.

Nâng cao chất lượng, tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách

.

Sáng ngày 3-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Phát biểu thảo luận, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể tiêu chuẩn, vị trí, vai trò của ĐBQH tại Điều 39 nhằm phát huy chất lượng hoạt động của ĐBQH, QH.

ĐB đề nghị về tiêu chuẩn ĐBQH phải có năng lực thật sự, không nên cơ cấu cho đủ thành phần, vào QH chất lượng kém, một số ĐBQH ít phát biểu, cử tri có ý kiến; cần mạnh dạn thay đổi cách thức cơ cấu để ĐBQH thực sự là người đại diện cho nhân dân. ĐB đề nghị quy định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách từ 40 - 50%, nhằm tiến đến chuyên nghiệp trong hoạt động của QH; đồng thời phải lựa chọn ĐBQH chuyên trách có năng lực thật sự thì mới đảm đương được công tác xây dựng pháp luật của QH.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) đề nghị, do nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên nên ở mỗi Đoàn ĐBQH cần có ít nhất 7 ĐBQH. Cần quy định nâng tầm vai trò, trách nhiệm của ĐBQH và Đoàn ĐBQH. Theo ĐB, việc nâng các Ban trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên là hoàn toàn đúng, nhưng nâng Ban lên trực thuộc QH chứ không nâng lên thành Ủy ban của QH do chức năng, nhiệm vụ và tính chất hoạt động của Ban và Ủy ban là hoàn toàn khác nhau.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhất trí quy định số lượng ĐBQH không quá 500 người; nhưng như vậy sẽ làm cho quy định về việc bầu bổ sung ĐBQH mang tính tùy nghi. Nếu dự thảo quy định số lượng ĐBQH đúng 500 người thì quy định về bầu cử bổ sung mới thật sự có ý nghĩa.

Do đó, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này cho hợp lý. ĐB cho rằng, dự thảo luật có bổ sung một số quy định về điều kiện bảo đảm cho hoạt động của ĐBQH như hỗ trợ kinh phí thuê chuyên gia, bố trí thư ký giúp việc… nhưng các quy định này còn rất chung chung, chưa cụ thể về thủ tục, cơ chế bảo đảm để được thực thi trên thực tế. Ngoài ra, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu để bổ sung thêm một số chế độ khác cho ĐBQH như chi phí đi lại, thông tin liên lạc, nhà công vụ, chế độ học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn… để các ĐBQH có điều kiện cống hiến thêm cho đất nước.

Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ Trần Thanh Mẫn bày tỏ nhất trí với ý kiến của ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), cần cơ cấu ĐBQH sao cho thực chất, tránh việc cơ cấu đủ thành phần vào QH nhưng đóng góp cho địa phương, cho QH còn hạn chế. Nhiệm kỳ này có đến gần 50% số dự án luật là sửa đổi bổ sung, có nguyên nhân do cơ cấu chất lượng ĐBQH; các bộ, ngành trình dự án luật chưa bảo đảm phù hợp với thực tế. ĐB đề nghị luật cần quy định tỷ lệ 50% ĐBQH chuyên trách, chủ yếu tham gia xây dựng pháp luật cho đất nước, vì hiện nay không có QH nước nào họp nhiều như Việt Nam, về cơ cấu không nhất thiết chỗ nào các thành phần cũng có.

Tại thảo luận ở tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cùng nhiều ĐBQH nhất trí kiến nghị tách Văn phòng Đoàn ĐBQH ra khỏi Văn phòng Hội đồng nhân dân; có như vậy mới bảo đảm tính độc lập, tạo điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH.  

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.