.

Gặp người chụp bức ảnh lịch sử ngày 30-4-1975

.

Vào thời khắc 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, khi tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại Đài Phát thanh Sài Gòn, có một nhà báo Việt Nam, là người con quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng chụp được bức hình đi vào lịch sử. Đó là ông Phạm Kỳ (bút danh Kỳ Nhân), phóng viên của AP tại Sài Gòn trước năm 1975.

Ông Phạm Kỳ (ngồi ngoài cùng, bên phải) là một trong 3 nhân chứng được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tuyên dương vì đã có những cống hiến quan trọng cho đất nước. Phía sau là bức ảnh nổi tiếng ông chụp ngày 30-4-1975.
Ông Phạm Kỳ (ngồi ngoài cùng, bên phải) là một trong 3 nhân chứng được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tuyên dương vì đã có những cống hiến quan trọng cho đất nước. Phía sau là bức ảnh nổi tiếng ông chụp ngày 30-4-1975.

Tôi gặp ông vào cuối tháng 3-2015, khi ông là 1 trong 3 nhân chứng được mời đến kể về thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975 với những người con Quảng Nam-Đà Nẵng đang làm ăn, sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Dù tuổi gần 80 nhưng ông Phạm Kỳ vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và rất minh mẫn. Ông vẫn luôn giữ thói quen không thể bỏ là luôn mang chiếc máy ảnh trên người.

Ông nhớ lại: Tôi túc trực tại Dinh Độc Lập bắt đầu từ ngày 28-4 vì thấy lúc này tinh thần của chính quyền ngụy đã rệu rã. 10 giờ sáng 30-4, tôi vào Dinh Độc Lập để tiếp tục theo dõi những diễn biến trong nội các của Dương Văn Minh. Lúc đó, ngoài dinh, một vài lính Lôi Hổ đang tụ tập trong sân, vứt súng, quân phục xuống đất và có những hành động phản đối việc tổng thống có ý định đầu hàng quân giải phóng. Ở trong dinh, tổng thống và ông Vũ Văn Mẫu lúc đó đều không có vẻ buồn của người thua trận. Trái lại, tôi thấy họ rất bồn chồn chờ quân giải phóng...

Khi quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, đưa nội các Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng, ông Phạm Kỳ dùng xe riêng của mình để đến đài phát thanh. Đúng 11 giờ 30 phút, tổng thống Dương Văn Minh bắt đầu đọc bản tuyên bố đầu hàng quân giải phóng miền Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chính thức sụp đổ. 

Qua Đài Phát thanh Sài Gòn, tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi các binh lính Việt Nam Cộng hòa bình tĩnh, không nổ súng và ai ở đúng vị trí của người đó để gặp Chính phủ Cách mạng thảo luận lễ giao chính quyền trong trật tự, tránh đổ máu. “Lúc đó chỉ có tôi với nhà báo Đức Gallasch nhưng nhà báo này chỉ ghi âm nên tôi đã chụp rất nhanh bức ảnh đó và gửi về cho Hãng thông tấn AP”, ông Phạm Kỳ cho biết.

40 năm sau giải phóng, ông Phạm Kỳ lúc nào cũng cảm thấy vinh dự và tự hào về tấm hình ghi lại thời khắc lịch sử của đất nước trong ngày giải phóng. Là người con của quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng, trong những năm trước giải phóng, ông sớm giác ngộ tinh thần yêu nước, hướng theo tiếng gọi của tự do độc lập dân tộc. Ông cùng những sinh viên, học sinh lúc bấy giờ xuống đường đấu tranh kêu gọi độc lập tự do, chống áp bức của chế độ tay sai, ngụy quân, ngụy quyền.

Sau khi đất nước giải phóng, mặc dù sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng ông Phạm Kỳ luôn một lòng hướng về quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng với tình cảm thiết tha, chân thành trước sự đổi thay đáng mừng của nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Bài và ảnh: DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.