.

Hải Châu vươn lên mạnh mẽ

.

Sau 40 năm thống nhất đất nước, đặc biệt là khoảng thời gian từ năm 1995 đến nay, từ một “Thành phố có sông Hàn thơ mộng với kiến trúc đôi bờ nghịch lý”, “Thành phố không có chiều cao”…, thành phố Đà Nẵng nói chung và quận Hải Châu - quận trung tâm của thành phố nói riêng đã vươn mình mạnh mẽ, nhất là trong xây dựng và phát triển đô thị.

Bình minh trên thành phố bên sông Hàn.  		                Ảnh: LÊ PHƯỚC CHÍN
Bình minh trên thành phố bên sông Hàn. Ảnh: LÊ PHƯỚC CHÍN

Sau đại thắng mùa xuân 1975, hậu quả của chiến tranh để lại rất nặng nề đối với quận Nhất, quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng. Những kết quả đạt được trong 3 năm đầu giải phóng (1975-1978) đã góp phần quan trọng cùng toàn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng cuộc sống. Từ năm 1978-1996, cùng với quận Nhì và quận Ba, quận Nhất được giải thể, thành lập chính quyền cấp thành phố (TP. Đà Nẵng cũ).

Trong vô vàn khó khăn, thách thức, khu tập thể Hòa Cường được xây dựng vào đầu những năm 1980 với quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng khu dân cư (KDC) tuy còn một số bất cập, nhưng là một thành công đáng ghi nhận và mở ra hướng đột phá quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị trong tương lai. Ngày 26 và 27-3-1985, thành phố tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng Nhà hát Trưng Vương, Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng (chợ Cồn), đây là 2 công trình có ý nghĩa lớn.

Sau đó 5 năm, chợ Hàn, chợ Hòa Thuận, chợ Mới được xây dựng lại và đưa vào sử dụng đã mang lại không khí phấn khởi, đỡ phần căng thẳng trong thời kỳ đầy khó khăn. “Việc xây dựng lại chợ Cồn, Nhà hát Trưng Vương và đường Điện Biên Phủ là những công trình có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ cho phát triển kinh tế-xã hội, còn giữ vững niềm tin của nhân dân. Đến cuối năm 1994, Đà Nẵng thực sự là “đại công trường kiến tạo thành phố”. Đó là mốc quan trọng chúng tôi không quên được, ông Kiều Văn Toàn, Phó Bí thư thường trực Quận ủy Hải Châu nhớ lại.

Ông Đặng Việt Dũng, Bí thư Quận ủy Hải Châu cho biết: “Định hướng chung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là quận tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mại, tập trung ngành, nghề có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Phát triển đô thị đồng bộ, bền vững, văn minh hiện đại, để trở thành quận kiểu mẫu về trật tự đô thị.

Trước mắt, quận tập trung xây dựng các phố chuyên doanh, hình thành các cụm dịch vụ thương mại - tiêu dùng có chất lượng cao, phát triển kinh tế du lịch. Phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố xúc tiến kêu gọi đầu tư cải tạo nâng cấp chợ Cồn, chợ Hàn, đẩy nhanh các dự án thương mại ở trung tâm. Triển khai xây dựng thí điểm một số dự án cải tạo đô thị tại khu vực trung tâm của quận theo phương thức xã hội hóa hoặc kêu gọi đầu tư nước ngoài, nâng cấp các kiệt, hẻm và thực hiện thí điểm có tính đột phá về quản lý trật tự vỉa hè, vệ sinh môi trường”.

Sau khi thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 23-1-1997, quận Hải Châu được tái lập. Từ đây, quận vận động nhân dân thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để xây dựng, chỉnh trang hạ tầng đô thị với việc mở rộng, nâng cấp một số tuyến đường lớn như: Đống Đa, Lê Duẩn… và bê-tông hóa đường kiệt, ngõ hẻm, xây dựng mương, cống thoát nước trong các KDC.

Song song với đó, thành phố xúc tiến mạnh việc giải tỏa, xây dựng các KDC mới theo quy hoạch như: Khuê Trung, Hòa Cường, Hòa Thuận, Thuận Phước, Thanh Bình… và những tuyến đường lớn như đường 2 tháng 9, Nguyễn Tất Thành và xây dựng cầu Sông Hàn…

“Phải nói rằng người dân có tinh thần đồng thuận rất cao, sẵn sàng hiến đất để mở đường, sẵn sàng giải tỏa, di dời đến nơi ở mới để bàn giao mặt bằng xây dựng công trình. Chúng tôi vận động dân giải tỏa, di dời xây dựng một số tuyến đường, trong đó có nhiều hộ buôn bán mặt tiền mà người dân phấn khởi lắm. Có nhiều công trình vận động dân giải tỏa rất nhanh, thậm chí rút ngắn hơn 30% thời gian giải tỏa và không phải cưỡng chế trường hợp nào cả. Nhiều tỉnh, thành về Đà Nẵng tìm hiểu kinh nghiệm giải tỏa, chỉnh trang đều ngạc nhiên”, ông Kiều Văn Toàn cho biết.

Chia sẻ về quá trình xây dựng và phát triển đô thị quận Hải Châu nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung, năm 1998, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng thành phố (nay là Phó Chủ tịch UBND thành phố) bày tỏ: “Cách đây còn chưa lâu, các đồng nghiệp làm quy hoạch - xây dựng ở các tỉnh, thành với những nhận xét không mấy thiện cảm: Đà Nẵng - thành phố không có vỉa hè, Thành phố không có chiều cao, Thành phố có sông Hàn thơ mộng với kiến trúc đôi bờ nghịch lý…

Nhưng đến tháng 3-1998, các đồng nghiệp ấy đã có lời ngợi khen trước những khởi sắc của thành phố. Bên cạnh việc nâng cấp, mở rộng các trục đường chính như: Quang Trung, Đống Đa, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Diệu…, một số trục đường lớn đã được xây dựng như: 2 tháng 9, Cách mạng Tháng Tám và nhiều tuyến đường mới khác…

Diện mạo đô thị của quận ngày càng khang trang, rộng mở, khu đô thị trung tâm được nâng cấp phát triển, kết cấu hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ. Đặc biệt, sau ngày giải phóng thành phố, trên địa bàn quận chỉ có 33 tuyến đường, nay có gần 300 tuyến đường phố đã được thảm nhựa và đặt tên; khoảng 10.000 tuyến kiệt, hẻm có bề rộng từ 2-5m được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật từ năm 2005 với tổng chiều dài 104,3km. Ngày nay, đến với Hải Châu, du khách có thể tận hưởng không gian tuyệt đẹp, nên thơ của cảnh quan sông Hàn với cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước…

Cùng với đó, các tuyến đường khang trang, rộng mở như: Nguyễn Văn Linh, Bạch Đằng, Lê Duẩn, Trần Phú… vừa sạch đẹp, an toàn và văn minh, làm vừa lòng du khách. Bên cạnh khu phức hợp Indochina Riverside, khu vui chơi giải trí Helio, vòng quay Mặt Trời và công viên Châu Á, khách sạn Novotel sang trọng đã trở thành những điển nhấn về kiến trúc, dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí của người dân và du khách.

Theo Quận ủy Hải Châu, trong gần 20 năm qua, kể từ khi được tái lập, căn cứ vào các đồ án quy hoạch được duyệt, quận Hảu Châu vừa chú trọng phát triển kinh tế, vừa tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp và chỉnh trang đô thị. Kinh tế hằng năm đều có bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng “dịch vụ - công nghiệp - thủy sản” trong đó dịch vụ thương mại giữ vị trí hàng đầu.

Các loại hình dịch vụ cao cấp, tài chính, ngân hàng phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của quận giai đoạn 1997-2014 là 11,83%. Ngoài chợ Cồn và chợ Hàn, những siêu thị lớn mới mở trong những năm gần đây như: Metro, Lotte Mart, Intimex, Hoàng Anh Gia Lai Plaza, các siêu thị điện máy... đã trở thành những trung tâm thương mại chủ yếu của Đà Nẵng với nhiều chủng loại hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng phục vụ ngày càng tăng, văn minh thương mại ngày càng phát triển.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.