.

Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV: Còn nhiều khó khăn

.

Thời gian qua, việc can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV của Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn những tồn tại cần khắc phục.

Các thanh, thiếu niên tham gia một hội thảo về mô hình giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản. 
Các thanh, thiếu niên tham gia một hội thảo về mô hình giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản. 

Giảm 4,8% ca nhiễm HIV mới

Nhiều năm qua, việc can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV giai đoạn 2013-2015 được Đà Nẵng triển khai mạnh với nhiều biện pháp. Các ngành đã đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng với hơn 300.000 lượt người nghiện ma túy và phụ nữ bán dâm được truyền thông trực tiếp.

Thành phố cũng đã có hơn 1.000 khu dân cư triển khai phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư; 75 doanh nghiệp triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS và hơn 7.800 công nhân được tuyên truyền dự phòng lây nhiễm HIV... Nhờ vậy, theo thống kê của Sở Y tế, trong giai đoạn 2013-2015, số ca nhiễm mới HIV trung bình hằng năm được phát hiện giảm 4,8% so với giai đoạn 2010-2012. Lây nhiễm HIV trong các nhóm hành vi nguy cơ cao duy trì dưới 3% với nhóm nghiện chích ma túy và 1% với nhóm phụ nữ bán dâm.

Cùng với công tác truyền thông, ngành y tế cũng đã triển khai nhiều giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật như: phát miễn phí bơm kim tiêm, bao cao su thông qua các nhóm đồng đẳng viên, trạm y tế; thực hiện chương trình can thiệp giảm tác hại thông qua duy trì đội ngũ 30 nhân viên tiếp cận cộng đồng các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhằm tiếp cận, truyền thông, phát bao cao su, bơm kim tiêm sạch… Nhờ vậy, đã hỗ trợ can thiệp kịp thời làm giảm tác hại của HIV/AIDS trong đời sống cộng đồng.

Bên cạnh đó, công tác điều trị Methadone được quan tâm đẩy mạnh. Hiện nay, tại 2 cơ sở điều trị Methadone của thành phố có hơn 300 bệnh nhân đang tham gia điều trị, các đối tượng nghiện chích ma túy khi tham gia điều trị có sự thay đổi rõ rệt. Các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế đã tiến hành tư vấn xét nghiệm HIV cho hơn 100 người, phát hiện gần 300 trường hợp nhiễm HIV và 100% khách hàng có kết quả xét nghiệm dương tính được giới thiệu chuyển tiếp đến dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

“Chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV đã làm thay đổi lớn về nhận thức của người dân. Người dân đã nhận thức rõ những hành vi có hại và có lợi cho sức khỏe, có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS, có ý thức phòng tránh; tình trạng kỳ thị, phân biệt và đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cũng giảm đáng kể”, bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố cho biết.

Xóa bỏ rào cản kỳ thị

Dù đã đạt nhiều kết quả nhưng theo bác sĩ Thủy, công tác can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn như: tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS còn nặng nề khiến nhiều đối tượng nguy cơ cao và cộng đồng e ngại trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như: xét nghiệm HIV, sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị methadone... “Sự kỳ thị và phân biệt đối xử cản trở người nhiễm HIV tiếp cận sớm và sử dụng các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV, qua đó hạn chế hiệu quả các chương trình”, bác sĩ Thủy nói. Cũng theo bác sĩ Thủy, một khó khăn nữa là đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là ở tuyến cơ sở. Hầu hết các cán bộ kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, các chính sách chế độ cho cán bộ làm công tác phòng chống AIDS hiện nay chưa được thực hiện đồng bộ ở các tuyến nên chưa có tính động viên, khích lệ. Bác sĩ Thủy cho biết, thời gian đến, thành phố sẽ mở rộng độ bao phủ, đa dạng hóa các dịch vụ và nâng cao chất lượng chương trình theo hướng cung cấp các gói can thiệp cho người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, giúp người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ phòng, chống AIDS; tập trung xóa bỏ rào cản về kỳ thị, tạo việc làm, giúp họ có điều kiện ổn định đời sống và tái hòa nhập cộng đồng.

Bài và ảnh: LÊ MẬN

;
.
.
.
.
.