.

"Chúng tôi và gia đình luôn bên bạn"

Bằng sự quan tâm ân cần của người mẹ, người chị, các cán bộ phụ nữ mong muốn một ngày không xa, những thanh-thiếu niên vướng vào con đường sai trái sẽ từng bước đứng dậy, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Trượt ngã

Mô hình điểm “Chúng tôi và gia đình luôn bên bạn” được Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố Đà Nẵng xây dựng để cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 30 thanh-thiếu niên sử dụng chất ma túy lần đầu trên địa bàn thành phố. 30 gương mặt tuổi đời còn khá trẻ, 11 em từ 16-18 tuổi, 19 em từ 19-28 tuổi nhưng vì nhiều lý do đã vướng vào ma túy.

Chị Trương Thị Thanh, cán bộ Hội LHPN quận Thanh Khê cho biết, hiện Hội LHPN quận quản lý 5 em sử dụng thuốc lắc và ma túy đá. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em sa ngã nhưng chủ yếu do hoàn cảnh gia đình khá phức tạp, cha mẹ đi làm xa, giao phó trách nhiệm chăm sóc cho ông bà nên tập tành ăn chơi, lêu lổng… Như trường hợp em Huỳnh Thanh Kh. (SN 1995, phường Thạc Gián), ba bỏ mẹ từ khi em 4 tuổi, mẹ đi làm xa. Em ở với bà ngoại đã 62 tuổi mà vẫn đi róc mía thuê. Học tới lớp 11, Kh. chán nản bỏ ngang, tụ tập cùng bạn bè xấu rồi dính vào ma túy.

Chị Võ Thị Doãn, cán bộ Hội LHPN quận Hải Châu, cho hay Hội LHPN quận được giao cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 6 thanh-thiếu niên trên địa bàn vướng vào ma túy đá và ma túy tổng hợp. Hầu hết các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghỉ học sớm. Chẳng hạn như trường hợp em Nguyễn Ngọc H., cha bán hủ tiếu gõ, mẹ bị tai biến, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn…

Cần tạo việc làm

Chị Doãn tâm sự: “Điều may mắn là các em mới sử dụng ma túy lần đầu và báo cáo kiểm tra mới đây của công an khu vực nơi các em sinh sống cho thấy kết quả âm tính. Băn khoăn lớn nhất là một số gia đình không quan tâm con cái, các em lại ít có mặt ở nhà nên khó tiếp cận”.

Cùng tâm trạng, chị Trương Thị Thanh chia sẻ, Hội LHPN quận Thanh Khê đã triển khai mô hình “Chúng tôi và gia đình luôn bên bạn”, bước đầu tìm hiểu, tiếp cận, lắng nghe các em tâm sự nhưng cũng chẳng dễ dàng gì. Cán bộ Hội đến nhà năm lần bảy lượt nhưng các em đều không có ở nhà hoặc trốn tránh. Song, các chị không nản lòng, nhờ người nhà thuyết phục và giữ chân khi các em về.

“Nhiều lần tâm sự, khuyên nhủ, một số em cũng nhận thức được và muốn trở thành người tốt. Nhưng làm người tốt bằng cách nào khi các em chẳng biết xác định tương lai của mình, cũng chẳng có mơ ước gì. Chúng tôi mới khơi gợi những sở thích rồi dựa vào trình độ của mỗi em để có những định hướng nghề nghiệp. Tôi cho rằng, ngoài sự quan tâm, chia sẻ, cần hỗ trợ, giúp các em có việc làm thì mới mong các em rời xa con đường cũ”, chị Thanh cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố, cho biết khi thực hiện mô hình “Chúng tôi và gia đình luôn bên bạn”, Hội LHPN muốn theo sát, hỗ trợ các em không chỉ về tinh thần mà còn về vật chất, để các em thấy rằng mình vẫn còn được nhiều người quan tâm. Trong tháng 8 vừa qua, các cấp Hội Phụ nữ đã hoàn thành việc tiếp cận 30/30 gia đình, đối tượng, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, khảo sát, đánh giá nhu cầu chính đáng cần được xem xét hỗ trợ học nghề, phương tiện đi lại, mua sắm trang thiết bị, sinh kế…

“Thời gian tới, chúng tôi tổ chức gặp mặt gia đình 30 đối tượng thanh-thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, hỗ trợ những em có dấu hiệu tiến bộ, thực sự muốn học nghề và muốn tìm việc làm; đồng thời tiếp tục theo dõi các đối tượng chưa tiến bộ để có biện pháp giúp đỡ. Đến quý 2-2016, tổ chức gặp mặt, biểu dương, khen thưởng các đối tượng thanh-thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy đã tiến bộ”, bà Hương nói thêm.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.