.

Phòng cháy chữa cháy chợ ở Liên Chiểu

.

Mô hình “Tổ tiểu thương, quầy hàng, sạp hàng an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) các chợ” được triển khai từ tháng 4-2014 đến nay đã mang lại hiệu quả.

Địa bàn quận Liên Chiểu có 3 chợ lớn gồm: chợ Hòa Khánh, chợ Nam Ô, chợ Hòa Mỹ và hàng chục chợ dân sinh nằm sâu trong khu dân cư. Đây là những cơ sở trọng điểm về PCCC và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Tiểu thương chợ Hòa Khánh luôn nâng cao ý thức về phòng cháy chữa cháy.
Tiểu thương chợ Hòa Khánh luôn nâng cao ý thức về phòng cháy chữa cháy.

Tiểu thương nhiệt tình hưởng ứng

Ông Lê Văn Tới, Trưởng bộ phận Tổ chức - Hành chính, Ban quản lý (BQL) các chợ quận Liên Chiểu, cho biết chợ là nơi tập trung buôn bán đông đúc và là nơi trưng bày, cất giữ lượng hàng hóa lớn bằng vải sợi, nhựa, cao su và các hóa chất khác có nguy cơ cháy rất cao. Song, trình độ nhận thức của tiểu thương kinh doanh tại chợ không đồng đều nên công tác tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn phòng, chống cháy nổ ở các chợ còn nhiều hạn chế. Vì vậy, từ tháng 4-2014, UBND quận triển khai Kế hoạch số 29/KH-UBND về “xây dựng sạp hàng, quầy hàng an toàn PCCC tại các chợ”. Từ đó, BQL các chợ ban hành ngay kế hoạch cụ thể để triển khai rộng rãi tại các chợ. Bên cạnh đó, BQL đã phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC số 4 đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức PCCC cho hơn 3.000 lượt tiểu thương, giúp người dân hiểu rõ nguy cơ cháy chợ cũng như nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản của mình.

Đến nay, 3 chợ trên địa bàn quận Liên Chiểu đã thành lập 50 tổ tự quản PCCC (chợ Hòa Khánh: 33 tổ, chợ Hòa Mỹ: 9 tổ và chợ Nam Ô: 8 tổ), với 691 hộ tiểu thương ký cam kết thực hiện “Tổ tiểu thương thực hiện sạp hàng, quầy hàng tự quản về PCCC”; mỗi tiểu thương cam kết tự trang bị ít nhất một bình chữa cháy xách tay; 30% tiểu thương tự trang bị bình, trong đó có tổ trang bị 100% bình chữa cháy cá nhân. “Đến nay, hơn 200 tiểu thương đã trang bị bình chữa cháy. Riêng chợ Hòa Khánh có 3 tổ và chợ Hòa Mỹ có 1 tổ trang bị 100%. Chúng tôi vẫn tiếp tục vận động để cuối năm 2015 sẽ đạt 100% các hộ tiểu thương trang bị đầy đủ bình chữa cháy”, ông Tới cho hay.

Theo chị Lê Thị Minh Lũy, chủ quầy hàng quần áo Minh Lũy tại chợ Hòa Khánh, ngay khi BQL chợ thông báo kế hoạch xây dựng mô hình “quầy hàng, sạp hàng an toàn PCCC”, chị tham gia ngay. “Toàn bộ vốn liếng, tài sản của gia đình tôi nằm hết ở sạp hàng này nên tự mình phải lo bảo vệ tài sản của mình trước. Khi có thông báo về mô hình này, tôi mua ngay bình chữa cháy. Bây giờ, tôi yên tâm hơn rất nhiều. Mọi người ở đây cũng đều nghĩ vậy nên khi BQL vận động thì chị em tiểu thương chúng tôi đều nhiệt tình hưởng ứng”, chị Lũy nói.

Sẽ thành lập “đội dân phòng tiểu thương” PCCC

Đánh giá về hiệu quả bước đầu của mô hình “Tổ tiểu thương, quầy hàng, sạp hàng tự quản về PCCC” ở các chợ quận Liên Chiểu, Đại tá Trần Văn Tuy, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 4, cho biết mô hình mới đi vào hoạt động nhưng đã có những tín hiệu vui, nhất là về nhận thức của tiểu thương đối với công tác PCCC có sự chuyển biến tích cực. Nhờ vậy, công tác PCCC bước đầu được xã hội hóa rất cao trong giới tiểu thương.

Để phát huy kết quả công tác PCCC các chợ, Phòng Cảnh sát PCCC số 4 tiếp tục phối hợp với BQL các chợ quận Liên Chiểu tăng cường tuyên truyền trực quan pa-nô, khẩu hiệu, hình ảnh với nội dung sát thực tế hơn. “Đặc biệt, chúng tôi đã đề nghị BQL các chợ quận Liên Chiểu thành lập lực lượng “đội dân phòng tiểu thương” về PCCC. Trong đó, lực lượng nòng cốt chính là chị em tiểu thương trực tiếp kinh doanh ở mỗi chợ. Lực lượng này là cánh tay nối dài quan trọng cả trong công tác phòng ngừa lẫn xử lý ngay từ đầu khi mới phát sinh cháy”, Đại tá Trần Văn Tuy cho biết thêm.

Phòng Cảnh sát PCCC số 4 sẽ tập huấn cho “đội dân phòng tiểu thương” những kiến thức cơ bản về PCCC, kỹ năng sử dụng phương tiện PCCC thô sơ và bình chữa cháy xách tay; kỹ năng xử lý tình huống để lực lượng này có thể tham gia công tác PCCC chợ, góp phần giảm thiểu nguy cơ cháy xảy ra.

Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.