.

Bảo vệ voọc chà vá chân nâu

.

Mỗi sáng, tại cà-phê Thanh Thanh trên đường Phan Châu Trinh, không khó để nhận ra các gương mặt quen thuộc của nghệ thuật nhiếp ảnh thành phố. Lạ ở chỗ, các nghệ sĩ nói mãi về những chuyến đi săn ảnh và chia sẻ hình ảnh, đặc biệt là về voọc chà vá chân nâu...

Hình ảnh voọc chà vá chân nâu tại rừng sinh thái Sơn Trà. Ảnh: Đinh Lơ
Hình ảnh voọc chà vá chân nâu tại rừng sinh thái Sơn Trà. Ảnh: Đinh Lơ

Có thể nói, trên khắp đất nước, các địa danh, địa chỉ văn hóa, đều có dấu chân của các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đà Nẵng. Riêng với rừng sinh thái Sơn Trà, voọc chà vá chân nâu cho đến lúc này là đề tài được khai thác nhiều nhất.

NSNA Chung Thái cho biết, ngoài những đợt sáng tác do CLB Nhiếp ảnh sông Hàn tổ chức, hay những đợt đi theo nhóm, mỗi nghệ sĩ cũng tự thực hiện các cuộc săn ảnh theo những ý tưởng riêng của mình. Có những nghệ sĩ gần như ăn, ngủ với voọc chà vá chân nâu. “Khi có cảm hứng, chúng tôi vác máy lên và đi. Xe đầy xăng, vài ổ bánh mì, nước uống..., thế là cả ngày theo voọc chà vá chân nâu. Ngày Tết, người ta đi đây đi đó, nhưng vài NSNA chọn du lịch rừng sinh thái Sơn Trà”, NSNA Chung Thái nói.

Hình ảnh voọc chà vá chân nâu tại triển lãm rừng sinh thái Sơn Trà của NSNA Chung Thái vào tháng 1-2016.
Hình ảnh voọc chà vá chân nâu tại triển lãm rừng sinh thái Sơn Trà của NSNA Chung Thái vào tháng 1-2016.

Tích góp trong nhiều năm sáng tác, đến nay, mỗi NSNA Đà Nẵng đều sở hữu lượng ảnh lớn về hệ sinh thái Sơn Trà. Đầu tháng 1-2016 vừa qua, các NSNA đã chọn ra những tác phẩm tâm đắc nhất của mình để tham dự triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật “Rừng sinh thái Sơn Trà”.

NSNA Huỳnh Anh, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh sông Hàn chia sẻ, triển lãm không chỉ giới thiệu phong cảnh trên bán đảo Sơn Trà, hình ảnh về cuộc sống, sinh hoạt của voọc chà vá chân nâu mà còn là thông điệp NSNA thành phố muốn gửi gắm đến người dân và du khách “hãy chung tay bảo vệ voọc chà vá chân nâu”.

Cũng theo NSNA Huỳnh Anh, bán đảo Sơn Trà được ví như viên ngọc thiên nhiên quý giá mà tạo hóa ban tặng cho thành phố Đà Nẵng. Đây không chỉ là “lá phổi xanh” điều tiết khí hậu, là bức bình phong chắn gió bão cho thành phố mà còn có hệ sinh thái đa dạng, quý báu. Nhưng cũng từ đây, việc khai thác du lịch, rồi tình trạng săn bắt voọc đã tác động đến môi trường sống của động, thực vật trên bán đảo Sơn Trà.

“Triển lãm tranh về hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà chỉ là đóng góp nhỏ của NSNA Đà Nẵng. Để bảo vệ voọc chà vá chân nâu, cần sự can thiệp của chính quyền và hơn hết là sự chung tay của cả cộng đồng”, NSNA Huỳnh Anh nói.

Bàn thêm về điều này, NSNA Đặng Hữu Hùng, thành viên CLB, cho rằng voọc chà vá chân nâu là niềm tự hào của người Đà Nẵng, bởi đó là loài linh trưởng vô cùng quý hiếm, không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Hơn nữa, bảo vệ loài động vật trước nguy cơ tuyệt chủng cũng là một cách hành xử trong thế giới văn minh.

“Trước đây, khi gấu trúc được đưa vào Sách Đỏ thì người Trung Hoa đã đưa hình tượng này làm biểu tượng cho xứ sở của họ, loài Kangaroo là biểu tượng của Úc, nước Pháp cũng chọn gà trống Gaulois làm biểu tượng. Vậy thì tại sao chúng ta không dùng hình ảnh voọc chà vá chân nâu là con vật biểu tượng của Đà Nẵng, vừa là góc nhìn mới về Đà Nẵng, bên cạnh hình ảnh những cây cầu vốn đã quá quen thuộc, vừa tuyên truyền nhằm bảo vệ loài động vật quý hiếm, quảng bá thêm hình ảnh thân thiện với môi trường của người Đà Nẵng ra thế giới”, ông Đặng Hữu Hùng nêu quan điểm.

Ban quản lý bán đảo Sơn Trà đã có sáng kiến làm những “cây cầu xanh” - tức những vòm cây hai bên đường được kết nối với nhau - để làm cầu cho voọc chà vá đu mình vượt qua đường, tránh va chạm với các phương tiện giao thông của du khách, đồng thời cũng giải quyết việc đi lại (chuyền cành) đặc hữu của loài linh trưởng này đến với các cánh rừng khác trên bán đảo Sơn Trà.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.