.

Con vẫn thấy Bác về

.

Đôi bàn tay run run gầy gò của bà khẽ lật từng tấm ảnh kỷ niệm về Bác Hồ. Và cứ vào dịp Quốc khánh 2-9, bà lại thắp lên bàn thờ một nén hương để như thấy Bác về.

Bà Cúc vẫn nâng niu tấm ảnh cũ về Bác do anh trai tặng đã hơn  50 năm nay.
Bà Cúc vẫn nâng niu tấm ảnh cũ về Bác do anh trai tặng đã hơn 50 năm nay.

Bà là Trần Thị Kim Cúc (77 tuổi, ở 149 Thanh Long, quận Hải Châu), thương binh 1/4, một trong những nữ biệt động gan dạ, từng vinh dự được nhiều lần gặp Bác Hồ.

Ngày ấy, mới hơn 10 tuổi, cô bé Cúc đã chứng kiến những loạt đạn của giặc rền vang khắp thôn xóm. Máu đổ khắp nơi. Tiếng khóc của những người dân vô tội ám ảnh cô bé ngay trong từng giấc ngủ. Cha và anh trai cô đã lên đường chiến đấu để chấm dứt những cảnh đau lòng ấy, lòng cô bắt đầu nung nấu một khát khao. Và khát khao đó đã lớn dần theo bước chân liên lạc của cô bé trong những lần cùng mẹ giúp đỡ, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Anh trai hy sinh, cha cũng bị địch tra tấn và qua đời sau đó.

14 tuổi, Cúc quyết tâm tham gia cách mạng để thực hiện khát khao, mơ ước đất nước sạch bóng quân thù. Xinh đẹp, khôn khéo nên nhiều lần Cúc cùng đồng đội thoát khỏi nguy hiểm và lập nhiều chiến công. Cô gái bé nhỏ còn vận động được khá nhiều binh lính ngụy quay về với cách mạng.

Đã không ít lần Cúc bị sa vào tay địch. Chúng đánh Cúc bằng chày sắt đến hộc máu mũi, máu miệng rồi vứt vào hầm tối, đổ xà phòng vào miệng… Đau đớn nhất là lần Cúc bị kẻ thù đập vỡ bóng đèn neon rồi nhét vào “cửa mình” để bắt phải khai nhận. Thấy không lay chuyển được cô gái gan dạ, chúng dùng đến “chiêu” cuối cùng: dùng một cây đinh trắng dài, nhọn đóng đinh vào giữa đỉnh đầu Cúc. Và Cúc chết lịm đi… Vết thương đó gây ra những cơn động kinh kéo dài dai dẳng mà bà phải chịu đựng cho đến bây giờ.

Ra tù, bà Cúc được tổ chức bí mật đưa ra Bắc chữa bệnh và vinh dự được nhiều lần gặp Bác Hồ. Nhắc đến Bác, khuôn mặt bà bừng sáng, quên cả những vết thương đang âm ỉ đau nhức. “Lần đó là vào buổi tối 19-5, khi tôi đang điều trị tại Bệnh viện Việt - Xô thì nhận được thông báo có người ở Phủ Chủ tịch đến thăm. Trước mặt tôi là một ông già râu tóc bạc, nét mặt đôn hậu, mặc bộ bà ba màu nâu sẫm, chân đi dép cao su. Tôi reo lên với một chị nằm cạnh: Đúng là Bác rồi chị ơi”, bà Cúc nhớ lại.

Nghe báo cáo về tình hình vết thương của Cúc, mắt Bác ngấn lệ. Đặt tay lên đầu cô gái nhỏ, Bác lo lắng hỏi: “Đau như thế này cháu có ngủ được không? Có ăn được không?”. Cúc thưa với Bác: “Dạ, con ăn, ngủ được ạ”. Bác quay sang dặn anh Bình, Chủ nhiệm khoa A1 phải theo dõi việc ăn uống của các cháu, phải thường xuyên đổi món để các cháu vừa miệng…

Ngoài lần đó, bà Cúc và một đồng chí còn vinh dự được đón vào Phủ Chủ tịch cùng ăn cơm với Bác và chú Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng - PV). Rồi biết bệnh tình của Cúc không thuyên giảm, Bác quyết định đưa bà và một nữ đồng chí khác sang Trung Quốc chữa trị, dặn dò hai chị em cố gắng học tiếng nước bạn, để nếu có gặp nhà báo thì kể cho họ nghe về tội ác của Mỹ và ý chí kiên cường của đồng bào ta.

Sau gần 2 năm, các vết thương được chữa lành, trở về Hà Nội, bà Cúc được đón vào Phủ Chủ tịch thăm Bác. Hình ảnh Bác đứng sẵn bên hàng chè tàu dang rộng vòng tay như chờ đón một người cháu gái đi xa trở về khiến bà Cúc nhớ mãi đến bây giờ. “Tôi xúc động quá nên bật khóc vì thấy chỉ 2 năm mà Bác yếu nhiều, đi phải chống gậy. Bác cười trìu mến nói với tôi: “Về nước gặp Bác thì vui chứ sao lại khóc. Nghe mấy anh báo về cháu vẫn còn bị lên cơn động kinh, nay thấy cháu khỏe là tốt rồi”. Thì ra, dù bận nhiều việc Bác vẫn luôn theo dõi tình hình sức khỏe của tôi”, bà Cúc nhớ lại.

Khi Bác hỏi nguyện vọng bây giờ, bà Cúc xin được vào chiến trường nhưng Bác không đồng ý, bà liền xin đi học. Bác không nói gì, nhịp nhịp tay hát một bài hát vui bằng tiếng Quảng Đông (Trung Quốc) rồi nói Cúc dịch. Thấy Cúc dịch trôi chảy, Người vui lắm, rồi thủng thẳng nói: “Có chí là ở đâu cũng học được, cháu ạ. Sức khỏe cháu còn yếu, sau này đến lớp học cũng chưa muộn”. Bà Cúc bảo, lời Bác nhẹ nhàng mà thấm thía vô cùng.

Lần cuối cùng bà Cúc được chú Vũ Kỳ, Thư ký của Bác, đón vào Phủ Chủ tịch thăm Bác là vào năm 1969. Khi Cúc đến, Bác đang nằm trên giường, tiếng nói rất yếu, da mặt không hồng hào như trước. Chưa nói được câu nào, nước mắt Cúc chảy vòng quanh. Bác đưa Cúc một cuốn sách về gương người tốt việc tốt,  bảo đọc mà bà nào đâu thấy chữ gì. Nước mắt Cúc ướt nhòe cả trang sách. “Lời cuối cùng Bác dặn tôi cố gắng giữ sức khỏe. Lúc đó, tôi thương Bác quá, chỉ mong Bác mạnh khỏe thôi. Ai ngờ đó là lần cuối cùng được gặp Bác. Chưa được ăn bữa cơm cuối cùng với Bác”, bà Cúc xúc động. Trước lúc Cúc về, Bác còn dặn các chú chuẩn bị mấy thứ cho Cúc đem về trường dùng…

Giờ đây, những kỷ niệm về Bác lại được tiếp nối qua những câu chuyện bà Cúc kể cho các con nghe. Với bà, Bác vẫn còn như ở cạnh bên…

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.