.

Thành phố không vỉa hè?

.

Việc chiếm dụng vỉa hè là tình trạng chung ở hầu hết các tỉnh, thành phố, tuy nhiên là một “thành phố hấp dẫn và sống tốt”, thiết nghĩ Đà Nẵng phải có cách xử lý để không “đẩy” người đi bộ xuống lòng đường.

Lề đường là tài sản chung của cả xã hội chứ không phải của những căn nhà mặt tiền hay cửa hàng buôn bán. Mục đích của vỉa hè là nhằm bảo đảm an toàn cho người đi bộ khi tham gia giao thông chứ không phải là nơi sinh lãi cho một số cá nhân. Vỉa hè là nơi thể hiện tính thượng tôn pháp luật và biểu hiện văn minh của một đô thị.

Vỉa hè trên đường Hải Phòng được sử dụng vào mục đích giữ xe và bán cà-phê.
Vỉa hè trên đường Hải Phòng được sử dụng vào mục đích giữ xe và bán cà-phê.

“Nuốt trọn” vỉa hè

Rất nhiều tuyến đường của Đà Nẵng như Phạm Văn Đồng, Trần Phú, Bạch Đằng, Lê Duẩn, Hùng Vương, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm, Triệu Nữ Vương… đang được bao quanh bởi hàng loạt các quán cà-phê, quán nhậu, cửa hàng buôn bán... và vỉa hè ở đây thì thực sự đã bị các hàng quán “nuốt trọn”. Tại các quán cà-phê, bàn ghế xếp lớp, nhất loạt quay ra mặt đường đều đặn như... lớp học và chiếm đến 1/2 lề đường, diện tích còn lại được sử dụng cho việc đậu, đỗ xe máy. Một chủ quán cà-phê trên đường Phạm Văn Đồng cho biết: “Nhu cầu buôn bán kinh doanh rất lớn trong khi diện tích quán có hạn khiến việc để xe ra vỉa hè là... đương nhiên”.

Chủ quán này cũng chia sẻ những “khó khăn, vất vả” khi bị lực lượng Công an phường, trật tự đô thị truy quét nhằm thực hiện mục tiêu “đường thông hè thoáng”. Tuy nhiên, theo chị: “Những đợt truy quét này không nhiều và họ cũng chỉ tịch thu được bàn ghế nhựa - những vật dụng không quá đắt tiền. Sau khi lực lượng chức năng đi qua thì đâu lại vào đấy bởi khách thích ngồi trên vỉa hè thoáng mát. Tôi chấp nhận mất vài chiếc bàn, ghế cho lực lượng chức năng còn hơn là lỗ do không tận dụng vỉa hè để mở rộng phạm vi buôn bán và làm vừa lòng khách”. Cũng theo khẳng định của nhiều chủ quán, tất cả những người đi bộ đều chấp nhận bước xuống lòng đường chứ không đủ kiên nhẫn để lách mình giữa “ma trận” bàn ghế, xe máy, vật liệu xây dựng… đang tràn ra trên vỉa hè.

Tại đoạn đường Hải Phòng - Lê Lợi (phía Trường THPT Phan Châu Trinh), vỉa hè thậm chí còn được căng dây đánh dấu lãnh thổ làm nơi giữ xe, bán cà-phê hay bán đồ ăn vặt. Tại những đoạn đường này, người đi bộ chỉ có một lựa chọn duy nhất là phó mặc sự an toàn của mình để nhường vỉa hè cho người kinh doanh bằng cách hòa mình xuống dòng xe máy, ô-tô. Tại tuyến đường Triệu Nữ Vương, khu vực được mệnh danh là chợ đêm của Đà Nẵng, không chỉ vỉa hè mà cả lòng đường đều bị các chủ hàng lấn chiếm. Người mua, người bán đi lại giữa các “núi” quần áo được đổ đống xuống vỉa hè, lòng đường mà không ai bận tâm đến an toàn giao thông và cả sự nhếch nhác trên con đường trung tâm thành phố.

Giải pháp khắc phục

Để từng bước khắc phục tình trạng trên, thành phố chọn quận Hải Châu - quận trung tâm, có nhiều tuyến đường đẹp, thu hút nhiều khách du lịch - để thí điểm triển khai kế hoạch tổng ra quân sắp xếp lập lại trật tự vỉa hè vào ngày 1-4-2014.

Theo đó, UBND quận Hải Châu sẽ tiến hành rà soát, thống kê số lượng hộ kinh doanh trên toàn địa bàn. Đối với các tuyến đường được cấp phép tạm sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông để kinh doanh buôn bán phải bố trí phù hợp với mỹ quan, văn minh đô thị và đảm bảo đường đi cho người đi bộ. Đối với các tuyến đường cấm sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh buôn bán: Bạch Đằng, Trần Phú, Hùng Vương, 2 tháng 9, Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn và Nguyễn Văn Linh, lực lượng Quản lý đô thị quận, phường phải thường xuyên giải thích, vận động nhân dân tại các hộ kinh doanh mặt tiền chấm dứt tình trạng buôn bán tràn ra vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè làm nơi trông giữ xe, đặt bảng quảng cáo, buôn bán hàng rong, nếu cần thiết sẽ có biện pháp tịch thu, cưỡng chế nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ và mỹ quan đô thị.

Theo Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là câu chuyện muôn thuở, đòi hỏi công tác tuyên truyền phổ biến phải được cơ quan chức năng thực hiện bền bỉ, kiên trì, phải gắn tinh thần trách nhiệm để người dân hiểu được lòng đường và vỉa hè chỉ có thể phục vụ cho mục đích giao thông. Nếu không tuân thủ nguyên tắc này sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa nhu cầu xã hội và công tác bảo đảm an toàn giao thông. “Không thể để lợi ích của một bộ phận nhỏ các cá thể kinh doanh làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng, phá vỡ văn minh đô thị”, ông Lê Anh khẳng định.

Hưởng ứng phong trào chung của thành phố, ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chánh văn phòng UBND quận Sơn Trà cho biết, trong tuần đến, lãnh đạo quận Sơn Trà cũng sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giúp người dân kinh doanh trên các tuyến đường hiểu được ý nghĩa rõ ràng của quy luật “lề đường dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho xe cộ lưu thông”. Việc chen chân với các phương tiện giao thông dưới lòng đường bất chấp tính mạng bị rình rập là điều bất công đối với người đi bộ, từ đó khắc phục tình trạng nhân viên môi trường, lực lượng trật tự đô thị, Công an phường dọn dẹp nơi này nhưng người dân lại bày bán nơi khác, vòng quay đuổi, tạm giữ, tịch thu diễn ra hằng ngày nhưng không giải quyết dứt điểm được tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

Vỉa hè không chỉ là nơi trông giữ xe, đặt để các cây xăng lưu động, bàn ghế buôn bán mà đây còn là nơi để các hàng quán cạnh tranh nhau bằng những bảng hiệu đèn. Không có quy chuẩn về kích thước, dường như các hàng quán đều cố gắng để làm sao bảng hiệu đèn nằm cắt ngang vỉa hè của quán mình phải to hơn, sáng hơn bảng hiệu của quán khác. “Những bảng quảng cáo đủ màu sắc, đủ kích thước và cùng cố gắng vươn ra lòng đường nhằm thu hút sự chú ý của người đang tham gia giao thông. Điều này khiến vỉa hè đã hẹp nay lại hẹp hơn”, ông Arthur Labelle, một khách du lịch Mỹ phản ánh.

Bài và ảnh: MAI TRANG

;
.
.
.
.
.