.

Chủ nhà trả tiền BHXH, BHYT cho người giúp việc: Liệu có khả thi?

.

(ĐNĐT) - Nghị định 27 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi tiết về một số điều của bộ Luật Lao động liên quan đến người giúp việc gia đình sẽ có hiệu lực từ ngày 25-5-2014. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng người giúp việc (NGV) lại băn khoăn nghị định này quá ưu ái NGV và có nhiều điều không khả thi.

Chủ nhà băn khoăn

Có con nhỏ dưới 2 tuổi nên gia đình chị Xuân Diệu, (phường Nam Dương, quận Hải Châu) phải thuê NGV. Công việc chính của NGV trong gia đình chị là giữ em, cho em ăn, tắm rửa cho em và một số việc vặt khác. Hiện tại gia đình chị đang trả lương cho NGV là 2,5 triệu đồng một tháng. Mức lương này là theo thỏa thuận giữa 2 bên. Chị Diệu cho biết, tuy thấp hơn mức tối thiểu vùng 1 một chút nhưng theo chị như thế là hợp lý vì gia đình chị bao tất cả mọi chi phí sinh hoạt, ăn ở thường ngày. Ngoài ra còn các khoản phát sinh như thuốc men lúc ốm đau, tiền tàu xe khi NGV đi về quê, tiền lễ tết… nên nếu phải trả thêm tiền BHXH, BHYT thì chị phải cân nhắc tính toán giảm các chi phí khác dành cho NGV, như thế lại rạch ròi và tạo khoảng cách giữa chủ nhà và NGV.

Cũng băn khoăn về việc trả thêm tiền BHXH, BHYT cho NGV, anh Lê Hóa (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho rằng, đa số NGV là những người có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người ít học từ quê lên phố mong kiếm được đồng tiền để trang trải cuộc sống thường ngày nên nếu chủ nhà có trả thêm tiền để họ tự tham gia BHYT, BHXH cũng khó, có khi họ lại dùng hết cho mọi sinh hoạt thường ngày. “Chưa có quy định ai giám sát, theo dõi việc này nên tôi thấy khó khả thi” – anh Hóa nhấn mạnh.

Ngay bản thân người giúp việc khi được hỏi về vấn đề này, nhiều người cũng không rõ, thậm chí họ còn không hiểu đóng BHXH để làm gì. Có thâm niên đi giúp việc gia đình nhiều năm, bà Trần Thị Năm (60 tuổi, quê Quảng Nam) cho biết “Trước giờ cứ ai giới thiệu thì làm thôi. Chủ nhà trả công hợp lý và ưng ý với công việc mình thì ở lâu, không hợp thì lại chuyển sang giúp cho nhà khác. Tôi không biết chữ nên có hợp đồng gì đâu, cũng chả biết BHXH là cái gì, cứ theo thỏa thuận miệng mà làm. Chỉ cần chủ nhà quan tâm, vui vẻ, không coi chúng tôi như con ở là được.”

Hướng tới là một nghề, người giúp việc cũng cần phải có những kỹ năng cơ bản thông qua các lớp học ngắn hạn (Trong hình: Một chứng chỉ sơ cấp dành cho khóa học Dịch vụ chăm sóc gia đình do Trung tâm Dịch vụ việc làm Phụ nữ Đà Nẵng cấp )
Hướng tới là một nghề, người giúp việc cũng cần phải có những kỹ năng cơ bản thông qua các lớp học ngắn hạn (Trong hình: Một chứng chỉ sơ cấp dành cho khóa học Dịch vụ chăm sóc gia đình do Trung tâm Dịch vụ việc làm Phụ nữ Đà Nẵng cấp)

Cần có hướng dẫn cụ thể

Theo bà Nguyễn Thị Hiền Mai, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Phụ nữ Đà Nẵng (thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng), Nghị định ra đời là bước ngoặt lớn nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như công nhận giúp việc gia đình là một nghề và đã là một nghề thì người làm nghề phải có chuyên môn, nghiệp vụ. Nhưng thực tế, nhiều quy định tại Nghị định còn chung chung, không chỉ làm khó cho người sử dụng lao động mà còn khiến cơ quan quản lý gặp lúng túng, như chủ nhà phải ký hợp đồng với người lao động và thông báo với chính quyền sở tại, nếu không ký kết hợp đồng bằng văn bản sẽ bị phạt hành chính. Trong khi đó, Nghị định lại không nêu rõ ai là người kiểm tra, giám sát nên rất khó có thể kiểm soát và đưa quy định này vào thực tiễn.

Bà Hiền Mai cũng nhấn mạnh, nếu làm được thì quá tốt nhưng rất khó khả thi vì giúp việc gia đình là một nghề đặc thù, mối quan hệ giữa người sử dụng NGV và NGV rất đặc biệt vì họ không chỉ tiếp xúc trong 8 tiếng làm việc mà có thể cùng ở cùng ăn hàng ngày nên các quy định trong luật cần có sự hiểu biết và xét đến tính nhân văn giữa hai bên.

Hiện nay, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ Đà Nẵng có giới thiệu việc làm cho những người có nhu cầu đi làm NGV, nhưng đa phần các gia đình trực tiếp phỏng vấn NGV và xem xét có lựa chọn NGV đó hay không. Trong 2 năm 2012, 2013, Trung tâm đã giới thiệu cho 246 người đi giúp việc gia đình. Tuy nhiên, cũng chỉ dừng ở phạm vi môi giới cho 2 bên.

Từ năm 2012, Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ Đà Nẵng đã có lớp Dịch vụ chăm sóc gia đình dành cho NGV. Tại khóa học này, chị em được học các kỹ năng như: Tâm lý các thành viên trong gia đình, kỹ năng sơ cứu các bệnh thông thường cho người già và trẻ, quy trình dọn dẹp vệ sinh, kỹ năng là quần áo, kỹ năng sử dụng các thiết bị điện trong gia đình, kiến thức dinh dưỡng bữa ăn gia đình, kỹ năng pha chế đồ uống, cắm hoa, đạo đức nghề nghiệp…Đây là lớp học miễn phí của Hội Liên hiệp phụ nữ dành cho các hội viên nhằm tạo việc làm cho những hộ nghèo, những hộ di dời giải tỏa. Kết thúc khóa học, học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề.

Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Hiền Mai, tâm lý những người đi giúp việc gia đình họ không muốn học vì họ cho rằng hồi nào tới giờ họ không học vẫn làm được việc. Thời gian đi học họ đi làm lại có thêm tiền. Do đó, để hướng tới là một nghề thì NGV phải có được các kỹ năng cơ bản, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng NGV, có như vậy thì việc trả thêm tiền BHXH, BHYT mới khả thi, đồng thời cũng cần có thêm hướng dẫn cụ thể của các đơn vị quản lý để việc này dễ thực hiện.   

Nghị định 27 của Chính phủ ra đời là bước tiến lớn nhằm đảm bảo quyền lợi cho NGV, tránh được những rủi ro. Song nếu không có các chế tài cụ thể, cơ chế giám sát thì khó đi vào thực tiễn.

Nhật Hạ

Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định:

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng theo 4 mức: vùng 1 là 2,7 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 2,1 triệu đồng/tháng; vùng 4 là 1,9 triệu đồng/tháng.

Mức lương: Mức tiền lương do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hàng tháng của người lao động nhưng không vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng lao động.

Bảo hiểm: Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT để người lao động tự lo bảo hiểm.

 

;
.
.
.
.
.