.
CÁC TRUNG TÂM BẢO TRỢ TRẺ EM TẠI ĐÀ NẴNG: MẠNH AI NẤY LÀM!

Bài 2: Mạnh nhờ, yếu chịu!

.

Đã có thời gian các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em được thành lập ồ ạt, hoạt động theo phương thức tự huy động, tự quản lý, tự chịu trách nhiệm. Điều này dẫn đến sự thả nổi trong hoạt động liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nuôi và dạy trẻ.

Giáo viên, bảo mẫu cần được tập huấn kỹ năng dạy trẻ. TRONG ẢNH: Cô Nguyễn Thị Minh Lành (bìa phải) trao đổi với trẻ em bằng kiến thức được tổ chức tài trợ của Mỹ huấn luyện.
Giáo viên, bảo mẫu cần được tập huấn kỹ năng dạy trẻ. TRONG ẢNH: Cô Nguyễn Thị Minh Lành (bìa phải) trao đổi với trẻ em bằng kiến thức được tổ chức tài trợ của Mỹ huấn luyện.

Ồ ạt nuôi trẻ theo... dự án

Cách đây khoảng 10 năm, việc thành lập một cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khá dễ dàng. Chỉ cần một tổ chức hội vận động, kêu gọi được dự án tài trợ thì thành lập ngay trung tâm nuôi trẻ. Quy mô của mỗi đơn vị nhỏ lẻ, rải rác. Có cơ sở thậm chí chưa bằng một nhà trẻ tư, mà chỉ như nhóm trẻ gia đình.

Dự án tài trợ hầu hết chỉ tồn tại trong một giai đoạn. Khi dự án kết thúc, các trung tâm “hớt hải” đi tìm một dự án mới mà chưa biết chắc sẽ có hay không. Chỉ tội các em được nuôi bằng nguồn tiền dự án khi đó bơ vơ không biết số phận thế nào...

Hiện nay, gần 600 trẻ đang được nuôi dưỡng tại 10 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, trong đó 312 trẻ có hộ khẩu Đà Nẵng. Nơi trẻ tập trung nhiều nhất là Làng Hy vọng (113 em), Làng SOS (146 em) và Trung tâm Nạn nhân da cam (137 em); còn lại mỗi trung tâm nuôi từ vài em đến vài chục em. Có trung tâm nuôi 10 em như tại Trung tâm trẻ mồ côi thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, hoặc chỉ nuôi 5 em như tại Hội Chữ thập đỏ thành phố.

Trong khi đó, cơ sở vật chất của mỗi hội hiện nay thường rộng thênh thang, mỗi hội còn có vài mái ấm để chỉ nuôi... vài em.

Giải thích vì sao không thể gom các em cùng một trung tâm về chung một nhà khi cơ sở đủ rộng rãi nhằm tiết kiệm chi phí, ông Phạm Sỹ Mẫn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố cho rằng: “Trung tâm hiện có 4 mái ấm, nhưng rất khó sáp nhập vì mỗi nơi có một đơn vị tài trợ khác nhau. Họ phân biệt rất rõ trẻ nào là của mình. Nếu gom lại thì rất dễ động chạm đến các nhà tài trợ và mất dự án”, ông Mẫn nói. Bởi vậy mới có chuyện 2 cơ sở nuôi trẻ hoành tráng, nhưng mỗi nơi chỉ có hơn 10 trẻ mà vẫn không thể gộp lại...

Bên cạnh đó, chuyện về cơ quan chủ quản cũng là nỗi đau đầu của các cơ sở bảo trợ trẻ em. Đơn cử như Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố không trực thuộc ai, không cơ quan chủ quản, nên lúng túng trong hoạt động là điều tất yếu.

Trung tâm được UBND thành phố Đà Nẵng thành lập vào năm 1997, với 5 nhà nuôi trẻ (1 nhà bị đóng cửa vì thiếu nguồn tài trợ - PV), nhưng không có cơ quan chủ quản, một số thành viên Hội đồng quản trị đã qua đời, nghỉ hưu, chuyển công tác mà không có bổ sung; mô hình hoạt động của Trung tâm hiện không đúng theo quy định của một cơ sở bảo trợ xã hội...

Chưa bảo đảm mức sống tối thiểu

Theo quy định của thành phố, các cơ sở bảo trợ xã hội phải bảo đảm mức tiền ăn tối thiểu 500.000 đồng/trẻ/tháng. Tuy nhiên, đó chỉ là quy định. Thực tế, qua kiểm tra của Sở LĐ-TB&XH, mức tiền ăn nơi cao nhất là 900.000 đồng/trẻ/tháng và nơi thấp nhất 500.000 đồng/trẻ/tháng.

Đơn cử như Làng SOS Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn) hiện nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 200 trẻ em, thanh-thiếu niên. Bà Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Làng cho biết, nhiều năm nay, tổ chức SOS quốc tế đang gặp khó khăn nên nguồn tài trợ không nhiều.

Hiện nay, mức tiền ăn của mỗi em là 500.000 đồng/tháng. Như vậy, mỗi bữa ăn của các em (3 bữa/ngày) chỉ từ 5.000 - 6.000 đồng. Với bữa ăn như vậy không thể bảo đảm mức sống tối thiểu, chứ đừng nói đến việc phát triển toàn diện về trí và thể lực. Để xoay xở trong điều kiện tiền ăn ít ỏi, có bảo mẫu tại các cơ sở phải xin thêm rau từ chợ Đầu mối để trữ cho các cháu ăn dần.

Ngoài chuyện ăn, cái khó nhất của các trung tâm là vấn đề giáo dục trẻ. Các em đến trung tâm đều xuất phát từ thiếu thốn sự quản lý của gia đình nên việc dạy các em nên người không dễ. Một lãnh đạo trung tâm chia sẻ: Giáo dục trẻ mới lớn là cái khó của cả xã hội, huống hồ gì chúng tôi. Khu vui chơi lành mạnh cho trẻ trong các mái ấm hạn chế, chủ yếu là khoảng sân đá bóng, còn lại trẻ chỉ biết xem ti-vi lúc rảnh rỗi.

Kết quả thanh - kiểm tra ở một số cơ sở vào cuối năm 2014 cho thấy toàn bộ trẻ không có giấy tạm trú tạm vắng. Hầu hết các cơ sở đều chưa đăng ký và lưu mẫu thức ăn, bếp ăn tập thể không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm...

Ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, hằng năm, đoàn thanh tra liên ngành gồm: Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế... đều thanh, kiểm tra tại các Trung tâm này. Tại đây, đoàn đã kiểm tra về việc bố trí nơi ăn ở, về y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, hợp đồng lao động của các bảo mẫu, việc học văn hóa học nghề của các em... “Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy một số đơn vị chưa thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) bếp ăn tập thể, hồ sơ tiếp nhận, quản lý và cho đối tượng về hòa nhập cộng đồng chưa bảo đảm, trình độ, năng lực của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu”, ông Hiệp nói.

Tuy vậy, chiều 17-2 vừa qua, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Đà Nẵng, lại khẳng định không có bếp ăn nào trong các mái ấm đó thiếu giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP.

“Bếp ăn của các trung tâm, mái ấm bảo trợ trẻ em trên địa bàn Đà Nẵng thuộc sự quản lý của ngành y tế. Trong đó, căn cứ số lượng trẻ trên mỗi bếp ăn, việc quản lý sẽ được phân cấp cho thành phố hoặc quận, huyện. Mỗi năm, ngoài thanh tra liên ngành, riêng ngành y tế cũng có thanh tra theo trách nhiệm của mình và không phát hiện bếp ăn nào trong các mái ấm đó thiếu giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP.

Nếu ngành LĐ-TB&XH kiểm tra thấy có nơi nào không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP thì thông báo lại Chi cục để qua đó yêu cầu trung tâm hoàn thiện thủ tục đúng quy định”, ông Tiến nói.

Bảo mẫu: “nuôi” và “dạy”, hay chỉ “giữ” trẻ?

Việc chăm lo cho đời sống của các bảo mẫu ở mỗi mái ấm cũng mỗi khác. Bảo mẫu N. có thâm niên hơn 20 năm nuôi trẻ chia sẻ, trước đây, người lao động lớn tuổi không được tham gia bảo hiểm xã hội nên cô và một số người khác không được mua bảo hiểm.

Vì vậy, trung tâm nơi cô làm việc chỉ hỗ trợ thêm một phần nào đó... Mức lương của các bảo mẫu hiện nay hơn 3 triệu đồng/tháng. Nhiều nơi cho rằng, với mức lương ấy thì khó đòi hỏi bảo mẫu chăm tốt cả chuyện ăn, chuyện học lẫn giáo dục trẻ nên người.

Về vấn đề đào tạo nghiệp vụ của bảo mẫu, các cô cho hay, hầu như rất hiếm có các lớp tập huấn, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm. Một chủ tịch hội cho biết, hằng năm, thành phố tặng mỗi bảo mẫu 100.000 đồng gọi là hỗ trợ Tết, còn lại không mấy khi thấy huấn luyện gì.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho rằng, đơn vị chỉ kiểm tra và tập huấn cho cán bộ quản lý trung tâm, còn lực lượng bảo mẫu là thuộc ngành giáo dục.

Không có đầu mối huấn luyện nên mỗi trung tâm và mỗi nhà tài trợ có quy trình tập huấn nghiệp vụ khác nhau cho bảo mẫu. Không nhiều nơi như Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em, người quản lý các mái ấm là cô Nguyễn Thị Minh Lành được nhà tài trợ từ Mỹ tập huấn hằng tuần thông qua mạng Internet.

Nhà tài trợ cung cấp kiến thức giúp các cô giải quyết những tình huống, va chạm phát sinh hằng ngày trong quá trình chăm sóc trẻ. Cô Lành nhận xét, các bảo mẫu đa phần đảm nhận việc lo ăn uống hằng ngày, còn việc giáo dục các em chủ yếu bằng... kinh nghiệm, chứ chưa được đào tạo bài bản.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi mở lớp tập huấn, còn các đơn vị (các trung tâm từ thiện xã hội - PV) tự cử người đến. Mình chỉ chuẩn hóa đội ngũ quản lý, còn bảo mẫu thì rất khó quản, bởi lực lượng này thường xuyên biến động. Lâu lâu họ lại thay bảo mẫu thì mình cũng... chịu”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ - THU HOA

;
.
.
.
.
.