.

Khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

.

Hội nghị Genève bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương khai mạc vào ngày 8-5-1954, một ngày sau khi Việt Nam giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Tham dự hội nghị chính thức có 9 phái đoàn gồm Anh, Hoa Kỳ, Liên Xô, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), Pháp, Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia. Liên Xô và Anh làm đồng chủ tịch hội nghị. Hai phái đoàn của Chính phủ kháng chiến Lào (Pathet Lào) và Chính phủ kháng chiến Campuchia (Khmer Issarak) không được công nhận tư cách đại biểu và chỉ do Việt Nam dân chủ Cộng hòa đại diện trình bày nguyện vọng trước hội nghị.

Hội nghị Quốc tế về Đông Dương đã họp tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 20-7-1954. Các Hiệp nghị về Đông Dương đã được ký kết giữa các bên liên quan. 								 (Nguồn: 70 năm Đảng Cộng sản Việt Nam)
Hội nghị Quốc tế về Đông Dương đã họp tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 20-7-1954. Các Hiệp nghị về Đông Dương đã được ký kết giữa các bên liên quan. (Nguồn: 70 năm Đảng Cộng sản Việt Nam)

Qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp riêng, cuối cùng Hiệp định Genève về Đông Dương đã được ký kết vào rạng sáng 21-7-1954. Ba Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia và “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève về lập lại hòa bình ở Đông Dương” là bộ khung pháp lý chính. Bên cạnh đó còn có hai bản tuyên bố riêng của Hoa Kỳ và Pháp tại hội nghị cùng ngày.

Các văn bản Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở 3 nước Đông Dương do đại diện các bên liên quan đặt bút ký kết, còn cách thức thông qua bản Tuyên bố cuối cùng được các thành viên thể hiện không bằng ký tên, mà biểu quyết bằng hình thức phát biểu đồng tình và được ghi lại trong biên bản hội nghị. Đoạn mở đầu của Tuyên bố cuối cùng nêu đủ 9 thành viên tham gia, nên dù chỉ 7 đoàn đồng ý, còn Hoa Kỳ và Quốc gia Việt Nam ngầm có mưu toan riêng và không tuyên bố ủng hộ, nhưng đây là một hiệp định do các bên thỏa thuận tại hội nghị quốc tế, nên có tính pháp lý quốc tế đầy đủ và được thế giới công nhận.

Thông qua nội dung Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (gồm bản tiếng Pháp và bản tiếng Việt) và Tuyên bố cuối cùng của hội nghị, ngoài những giá trị chung, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được củng cố bằng những giá trị pháp lý vững chắc, được các bên tham gia thừa nhận.

Trước hết, trong quan hệ của các nước với Campuchia, Lào, Việt Nam, “các thành viên tham dự Hội nghị Genève cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không có bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của từng nước” (Điểm 12 trong Tuyên bố cuối cùng). Hội nghị cũng ghi nhận bản tuyên bố của Chính phủ Pháp là tái lập vững chắc nền hòa bình tại Campuchia, Lào và Việt Nam trên cơ sở “tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, Lào và Việt Nam (Điểm 11 trong Tuyên bố cuối cùng).

Dựa vào các điểm này, có thể khẳng định các nước khi công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đã đồng thời chính thức công nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Lý do là tại Hội nghị San Francisco ở Hoa Kỳ năm 1951, trước tuyên bố của đại diện Chính phủ Quốc gia Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, có đến 48/51 nước tham dự đã không phản đối; nhưng hội nghị lại phản đối đề nghị của Ngoại trưởng Liên Xô (thay mặt cho lợi ích của Trung Quốc tại hội nghị) về việc chuyển giao Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc.

Liên quan đến phân vùng lãnh thổ trên đất liền và trên biển, Hiệp định quy định: “Giới tuyến quân sự tạm thời (vĩ tuyến 17) giữa hai vùng tập kết cuối cùng được kéo dài đến mặt nước thuộc lãnh thổ ấy bởi đường thẳng góc đến đường ranh chung của lãnh hải. Tất cả các hòn đảo thuộc lãnh hải phía bắc của đường ranh giới sẽ được rút quân bởi lực lượng quân đội của Liên hiệp Pháp, còn tất cả các hòn đảo phía nam của nó sẽ được rút quân bởi Quân đội Nhân dân Việt Nam” (Điều 4 thuộc Chương I của Hiệp định). Theo đó, các đảo ở nam vĩ tuyến 17, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc quyền quản lý của Quốc gia Việt Nam oài có thể được thiết lập ở vùng tái tập kết của mỗi miền; hai miền phải bảo đảm những khu vực được phân công không gia nhập vào khối liên minh quân sự nào và không được lợi dụng để tái diễn tình trạng chiến tranh hay để đẩy mạnh chính sách xâm lược” (Điều 19 thuộc Chương III của HĐ). Đồng thời, “Hội nghị ghi nhận các điều khoản trong Hiệp định về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, cấm nước ngoài đưa quân đội và nhân viên quân sự cũng như tất cả các loại vũ khí, đạn dược vào Việt Nam” (Điểm 4 trong Tuyên bố cuối cùng).

Về điểm này, tháng 4-1956, khi thực hiện Hiệp định Genève, Pháp rút khỏi Việt Nam, bao gồm cả các đảo thuộc quyền quản lý, thì nhân lúc lực lượng hải quân của Việt Nam Cộng hòa đang triển khai tiếp quản các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã đem quân đội chiếm đóng nhóm đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngang nhiên vi phạm Hiệp định Genève.

Trung Quốc là một bên tham gia ký kết và cam kết thi hành Hiệp định Genève năm 1954, nhưng lại là bên vi phạm hiệp định rất sớm, đồng thời góp phần tạo cớ cho Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa cùng vi phạm hiệp định. Không những thế, khi sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sắp kết thúc, ngày 19-1-1974, Trung Quốc lại đưa quân đánh chiếm phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa, tiếp tục vi phạm Hiệp định Genève năm 1954 và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại đây. Thậm chí, Trung Quốc còn thực hiện một chuỗi hành vi dùng vũ lực vi phạm tiếp tục, như tháng 3-1988 tấn công lực lượng hải quân Việt Nam chiếm 7 đảo đá tại quần đảo Trường Sa (bao gồm đảo Gạc Ma); năm 1995 chiếm đảo Vành Khăn và năm 2012 chiếm bãi cạn Scarborough thuộc quần đảo Trường Sa (do Philippines đang quản lý nhưng thuộc vùng tuyên bố chủ quyền của Việt Nam) .

Những hành vi xâm chiếm lãnh thổ trên biển và trên đất liền của Việt Nam bằng vũ lực mang tính hệ thống của Trung Quốc từ năm 1956 đến nay không chỉ vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Genève năm 1954, mà còn vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Sự vi phạm trắng trợn đó càng thể hiện sự phi pháp của Trung Quốc trước quốc tế, đi ngược lại chính những cam kết của Trung Quốc và các nước lớn về Hiệp định Genève, nhưng càng làm nổi rõ cơ sở pháp lý quốc tế của Việt Nam về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.