.

Căn hầm của "Nội tôi"

.

Biết nhà văn Bùi Tự Lực – tác giả tập truyện ngắn “Nội tôi” – khá lâu, nhưng gần đây mới được anh đưa về thăm khu vườn xưa của bà nội mình, nơi anh lấy bối cảnh cho tập văn xuôi đầu tay và đoạt ngay giải thưởng của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Ông Bùi Tự Lực trong căn hầm của bà nội mình. Ảnh: V.T.L
Ông Bùi Tự Lực trong căn hầm của bà nội mình. Ảnh: V.T.L

1. Ông Bùi Ngọc Hồng, anh con nhà bác của ông Lực, đưa Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng Nguyễn Nho Khiêm và tôi - ra thăm một vạt rừng nhỏ, không khí mát rượi từ đó phả ra làm dịu cái nắng của miền cận trung du. Cả thôn Việt Sơn, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam giờ chỉ còn mỗi nơi này giữ được vạt rừng nguyên sinh, nơi mà theo lời ông Lực, những cây xưa một vòng tay ôm không hết giờ chỉ còn trơ lại những gốc cây già cỗi mà một số ít không chịu khuất phục sự tàn phá của thời gian và con người, đã đâm chồi trở lại.

Bà nội ông Hồng, ông Lực ngày trước sớm chiều lọ mọ vào rừng quét lá, đem gửi chuồng bò nhà hàng xóm, cứ ba gánh lá đổi lấy một gánh phân. Xe tăng Mỹ cùng với bom đạn chiến tranh từng muốn cày nát nơi này nhưng mãi vẫn không được. Có lần ông Lực cùng bà nội nấp dưới hầm, máy bay khu trục Mỹ vèo qua trên bầu trời, thả xuống một quả bom khoét thành một hố to, dấu tích còn để lại bên gốc cây sộp.

Căn hầm là kết quả những tháng ngày âm thầm đào xới của bà cụ 72 tuổi chân bị bệnh tê liệt và đứa cháu nội mới lên 9. Tuổi thơ sức yếu, cậu bé Lực ngày đó chỉ biết giúp bà mình mấy việc vặt. Cuối năm 1963, tranh thủ đất thấm nước còn mềm, hai bà cháu bắt đầu đào một đoạn hầm theo chiều nghiêng sâu khoảng một mét ngay sát mé rừng. Xong căn hầm đủ chỗ cho hai người trú ẩn, bà dùng cuốc chim moi sâu xuống, xúc đất vô cái trạc rồi cùng cháu mang ra đổ ngoài vườn. Phía trên là hầm trú ẩn công khai, nhưng phía dưới là hầm bí mật được ngụy trang bằng một tấm ván dày, đủ chỗ cho một người khoanh tròn nằm dưới đó.

Nhà nội ông Lực có 7 người con, đặt tên theo thứ tự là Đinh, Cái, Hòa, An, Mỹ, Tây, Viện. Cha ông tên là Bùi Văn Tây, đến khi đi học bị “kỵ húy” rằng học trò không được đặt tên Tây, bèn phẩy thêm cái dấu nữa thành Tẩy, sau hoạt động cách mạng bị chính quyền Sài Gòn bắt đi tù, tháng 11-1963 được phóng thích, về nhà được một lúc thì đi thẳng lên núi. Bà nội ông đào hầm nói là để tránh bom đạn nhưng chính là để cho cha ông mỗi lần xuống núi có nơi ẩn nấp. Lính theo dõi tìm cách bắt cha ông. Bà nội ông phải cặm cụi vót chông cắm quanh vườn, đánh tiếng bảo là để tránh trộm phá phách.

2. Mé phải trước nhà nội ông Lực có cái giếng đá đường kính khoảng một sải tay, giờ đã bị vùi lấp. Ông trầm ngâm hồi tưởng cảnh nhộn nhịp của những trai làng, gái quê ngày nào đến múc nước bằng cái gàu mo cau. Vét cạn, chỉ mười lăm phút sau lại đầy nước. Tương truyền là do mạch nước từ núi Chóp Chài phía sau nhà, cách giếng khoảng 3 cây số, chảy xuống, lại được rừng nguyên sinh lưu giữ nên không bao giờ cạn. Núi Chóp Chài cao nhất vùng, trên đỉnh có tảng đá lớn và một cây đa cổ thụ; khi Mỹ đổ quân đóng trên đó, thấy chật chội, vướng víu bèn cho giật mìn phá mất để mở rộng tầm quan sát. Từ đó, dân làng cảm thấy ngọn núi bỗng dưng trở nên xa lạ...

Xa xa trước nhà là cái ao rộng bằng 3 cái nong lớn, hai bà cháu ông một thời sống dựa vào đó. Ven bờ ao trồng sen, dưới ao nuôi cá, chung quanh trồng rau muống. Sáng sáng bà lui cui cắt rau mang ra chợ bán cho người ta về ăn kèm với bánh tráng sắn - đặc sản một thời của vùng đất Bình Trị. Một ông thầy địa bảo ao này là “mắt thủy” của làng, đứng trên đỉnh núi Chóp Chài nhìn xuống trông như một con mắt lấp láy giữa bạt ngàn cây cối, vì thế “chết tên” là ao Bà Đỉnh – tên bà nội ông.

Đường công hương trước nhà chạy từ thôn Hiền Lộc, xã Bình Lãnh - phía trên đó xuống tới chợ Vinh Huy rồi rẽ vô Kỳ An, đến Tam Kỳ. Xưa, trước ngõ nhà có nhiều tre, là nơi đặt “trạm thu mua” của các bà thường đến trao đổi, mua bán nông sản như: Bốn Tranh, Bảy Tâm, Ba Lũy... Về sau, khi bà nội ông bị chính quyền Sài Gòn kêu xuống trại cải huấn Hội An vì là “mẹ thằng Sáu Tẩy”, ông đi theo và gặp lại hết các bà này trong nhà lao Hội An. Lúc đó ông mới biết các bà mượn hình thức đi bán mắm, bán dầu phộng... để trao đổi chuyện công tác và nhận tài liệu giấu trong rừng do bà nội ông giao.

Nhà nội ông ngày xưa thuộc loại to nhất nhì trong làng, là nơi tập kết những người hoạt động cách mạng. Cái giếng đá, cái ao rau muống, cái “trạm thu mua” cùng với vạt rừng và căn hầm trú ẩn phía sau nhà đã cùng hai bà cháu đi qua cuộc chiến với biết bao thăng trầm dâu bể. Bà ông lo chuyện ăn uống cho cán bộ, phần dùng tại chỗ, phần mang vào căn cứ. Tối tối, bà ra sau nhà đốt rác, lúc nhiều lúc ít, khi thành ngọn lửa khi chỉ nổi khói... đó là mật hiệu bà ngầm báo cho cán bộ biết lương thực, thuốc men cất giấu ở đâu và lấy chúng như thế nào.

Ông Lực ngồi lại bên gốc sộp vừa nhú mấy ngọn non tươi xanh, mường tượng hình ảnh cha ông lóng ngóng đứng đâu đó phía bìa rừng khi mẹ ông chuyển dạ, chờ đến khi nghe tiếng trẻ sơ sinh oe oe khóc trong nhà mới bỏ đi. Mấy ngày sau, bà nội ông thấy có tờ giấy giắt trên vách, ghi mấy vần thơ, có đoạn: Nín đi đừng khóc con ơi. Lắng tai nghe mẹ truyền lời ba ru. Chúc con vào quãng đầu thu. Quả năm Giáp Ngọ súng diệt thù ngừng tay…

Đọc lại bài thơ cha viết cho chính mình, ông giải thích: Quả là từ địa phương, có nghĩa là khoảng, ước chừng.

3. Sau ngày thống nhất đất nước, ông Lực quay về nhà nội sau 7 năm làm học sinh miền Nam trên đất Bắc. Vạt rừng vẫn còn cùng với căn hầm trú ẩn. Chỉ vắng bóng nội. Ông hỏi bà con xóm làng, không ai biết nội ông đi đâu. Có người bảo nội ông đi tu, có người bảo vướng mìn hoặc bị bắn chết… Ông thì nghĩ, nội mình không thể mất được, chỉ đang loanh quanh đâu đó. Ông đi tìm, tìm mãi nhưng vẫn bặt vô âm tín… Cuối cùng, bà con bảo ông lấy ngày Rằm tháng 7, là ngày bà khăn gói ra khỏi khu dồn dưới Hà Lam để làm ngày giỗ cho nội.

Từ đó, tôi luôn luôn trăn trở về nội – giọng ông chừng như tan vào làn gió từ núi Chóp Chài dạt xuống. Phải viết một cái gì đó về nội để ghi lòng tạc dạ công lao của nội đối với mình. Một món nợ thiêng liêng. Sau này, khi tôi đi làm, rồi đi học tuyên huấn về, lúc nào trong đầu cũng luẩn quẩn hình bóng bà, nếu tôi không viết một điều gì đấy về bà là tôi không trọn nghĩa cùng bà. Khi bà được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đi đâu tôi cũng thấy hình bóng bà. Tôi đặt bút viết trường ca, viết rồi lại thấy không ra trường ca. Bỏ, chuyển qua viết tiểu thuyết. Lại nghĩ, với một dung lượng về nội tôi mà viết tiểu thuyết phải thêm vào những điều khác thì sẽ loãng cuộc đời của bà. Tôi lại bỏ…

Ông trầm ngâm dừng lại. Chỉ có tiếng gió thì thào qua kẽ lá. Đến khi ông Khiêm hỏi về những bạn văn ở Đà Nẵng, ông lại tiếp tục những hồi ức gắn chặt đời mình với đời bà nội.

Một lần ra Đà Nẵng ông được gặp nhiều nhà báo, nhà văn, trong đó có nhà văn Thanh Quế, người sau đó sẽ làm thay đổi cuộc đời ông qua cái nghiệp văn chương. Tổng biên tập Tạp chí Đất Quảng lúc bấy giờ khuyên ông làm thơ, nếu thấy được sẽ đăng cho vui. Nhưng cũng phải đến năm 1991, khi chuyển hẳn gia đình ra Đà Nẵng, ông mới hòa nhập với giới văn nghệ sĩ Đà thành và sau đó in vài tập thơ.

Có một cái duyên lạ – ông nhớ lại. Lúc tôi ngồi tâm sự với anh Thanh Quế, anh bảo, Lực ơi, tớ nhìn thấy hình như cậu có cái vốn sống ghê lắm, cậu đừng làm thơ nữa, mà hãy chuyển sang viết văn xuôi, viết văn học thiếu nhi, mà tốt nhất hãy kể cuộc đời của chính cậu.

Ông nghĩ, nếu viết văn xuôi thì ông sẽ viết về bà nội mình. Bà đã thay mẹ nuôi ông từ lúc ông 4 tuổi, hát ru ông bằng vần lục bát Lục Vân Tiên. Ông kể lại đời bà và một quãng đời mình bằng dạng truyện ngắn. Nghe lời nhà văn Thanh Quế, ông gửi tác phẩm có tựa là “Nội tôi” này ra NXB Kim Đồng, sau đó tham gia và đoạt giải B cuộc thi “Sáng tác truyện và tranh truyện cho thiếu nhi” do nhà xuất bản chuyên sách thiếu nhi này tổ chức năm 2001.

4. Chúng tôi thay phiên nhau xuống căn hầm đã sạt lở mấy chỗ, hình dung ra hai bà cháu ngày nào cặm cụi đào xới. Vạt rừng bên cạnh giờ chỉ còn chưa tới hai sào đất, hầu hết là cây dầu mây, tháng 2-3 âm lịch ra hoa đỏ rực, hè đến mát rượi một góc trời. Bốn mươi mùa hoa yên bình đã đi qua nơi này, cuộc đời bà đã được cháu gửi lên văn đàn, nhưng trong đó vẫn còn thiếu căn hầm nhỏ.

Ông Lực biết, hàng vạn căn hầm các loại như thế đã được những người bà, người mẹ Quảng Nam-Đà Nẵng xưa đào sâu trong lòng đất, tuy không nối thông với nhau nhưng cùng hướng về một điểm đến là thống nhất non sông, đất nước. Với ông, lưu giữ, bảo tồn căn hầm cũng là một món nợ thiêng liêng mà ông còn nợ ở nội mình…

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.