.

Khẳng định sự cần thiết của cơ quan đại diện nhân dân ở địa phương

.

Ngày 3-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa tham gia phát biểu ý kiến về chế định chính quyền địa phương tại Chương 9 dự thảo Hiến pháp. Báo Đà Nẵng xin giới thiệu bài phát biểu này.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu tại hội trường sáng 3-6.  Ảnh: HỮU HOA
Đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu tại hội trường sáng 3-6. Ảnh: HỮU HOA

Qua nghiên cứu nội dung Báo cáo giải trình và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của nhân dân, tôi cơ bản thống nhất và xin được tham gia thêm về chế định chính quyền địa phương tại Chương 9 dự thảo Hiến pháp. Cụ thể như sau:

Trước hết, phải thấy rằng chương 9 là chương được các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, nhất là các vị đại biểu HĐND, HĐND các tỉnh, thành phố trong cả nước tích cực tham gia và có những hội nghị chuyên đề ở từng vùng, miền để góp ý. Trong đó, 10 tỉnh, thành phố đang thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết số 26 của Quốc hội và Nghị quyết số 724 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII. Đến nay, việc thí điểm đã trải qua gần 5 năm nhưng chưa tổng kết việc thí điểm. Qua việc này cũng đủ thấy tính phức tạp, nhạy cảm của đề án thí điểm chưa có điểm dừng, nhân dân mất đi chỗ dựa tin cậy? Không biết trách nhiệm thuộc về ai? Những nơi làm thí điểm thì thấp thỏm đợi chờ. Trong lúc Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 10) chỉ rõ: “Khi thực hiện không tổ chức HĐND quận, huyện, phường cần tăng cường HĐND cấp tỉnh, thành phố về số lượng, chất lượng đại biểu, về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc”. Nhưng rất tiếc là nội dung này của Nghị quyết đã không được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, làm cho các tỉnh, thành làm thí điểm đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhiệm vụ giao cho HĐND cấp tỉnh, thành nơi làm thí điểm thì nhiều hơn, nặng nề hơn, nhưng không đủ con người và điều kiện vật chất để thực hiện quyền năng của mình, làm giảm vai trò giám sát của HĐND và quyền làm chủ của nhân dân. Qua tiếp thu ý kiến của nhân dân, Ban soạn thảo đã tổng hợp 3 loại ý kiến, mỗi loại ý kiến đều có lập luận với quan điểm khác nhau. Nhưng theo tôi, đề nghị ủng hộ ý kiến thứ nhất, tán thành việc giữ nguyên quy định về các đơn vị hành chính như Điều 118 của Hiến pháp hiện hành về mô hình chính quyền địa phương được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính theo nguyên tắc ở đâu có cơ quan hành chính thì ở đó có cơ quan đại diện để giám sát.

Tôi chọn loại ý kiến thứ nhất bởi lẽ, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mà bản chất của Nhà nước pháp quyền là luôn song hành với việc tăng cường dân chủ ở cơ sở. Bác Hồ đã nói: Nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ; chế độ ta là chế độ dân chủ, tức nhân dân là chủ. Với Bác Hồ, nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực Nhà nước. Toàn bộ quyền lực Nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân.

Nhân dân ủy quyền cho bộ máy Nhà nước thực hiện quyền lực của mình để phục vụ lợi ích của nhân dân. Từ đó, Điều 6 dự thảo quy định: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Nghĩa là có nhiều việc nhân dân không trực tiếp thực hiện quyền làm chủ của mình mà thông qua người đại diện để thực hiện quyền đó. Vậy nếu chúng ta bỏ HĐND thì ai sẽ là người đại diện cho nhân dân để thực hiện quyền làm chủ của mình. Ai giám sát UBND và chính quyền cấp quận, huyện, phường? Có ý kiến cho rằng, do HĐND tỉnh, các đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh giám sát. Điều này là phi thực tế, bởi vì bản thân HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh cũng chưa thực hiện tốt chức năng giám sát chính quyền cấp tỉnh theo luật định mà còn cáng đáng thêm chức năng giám sát chính quyền cấp quận, huyện, phường thì liệu có kham nổi không? Rõ ràng về mặt thực tế và cả lý luận hiện nay chưa thể hóa giải được vấn đề này. Đây cũng chính là nỗi trăn trở không những của nhân dân mà nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhiều nhà hoạt động thực tiễn, kể cả chính khách thời gian qua đã thật sự quan tâm, nghiên cứu với tất cả tâm huyết và trí tuệ của mình, đã lên tiếng, phản biện khá sâu sắc. Rất tiếc là, khi tiến hành khảo sát, sơ kết việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã có sự nhìn nhận chưa chính xác, thiếu hiểu biết về kết quả thí điểm, về vai trò hoạt động của HĐND.

Một số nhận định, đánh giá thiếu tính khách quan, mang nặng ý kiến chủ quan duy ý chí của một bộ phận cán bộ, thậm chí cố tình quy chụp dựa trên những tính toán mang tính cơ học đơn thuần như không tổ chức HĐND thì giảm biên chế cán bộ, giảm chi phí hội họp, tiết kiệm được một số khoản chi, thậm chí có ý kiến còn cho rằng bỏ HĐND giảm hẳn tham nhũng? Vậy thử hỏi từ trước đến nay đã xử lý bao nhiêu trường hợp HĐND tham nhũng? Trong khi đó, cái mất lớn nhất thì không được báo cáo như quyền làm chủ ở cơ sở của nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do HĐND cấp tỉnh, thành quá ít đại biểu, dù có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng sức có hạn,  không thể bao quát, lắng nghe hết những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với chính quyền, một bộ phận người dân không biết kêu ai khi bị oan, sai, bị chèn ép từ hoạt động của các cơ quan công quyền đem lại. Cái được lớn nhất của HĐND chưa được đánh giá một cách công bằng như thông qua các Nghị quyết của kỳ họp đã quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương để chính quyền tổ chức triển khai thực hiện có kết quả. Đồng thời, qua hoạt động giám sát, HĐND gần dân, sát dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, giúp giải quyết nhiều oan trái của nhân dân, yêu cầu UBND, các cơ quan Nhà nước phải nghiêm túc xem xét lại một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân, và qua đó, đã góp phần đem lại lòng tin của nhân dân vào chính quyền, vào công lý của chế độ. Chính những hoạt động giám sát của HĐND đã giúp khắc phục được những thiếu sót, khiếm khuyết trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan chính quyền. Qua đó, góp phần làm cho chính quyền mạnh lên, đem lại lòng tin của nhân dân đối với chính quyền. Đây chính là những cái được lớn nhất của Nhà nước ta, của chế độ ta, cần được ghi nhận một cách công bằng, nghiêm túc và cầu thị.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn là bên cạnh HĐND nhiều nơi làm tốt, phát huy được tác dụng, giúp chính quyền mạnh lên thì cũng có một số nơi hoạt động của HĐND còn mang tính hình thức, cầm chừng, thiếu hiệu lực, hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do cách thức tổ chức, thiếu cơ chế hoạt động và chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để HĐND phát huy vai trò, chức năng của mình. Bên cạnh đó, không loại trừ do cơ cấu Thường trực HĐND không đủ mạnh, không tương xứng với chức danh và vị trí của cơ quan Thường trực HĐND. Từ đó, dẫn đến tâm lý ngại va chạm hoặc do bị ràng buộc về mặt nào đó, không dám thể hiện quan điểm của mình trước cái đúng, cái sai; dễ thỏa hiệp với các cơ quan chính quyền kiểu “dĩ hòa vi quý”. Đây chính là điểm vướng mắc, cần nghiên cứu rút kinh nghiệm, bổ sung vào luật, vì nếu cơ quan giám sát mà không đứng về phía nhân dân, không dám bênh vực, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân thì ai sẽ làm việc này?

Nếu người dân bị chèn ép, bị oan sai mà không biết kêu ai thì tất yếu sẽ làm mất niềm tin của nhân dân vào chế độ ưu việt của chúng ta. Tuy nhiên, theo tôi thì hiện tượng này cũng chỉ là cá biệt, còn đa số HĐND đều hoạt động tốt, là chỗ dựa đáng tin cậy của nhân dân. Vấn đề quan trọng là, chúng ta không thể căn cứ vào một số cơ quan HĐND ở những nơi làm không tốt để rồi nâng quan điểm, xóa bỏ luôn cả một hệ thống cơ quan đại diện của nhân dân trong cả nước, bởi điều này sẽ rất nguy hiểm, dễ dẫn đến mất dân chủ, lòng dân không yên “Dân như nước, đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, dễ dẫn đến hậu quả khó lường. Đây chính là điều cốt yếu mà Quốc hội chúng ta cần phải bàn bạc thấu đáo trên tinh thần dân chủ, khách quan và trách nhiệm đối với nhân dân, đối với đất nước, đối với chế độ. Và chính đó là mong muốn của Bác Hồ, trong lúc chúng ta đang kêu gọi học tập và làm theo tấm gương của Bác. Chính vì lẽ trên, tôi kiến nghị Quốc hội và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần thận trọng, lắng nghe dư luận và có quyết sách phù hợp, trên cơ sở đó cần lựa chọn phương án tối ưu về chế định chính quyền địa phương.

Tôi cũng thiết tha đề nghị Quốc hội cần quyết định sớm tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở 10 tỉnh, thành và chịu khó lắng nghe nhiều chiều, kể cả tỉnh, thành phố làm thí điểm và không thí điểm. Từ đó, có kết luận chính xác, khách quan, trung thực; đồng thời nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tổng kết dứt điểm trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII nhằm thực hiện quyền giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, giúp cho Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp có cơ sở tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Hiến pháp, để Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nhất thiết không cắt bỏ thiết chế làm chủ của nhân dân. Cần xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, bảo đảm cho HĐND các cấp hoạt động hiệu quả, thực chất, thực quyền, thực hiện đầy đủ vai trò cơ quan đại diện của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho tiếng nói của nhân dân địa phương, là nơi bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Để kết thúc bài phát biểu của mình, tôi xin được trích ý kiến tham gia của một vị nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta: “Phải củng cố chứ không nên bỏ HĐND quận, huyện, phường. HĐND mạnh thì nhân dân mới có chỗ dựa vững chắc” và HĐND cũng được phát huy, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân cũng sẽ ngày càng được bảo đảm, tăng cường.

;
.
.
.
.
.