồ đạc lộn xộn do các cụ hay quên hoặc vừa ăn cơm xong lại... đòi ăn tiếp là những chuyện quá quen thuộc ở nơi đây. Ngoài việc chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, tắm rửa thường xuyên cho các cụ, các cán bộ còn luôn chuyện trò, tâm sự để các cụ không cảm thấy buồn khi không có người thân bên cạnh. “Mình xem các cụ như cha mẹ, ông bà của mình. Các cụ đã chịu nhiều mất mát do chiến tranh nên tụi mình cố gắng hết sức bù đắp phần nào. Chỉ mong các cụ vui sống”, bà Toàn thổ lộ.

Các y, bác sĩ tại Bệnh viện C Đà Nẵng cũng đã quá quen với cảnh các cô gái thường xuyên đến chăm sóc một cụ ông đang nằm viện dài ngày để chạy thận nhân tạo. Từ việc đổ bô, lau rửa đến mua đồ ăn cho cụ, các cô đều không nề hà. Người ngoài không biết cứ tưởng các cô là con gái của cụ nhưng kỳ thực đó là các cán bộ ở Trung tâm.

Bà Toàn cho biết, ngoài chăm sóc một cụ nằm viện dài ngày để chạy thận tại Bệnh viện C, các cán bộ, nhân viên còn chạy đôn chạy đáo bên giường bệnh khi các cụ khác ốm phải nằm viện. “Có lúc 5-6 cụ nằm viện nhưng có lúc thì cả chục cụ. Khi ấy, 8 chị em trong Phòng Chăm sóc sức khỏe chạy đi chạy lại thay phiên nhau chăm các cụ”, bà Toàn nói.

Với bà Trương Thị Ngự (89 tuổi), dù mới vào Trung tâm được gần 1 năm nhưng đây thực sự là mái ấm yên vui. “Ở đây rất tốt, các cán bộ nơi đây chăm sóc tụi tui rất chu đáo. Có cán bộ túc trực 24/24 giờ nên bất kể khi nào tui cần gì hoặc đau ốm là có cán bộ y tế đến thăm khám ngay”, bà Ngự thổ lộ.

Ngày trước tham gia cách mạng, trong một lần hoạt động, bà Ngự bị địch bắt, chịu đủ ngón đòn tra tấn nhưng vẫn quyết không khai. Gửi lại tuổi xuân nơi chiến trường, hòa bình trở về, hành trang của bà là vài bộ quần áo và những vết thương trên thân thể do bom đạn và những lần tra tấn của địch.

Gia đình, người thân cũng ly tán do chiến tranh nên bà không còn ai thân thích. Cũng khát khao hạnh phúc, cũng thầm mong một mái ấm với tiếng trẻ thơ cười nói bi bô, nhưng điều đó sao thật khó đối với bà. Và cứ thế, cuộc sống lặng lẽ trôi qua...

Vào Trung tâm được gần 6 năm, bà Lê Thị Chín (83 tuổi) cũng xem những cán bộ và các đồng đội nơi đây như những người ruột thịt của mình. Tham gia kháng chiến và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba, dành trọn tuổi xuân cho cách mạng, hòa bình về, cũng có nhiều người mai mối nhưng bà đều lắc đầu. Bà bảo, cuộc đời mình cống hiến cho dân, cho nước rồi, ngày đó đâu có nghĩ hạnh phúc cho riêng mình thì bây giờ cũng vậy.

Năm 2010, bà quyết định vào Trung tâm và gắn bó với nơi này cho đến nay. Ngoài bà Ngự, bà Chín, Trung tâm hiện phụng dưỡng 57 cụ, trong đó có 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 cán bộ lão thành cách mạng, 1 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1 thương binh nặng, 18 thương binh... Ngoài những cụ mới vào, có những cụ đã gắn bó đời mình ở đây 20-30 năm.

Bà Nguyễn Thị Tú, Giám đốc Trung tâm cho biết, chế độ chăm sóc các cụ ngày càng được nâng cao từ mức 800.000 đồng/người/tháng lên 1,2 triệu đồng/người/tháng (từ ngày 1-1-2016). Các dụng cụ sinh hoạt cá nhân, chế độ thuốc men của các cụ được cung cấp đầy đủ, bảo đảm chất lượng.

Lãnh đạo Trung tâm cũng thường xuyên chỉ đạo bộ phận cấp dưỡng cải thiện, thay đổi món ăn, từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn, chế độ dinh dưỡng phù hợp với sức khỏe các cụ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Chúng tôi tăng thêm sữa uống dinh dưỡng ban đêm đối với các cụ có thể trạng, sức khỏe yếu, đau ốm dài ngày và tổ chức ăn tươi tại bếp ăn tập thể các cụ ít nhất 1 lần/tháng; đồng thời tổ chức sinh hoạt tinh thần, vui chơi, giải trí cho các cụ định kỳ vào chiều thứ ba, thứ sáu hằng tuần qua các hoạt động như: xem phim tư liệu, phóng sự, thời sự, tin tức, tập thể dục, văn nghệ...”, bà Tú nói thêm.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.