.

Ấm áp bữa cơm gia đình

.

Ngày nay, khi mọi người tất bật với công việc mưu sinh thì bữa cơm gia đình ngày càng thưa vắng. Nhưng bữa cơm gia đình vẫn sẽ luôn ấm áp, hạnh phúc nếu mỗi thành viên trong gia đình có ý thức tạo dựng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Bữa cơm gia đình sẽ luôn ấm áp nếu biết tạo dựng đúng cách. (Ảnh mang tính minh họa)
Bữa cơm gia đình sẽ luôn ấm áp nếu biết tạo dựng đúng cách. (Ảnh mang tính minh họa)

Không còn thời cơm ngày 3 bữa

Nghe chị H. (nhân viên kế toán một ngân hàng) kể về mẹ chồng của mình, mọi người trong cơ quan ai cũng tấm tắc khen, vì thời nay còn được mấy người tự tay nấu ngày 3 bữa, từ điểm tâm sáng đến bữa trưa và bữa tối, chăm lo từng chút cho cả gia đình. Điều đặc biệt là các thành viên trong nhà bận bịu lắm mới dám bỏ bữa vì ai cũng tiếc công sức của người nấu.

Nhưng với phần lớn những người phụ nữ bận rộn công việc ngoài xã hội, buôn bán mưu sinh, dù muốn lo toan cơm nước thì cũng đành chịu, nhất là những gia đình ở thành thị. Chị Phượng (tiểu thương chợ Đống Đa) tâm sự trước đây, dù bận rộn đến mấy, các thành viên trong gia đình chị cũng cố gắng gặp nhau vào bữa ăn trưa và tối. Nhưng hiện nay, một bữa ăn tối có đủ mặt cả nhà không còn là điều dễ dàng nữa, vì chiều tối chị về thì các con đi học thêm, chồng đi nhậu…

Trường hợp tương tự, chị T. (chuyên viên truyền thông) và chồng đều là những người trẻ tuổi; điều họ quan tâm lúc này là kiếm tiền, tạo dựng sự nghiệp, vun đắp cho cuộc sống gia đình đầy đủ chứ không quá chú trọng đến bữa ăn. Sau giờ làm, lại có những cuộc gặp mặt xã giao nên vợ chồng ít ăn cơm cùng nhau. Mọi công việc trong nhà đều giao cho người giúp việc.

Sẽ luôn ấm áp nếu biết tạo dựng đúng cách

Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam năm 2014, Sở VH-TT&DL tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: treo băng-rôn, phối hợp với Hội LHPN tổ chức Ngày hội gia đình, vận động các gia đình trên toàn thành phố cùng tổ chức bữa cơm gia đình vào ngày 28-6.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN thành phố cho biết, thời gian gần đây, ở các đô thị, điều kiện kinh tế và đời sống có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Mức sống của người dân được nâng lên nhưng quỹ thời gian của mỗi người lại ngày một eo hẹp dần. Khi đó, nhiều người không còn thời gian dùng cơm với gia đình vì quá bận: người lớn bận làm việc kiếm tiền, con cái bận đi học.

“Nhưng đừng vì thế mà bỏ quên bữa ăn gia đình, chúng ta nên dành thời gian để tổ chức bữa ăn gia đình một cách hợp lý. Không nhất thiết phải ngày 3 bữa như truyền thống, mà chúng ta nên dành thời gian cho nhau vào bữa ăn sáng chẳng hạn; hay cuối tuần nấu một bữa cơm đầy đủ hoặc chọn một quán ăn nào đó cùng ngồi với nhau tùy điều kiện từng gia đình. Quan trọng nhất là văn hóa trong bữa ăn phải như thế nào. Nên trò chuyện với nhau về những chủ đề nhẹ nhàng, không nên khơi gợi hay bàn luận những gì có thể đưa đến mâu thuẫn, tranh cãi trong các thành viên.

Cũng không nên trách mắng hay dạy dỗ con cái trong bữa ăn, vì khi ăn ai cũng cần thoải mái và vui vẻ. Không nên tận dụng bữa gặp mặt hiếm hoi của cả nhà để bàn luận những việc có tính chất quan trọng... Trên cơ sở đó, bữa cơm gia đình sẽ mang không khí ấm cúng, hạnh phúc. Một điều quan trọng nữa là để bữa ăn ấm áp, gắn kết thật sự thì các thành viên cùng vào bếp, mỗi người làm một việc (vợ nấu ăn, chồng lặt rau, con dọn chén…) và có ý thức hướng về bữa ăn. Cuối cùng là bữa ăn phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho các thành viên trong gia đình”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nói thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng phòng Nếp sống văn minh gia đình, Sở VH-TT&DL, bữa cơm gia đình không chỉ thỏa mãn nhu cầu vật chất của mỗi người mà còn mang giá trị văn hóa to lớn, chứa đựng tình thương yêu và mang chức năng gắn kết mọi thành viên trong gia đình lại với nhau. Cả ngày chỉ đến buổi tối cả gia đình mới lại gặp nhau ở bữa ăn, chuyện trò hàn huyên, thông tin cho nhau về những sự kiện diễn ra trong ngày. Khi ăn cùng nhau, chia sẻ tâm tư tình cảm, dành cho nhau sự quan tâm như nhường món ăn ngon hay gắp thức ăn cho nhau.

Vì vậy, cần thiết phải duy trì bữa cơm gia đình, tùy điều kiện mỗi gia đình mà có sự sắp xếp hợp lý. Bữa cơm gia đình góp phần tạo nên hạnh phúc gia đình, nắm bắt tâm lý con cái, tìm cách thức giáo dục con cái phù hợp. Từ đó xây dựng nền tảng gia đình hạnh phúc, góp phần vào sự ổn định của cộng đồng dân cư, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.