.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Xóm nghèo vươn lên

Suốt mấy chục năm nay, trong số 4 tổ dân phố (TDP) thuộc khu dân cư (KDC) số 1, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, tổ 4 luôn là TDP nghèo nhất.

Các hộ dân tổ 4 nằm ở hai con hẻm hẹp trong một kiệt trên đường Trần Bình Trọng, với những ngôi nhà cấp bốn san sát nhau. Đây là nơi cư ngụ của 37 hộ dân, hầu hết là lao động phổ thông, buôn gánh bán bưng và chạy ăn từng bữa. Với thực tế này, công việc của tổ trưởng TDP 4 không đơn giản. Làm tổ trưởng mà góp phần xóa được 100% hộ nghèo, giúp tổ lần đầu tiên đạt danh hiệu “Tổ dân phố xuất sắc”, được nhân dân tín nhiệm bầu thêm một nhiệm kỳ lại càng không đơn giản. Vậy mà người tổ trưởng đương nhiệm của tổ 4, ông Trần Duy Cường, đã làm được điều đó.

Năm 2013, lúc ông Cường bắt đầu giữ chức tổ trưởng TDP, tổ có 5 hộ thuộc diện nghèo. Ông Cường kể với tôi về hoàn cảnh từng hộ như đã thuộc lòng. Vợ chồng ông Hồ Văn Út đều mất sức khỏe, vợ bị ung thư, chồng làm nghề xe thồ, sức lao động ngày càng giảm sút. Hộ bà Nguyễn Thị Thuận có tới 11 nhân khẩu sống chen chúc trong căn nhà chưa tới 30m2

Các hộ này đều được TDP kiến nghị với phường Hải Châu 1 hỗ trợ. Theo đó, nhà ông Út được phường tặng một xe bán nước mía, tổ tạo điều kiện cho để xe ở đầu kiệt để tiện buôn bán. Hộ bà Thuận được TDP hướng dẫn thủ tục và kiến nghị với UBND thành phố hỗ trợ cho thuê căn hộ chung cư dành cho người nghèo. Dần dần, đến năm 2014, cả 5 hộ đều thoát nghèo.

Nói là vậy, nhưng đi vào tổ 4 mới thấy đời sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Hỏi ông Cường liệu thực tế đó có ảnh hưởng gì đến việc thu các loại quỹ không thì ông bật cười và bảo rằng, thu quỹ ở tổ 4 là cả vấn đề. Thật vậy, với những người buôn gánh bán bưng, mỗi ngày chỉ thu được khoảng 100.000 đồng thì không phải ai cũng sẵn sàng nộp 250.000 đồng/năm làm quỹ tổ. Ông Cường tạo điều kiện cho các hộ đóng quỹ góp theo từng tháng để giảm gánh nặng. Bằng cách thức này, quỹ năm 2014 đã được thu hoàn tất, còn quỹ năm nay đã thu được 80%.

Dù còn nghèo so với các TDP khác trong KDC, nhưng điều đáng mừng là tổ 4 không có trường hợp học sinh bỏ học. Từ ngày làm tổ trưởng, ông Cường đưa ra sáng kiến vận động quỹ khuyến học riêng của tổ để hằng năm trao quà, động viên học sinh giỏi từ lớp 6 đến lớp 12. Tiền bạc thì chẳng hơn ai, nhưng tình làng nghĩa xóm ở đây chưa một lần nguội lửa. Chẳng biết từ bao giờ mà người dân tổ 4 có thói quen hễ nhà nào có ma chay, cưới hỏi thì thanh niên trong xóm tự động đến giúp đỡ, bày biện, dọn dẹp. Giữa trung tâm phố phường đô hội mà vẫn giữ được truyền thống ấy thì quả thật đáng quý.

Tôi ghé thăm nhà vợ chồng ông Hồ Văn Út, một trong những hộ vừa thoát nghèo vào năm 2014. Ông Út tâm sự, trước đây, khi chưa được hỗ trợ xe nước mía, ông chỉ biết chạy xe thồ trên “con xế” cà tàng, còn vợ ông dù bị ung thư vẫn rửa chén thuê cho tiệm cơm. Vợ chồng ông Út nhớ lại những ngày khốn khó mà nước mắt ngân ngấn. Ông Út chỉ vào xe nước mía để ở góc cửa rồi nói, nhờ có cái xe này, ngày ngày bà đi bán, ông ra phụ, cuộc sống dễ chịu hơn trước nhiều. Tôi nghĩ, từ cái xe nước mía, cái quỹ khuyến học, có lẽ xóm nghèo này đang dần dần vươn lên.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.