.

Phải nói cho cả thế giới biết chủ quyền của chúng ta

.

“Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và thế giới lên án. Chúng ta cần phải nói cho cả thế giới biết chúng ta có chủ quyền cách đây mấy trăm năm rồi. Có phải họ cứ nhắm mắt nói bừa là được đâu”. Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Đà Nẵng.

Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đà Nẵng.
Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đà Nẵng.

* Là nhà nghiên cứu lịch sử, ông có thể cho biết hiện nay chúng ta có những tư liệu nào có cơ sở pháp lý cao về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa?

- Chúng ta có nhiều tư liệu có giá trị lịch sử và pháp lý rất cao. Và còn có giá trị cao hơn nữa trong bối cảnh ngày 13-5 vừa qua, tại Quảng Châu (Trung Quốc), UNESCO đã công nhận Châu bản Triều Nguyễn của Việt Nam là di sản tư liệu (thuộc “Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương). Một tư liệu của nhà vua độc nhất vô nhị như vậy mà được thế giới đánh giá cao và coi đó như là một di sản của nhân loại thì nó có giá trị lịch sử và giá trị pháp lý rất lớn.

Hay chúng ta cũng có loại tư liệu như Bộ Chính sử quốc gia của nhà Nguyễn là Bộ Đại Nam thực lục tiền biên và chính biên. Bộ này ghi lại rất nhiều về Hoàng Sa và Trường Sa từ thời các chúa Nguyễn cho tới thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… Đây là Bộ Chính sử do vua trực tiếp chỉ đạo cho Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, tức là bộ sử quốc gia. Sau khi biên soạn xong được nhà vua trực tiếp chỉ đạo cho việc khắc in, mà đã khắc in là ghi dấu vĩnh viễn và được lưu trữ lại ở Đà Lạt năm 2007. Bộ ván khắc sách Đại Nam thực lục như tôi vừa nói, trong đó có rất nhiều tư liệu nói về Hoàng Sa, Trường Sa cũng được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới, nó là di sản vô giá của dân tộc nhưng lại được thế giới thừa nhận là di sản có giá trị nổi bật toàn cầu. Đó là những tư liệu có cơ sở pháp lý rất cao và rất nhiều tài liệu khác nữa như tài liệu thư tịch, bản đồ của Việt Nam và những tài liệu này cũng thống nhất với các tài liệu khác.

Ngay cả Trung Quốc cũng có những tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam, đồng thời Trung Quốc cũng có các bản đồ, tài liệu nói là lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc chỉ đến cực nam của đảo Hải Nam, không vượt quá vĩ tuyến 18. Nó không chỉ thống nhất tuyệt đối với tư liệu của Việt Nam mà còn với tư liệu của phương Tây. Thậm chí, những bản đồ như bộ Atlas mới mang về bên Bỉ vẽ một cách chính xác là ranh giới của Trung Quốc chỉ đến vĩ tuyến 18. Còn dưới vĩ tuyến 18, bản đồ khẳng định Paracel thuộc về Cochin-China mà Cochin-China ấy thuộc một phần của đế chế An Nam, ghi rõ của đế chế An Nam.
Một sự bịa đặt trắng trợn

* Gần đây, Trung Quốc có đưa ra tài liệu từ năm 1974 rằng, Việt Nam có thừa nhận lãnh thổ Hoàng Sa-Trường Sa là của Trung Quốc, ông đánh giá như thế nào về tài liệu này? Và Việt Nam có những sử liệu gì để phản bác những luận điệu sai trái của Trung Quốc?

- Cái tài liệu mà Trung Quốc đưa ra thì ta phải nghiên cứu cho kỹ. Tôi có nhiều kinh nghiệm để làm việc với các tư liệu của Trung Quốc. Có những tài liệu nhiều khi họ chữa và ngụy tạo rất giỏi. Họ có truyền thống làm điều đó và bịa đặt ghê gớm.

Vào đầu thế kỷ thứ 20 đến những năm 20 của thế kỷ 20, Trung Quốc không hề có các tài liệu gì nói đến chủ quyền của họ ở Tây Sa, quần đảo này phát hiện từ thời kỳ nào. Khảo trong sử sách, tư liệu, bản đồ cổ cũng không thấy được. Thậm chí có những học giả có nhân cách đã lên tiếng như vậy. Thế nhưng giờ đây, họ có cả văn hiến các đảo Nam Hải với hàng trăm tập sách. Những người không nghiên cứu kỹ mà cứ nhìn vào đấy thì thấy kinh ngạc tại sao họ có nhiều tư liệu đến như vậy. Trung Quốc mới vẽ “đường lưỡi bò” nhưng họ nói đường đó đã có cách đây 2.000 năm, họ có chủ quyền cách đây 2.000 năm. Một sự bịa đặt đến kinh người, không thể tưởng tượng nổi. Như vậy, rất nhiều tư liệu mà họ đưa ra thì tôi đề nghị chúng ta cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng trước khi có phát biểu. Hiện nay, tôi chưa có điều kiện để nghiên cứu những tư liệu Trung Quốc vừa đưa ra nên tôi chưa thể đánh giá được.

* Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc vào thời điểm này, vậy ông đánh giá như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng, đây là thời điểm tốt để chúng ta kiện Trung Quốc. Theo tôi trong điều kiện hiện nay, kiện là một phương pháp hiệu quả và văn minh nhất. Việt Nam và Trung Quốc đã ký và thừa nhận Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Về mặt nguyên tắc, anh đã ký thì anh phải thực hiện. Còn nếu anh ký mà anh không thực hiện thì anh đang lừa dối thế giới. Cho nên tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh thế giới hiện nay, với tư cách là người làm sử thì tôi nghĩ đây là thời điểm thuận lợi. Còn tất nhiên là kiện thì chúng ta phải có một bộ hồ sơ thật hoàn chỉnh và theo những quy định của luật pháp quốc tế về Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982…

Trung Quốc có thể chấp nhận vụ kiện khi họ xem đó là vùng tranh chấp. Nhưng bây giờ họ cứ khăng khăng là chủ quyền của họ, thậm chí còn nói là chủ quyền không thể tranh cãi. Họ không thừa nhận có tranh chấp. Như ta thấy, họ hạ đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế của ta và thế giới lên án nhưng họ vẫn bảo là đất của họ. Do đó, chúng ta cần phải nói cho cả thế giới biết chúng ta có chủ quyền cách đây mấy trăm năm rồi. Có phải họ cứ nhắm mắt nói bừa là được đâu. Bây giờ họ cậy thế mạnh nhưng đến lúc nào đó cả thế giới lên tiếng vạch mặt họ. Nếu họ không ra tòa với chúng ta thì đó không phải là cách hành xử của nước văn minh. Rõ ràng đó là hành động cướp chiếm.

Tạo thêm nguồn lực cho cuộc đấu tranh chính nghĩa

* Ông đánh giá thế nào về việc Trung Quốc thông báo sẽ xây trường học, sân bay ở đảo Gạc Ma? Có ý kiến cho rằng, đó là cái bàn đạp để Trung Quốc có ý đồ xâm lược, độc chiếm Biển Đông?

- Tôi nghĩ điều đó là quá rõ, thể hiện qua việc gần đây họ tuyên bố là thành lập thành phố Tam Sa; rồi các hành động cắt cáp tàu Bình Minh của ta, hạ đặt giàn khoan trái phép vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và có cả quá trình lâu dài uy hiếp ngư dân Việt Nam. Tôi đi ra đảo Lý Sơn tôi biết, ngư dân mình bị cướp nhiều lắm. Họ đánh, đuổi, cướp dân mình ở ngư trường truyền thống của mình.

Chính người dân mình lặn sâu xuống 50m để bắt hải sâm nhưng đến lúc lên bờ thì bị cướp hết. Rồi gần đây là chuyện xây dựng sân bay và căn cứ quân sự ở Gạc Ma, Đá Chữ Thập và khu vực xung quanh quần đảo Trường Sa của chúng ta. Chỗ đó là vào năm 1988, họ đã dùng vũ lực để cướp chiếm của chúng ta. Bao nhiêu chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh ở đó. Có thể nói, đây là một bước cực kỳ nguy hiểm và rõ ràng họ chiếm chỗ này thì sẽ khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông. Và rõ ràng, họ sẽ làm bàn đạp để tiến chiếm toàn bộ khu vực này, thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông và hiện thực hóa “đường lưỡi bò”, biến khu vực Biển Đông thành cái ao riêng của họ thì cực kỳ nguy hiểm.

* Ông có nhắn nhủ gì với thế hệ mai sau khi sự nghiệp đòi lại Hoàng Sa đã kéo dài hơn 40 năm?

- Với tư cách là người làm sử, chúng tôi viết lại lịch sử chủ quyền. Chúng tôi đưa tất cả những điều đó vào trong bộ sử của đất nước, rồi trong sách giáo khoa, trong các bài giảng, trên báo chí… để cho người dân không chỉ trong nước mà trên cả thế giới hiểu được lịch sử chủ quyền của Việt Nam, hiểu được cái chính nghĩa của Việt Nam. Và trên cơ sở đó, chúng ta có thể khai thác, tạo thêm các nguồn lực cho cuộc đấu tranh này. Về trách nhiệm của chúng tôi là như vậy, còn những người khác sẽ có trách nhiệm khác và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm thì chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được.

ĐOÀN LƯƠNG thực hiện

;
.
.
.
.
.