.
CÔNG VĂN PHẢN HỒI CỦA CỤC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Vẫn đặt lợi ích của thủy điện lên trên

.

Đó là khẳng định của ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng đối với công văn phản hồi của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về một số nội dung liên quan đến dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa hằng năm của hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2.

Chi thêm 31 tỷ đồng để xây dựng đập tràn điều tiết nước sông Vu Gia nhưng cũng không đủ đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ vì thiếu nước.
Chi thêm 31 tỷ đồng để xây dựng đập tràn điều tiết nước sông Vu Gia nhưng cũng không đủ đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ vì thiếu nước.

Theo ông Thắng, thành phố Đà Nẵng đã rất chia sẻ với lợi ích kinh tế quốc gia nói chung và Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Đăk Mi 4 nói riêng; nhưng ngược lại, NMTĐ Đăk Mi 4 cũng phải chia sẻ với người dân hạ du một cách hợp tình, hợp lý. Với việc chọn cao trình mực nước khống chế 2,8m tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa và quy trình xả nước về sông Vu Gia theo đề nghị của thành phố Đà Nẵng thì trung bình hằng năm, NMTĐ Đăk Mi 4 cũng chỉ trả lại sông Vu Gia 452,8 triệu m3 nước, chỉ chiếm 38% so với tổng lượng nước mà NMTĐ Đăk Mi này đã lấy đi trong mùa cạn của sông Vu Gia (1,2 tỷ m3 nước). Tổng lượng nước xả về này chỉ mới tạm đủ nhu cầu sử dụng nước cho khu vực phía Bắc sông Vu Gia (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) và thành phố Đà Nẵng, đã thể hiện tinh thần rất chia sẻ lợi ích của người dân hạ du đối với lợi ích kinh tế của NMTĐ Đăk Mi 4.

Mặt khác, bản chất nhiệm vụ của thủy điện là không phát điện làm kinh tế vào mùa khô, vì mùa khô rất ít nước, hiệu quả kinh tế không có. Hơn nữa, mùa khô ở khu vực miền Trung là mùa mưa ở phía Bắc và Tây Nguyên, nên nước ở 2 khu vực này dồi dào nên để các NMTĐ ở đó phát điện. Còn vào mùa mưa, NMTĐ Đăk Mi 4 xả nước phát điện liên tục, cho hiệu quả kinh tế cao.

Hạ du chỉ xin 1/3 tổng lượng nước trong mùa khô thôi (38%), còn NMTĐ cứ giữ 2/3 lượng nước để phát điện, vậy mà cũng làm khó khăn. “Rất kỳ quặc là tại công văn phản hồi, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, NMTĐ Đăk Mi 4 bị thiệt hại do xả nước về sông Vu Gia trong mùa cạn từ 55-144,6 triệu kWh. Người bị thiệt hại chính là người dân hạ du mới đúng, không phải là NMTĐ Đăk Mi 4. Việc dự thảo quy trình vận hành chọn mực nước khống chế 2,53m đồng nghĩa với việc NMTĐ Đăk Mi 4 không xả nước về hạ du sông Vu Gia bao nhiêu hết, bất chấp hạ du thiếu nước. Rõ ràng, dự thảo quy trình vận hành này vẫn chỉ vì lợi ích kinh tế của NMTĐ, chỉ đặt lợi ích kinh tế của NMTĐ trên hết, bất chấp lợi ích của gần 1,7 triệu người dân sống ở hạ du sông Vu Gia và đi ngược lại ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là yêu cầu phải đặt lợi ích hạ du lên trên tất cả trong việc lập quy trình vận hành hồ chứa nước. Dự thảo quy trình vận hành đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước”, ông Thắng nói.

GS,TS Nguyễn Thế Hùng, Khoa Xây dựng thủy lợi - thủy điện, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng):

Trả nước về sông Vu Gia đúng với dòng chảy tự nhiên

NMTĐ Đăk Mi 4 đã chuyển nước sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện thì phải trả, điều tiết nước sông Vu Gia giống như điều kiện tự nhiên, đó là quy tắc bất thành văn. Vì hiện tượng thủy văn có tính chất ngẫu nhiên, nên việc điều tiết nước sông Vu Gia phải xuất phát từ lập luận ban đầu ấy, nghĩa là đã lấy nước sông Vu Gia thì phải trả nước về lại sông Vu Gia đúng với điều kiện tự nhiên.

Dự thảo quy trình vận hành chọn mực nước khống chế 2,53m tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa làm cơ sở vận hành xả nước về sông Vu Gia lại càng không đúng. Vì nếu một năm nào đó đại hạn, liệu rằng hồ chứa NMTĐ Đăk Mi 4 có nước để mà xả?

Theo tôi, hằng năm, sau mùa mưa lũ, các bên liên quan ngồi lại với nhau xác định dòng chảy tự nhiên, trữ lượng nước đã tích được trong mùa mưa lũ và nhu cầu nước cụ thể của hạ du rồi thống nhất phương án xả nước điều tiết nước sông Vu Gia, chống hạn… Với cách tiếp cận vấn đề theo hướng này, gặp những năm mưa thuận gió hòa, Đà Nẵng gửi công văn yêu cầu NMTĐ xả nước về hạ du đủ nhu cầu, lượng nước còn lại thì NMTĐ sử dụng phát điện. Còn những năm kiệt nước thì NMTĐ Đăk Mi 4 phải trả về sông Vu Gia với lưu lượng đúng dòng chảy tự nhiên, không được tham lam giữ nước của người dân hạ du mà phát điện để lấy tiền. Nếu không xả nước về sông Vu Gia thì phải đền bù thiệt hại cho người dân hạ du đối với lượng nước mà NMTĐ Đăk Mi 4 đang giữ. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương và người dân phải biết bảo vệ rừng, trồng và phát triển rừng để duy trì mực nước ngầm, ngăn dòng chảy nước lũ, làm trong lành môi trường sinh thái…

TS Võ Văn Minh, Trưởng khoa Sinh - Môi trường, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng):

Thủy điện giữ nước phá vỡ hệ sinh thái cửa sông

Các NMTĐ không có chức năng điều tiết lũ vào mùa mưa và cứ khư khư giữ lấy nước vào mùa cạn để phát điện, nhất là NMTĐ Đăk Mi 4 lấy nước sông Vu Gia phát điện mà không trả nước về sông Vu Gia đã khiến hạ du khô hạn, các vùng cửa sông nhiễm mặn gần như thường xuyên và mặn xâm nhập vào sâu hơn, ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt. Đất đai ở các vùng trồng rau, trồng lúa ven sông càng ngày càng bị nhiễm mặn, suy thoái và rất khó cải tạo để canh tác, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học ở vùng cửa sông vốn rất độc đáo, phức tạp và giàu có. Độ mặn càng tăng và nhiễm mặn dài ngày sẽ phá vỡ chức năng hệ sinh thái nước lợ, nơi mà nhiều sinh vật nước ngọt lẫn nước mặn ưa thích sinh sản và tác động, biến đổi hệ sinh thái nước ngọt bên trong.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.