.
Hiệp định Genève - biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc

Bài 3: Nêu cao vai trò Việt Nam trên trường quốc tế

.

Với Hiệp định Genève, lần đầu tiên trên thế giới, một hiệp định quốc tế với sự tham gia của các nước lớn đã công nhận một nước thuộc địa có các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó không những đã cổ vũ cuộc đấu tranh của nhân dân ta nhằm hoàn thành các mục tiêu độc lập dân tộc mà còn có tác dụng động viên phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới.

Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh tại 3 nước Đông Dương. (Nguồn: vi.wikipedia)
Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh tại 3 nước Đông Dương. (Nguồn: vi.wikipedia)

Hiệp định Genève đã giải quyết vấn đề Đông Dương theo đúng lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là: Kiến lập hòa bình trên cơ sở tôn trọng quyền thống nhất, độc lập, dân chủ của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia. Ngày 10-4-1954, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong báo cáo trước Quốc hội về chủ trương và phương án đấu tranh của ta tại Hội nghị Genève đã nhấn mạnh: “Lập trường của nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương là: Hòa bình, độc lập, thống nhất và dân chủ”.

Hiệp định Genève đã đem lại hệ quả là một nửa nước Việt Nam được giải phóng gắn liền với hậu phương xã hội chủ nghĩa rộng lớn và làm cho cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam hòa nhập với trào lưu cách mạng thời đại, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân vì độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội. Việc giải phóng miền Bắc đem lại cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một khu vực hoàn chỉnh có đầy đủ điều kiện cần thiết của một quốc gia để xây dựng chế độ kinh tế, chính trị mới, trở thành căn cứ địa cho công cuộc đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, là hậu phương vững chắc cho cách mạng ba nước Đông Dương, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà.

Với Hiệp định Genève, lần đầu tiên trên thế giới, một hiệp định quốc tế với sự tham gia của các nước lớn đã công nhận một nước thuộc địa có các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó không những đã cổ vũ cuộc đấu tranh của nhân dân ta nhằm hoàn thành các mục tiêu độc lập dân tộc mà còn có tác dụng động viên phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Do đó, Hiệp định cũng là thắng lợi lớn của tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đang đấu tranh để khôi phục và bảo vệ quyền dân tộc của mình.

Hội nghị Genève đã nêu rất cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia một hội nghị quốc tế đa phương và đã trở thành tâm điểm của hoạt động quốc tế trong suốt những năm giữa thập kỷ 50 của thế kỷ 20 và cả những năm sau đó. Từ chỗ là một thuộc địa của Pháp, với cuộc đấu tranh đầy hy sinh, anh dũng của mình, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành một bên tham gia đàm phán quốc tế, phát huy thiện chí hòa bình, tranh thủ được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và trở thành biểu tượng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hòa bình và dân chủ.

Hiệp định là một thất bại lớn đối với đế quốc Mỹ và các thế lực hiếu chiến, phá tan âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ. “Chính phủ Mỹ chưa bao giờ mong muốn một giải pháp thương lượng” (trích trong cuốn sách Hội nghị Genève năm 1954 về Đông Dương của tác giả James Cable xuất bản tại New York năm 1986). Với âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh nhằm ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam, Mỹ đã ra sức phá hoại Hội nghị Genève. Khi không ngăn cản được việc ký kết Hiệp định Genève, Tổng thống Mỹ Eisenhower tuyên bố Mỹ không bị ràng buộc vào những quy định của Hiệp định. Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, họp vào các ngày 8 và 12-8-1954, đã kết luận: “Giải pháp Genève là một thảm họa, vì đã hoàn thành một bước quan trọng của chủ nghĩa cộng sản, có thể dẫn tới việc mất cả Đông Nam Á” (Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, TTXVN phát hành tháng 8-1971).

Trên thực tế, Hiệp định Genève năm 1954 là vũ khí chủ yếu để nhân dân Việt Nam đấu tranh pháp lý trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và chính những nội dung cơ bản của Hiệp định Genève năm 1954 đã tạo thành cốt lõi của Hiệp định Paris năm 1973 về Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định Genève thể hiện tư tưởng biết giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trên tinh thần tiến công cách mạng. Đây là một trong những phương pháp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời cũng là nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

G.H (tổng hợp)

;
.
.
.
.
.