.

Truy tặng Huân chương Sao Vàng cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng: Suốt đời vì nước, vì dân

.

Sáng 15-4, tại huyện Tiên Phước, Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng do Nhà nước truy tặng Cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Huân chương Sao Vàng cho đại diện gia tộc Huỳnh tại Tiên Phước và đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Huân chương Sao Vàng mà Đảng, Nhà nước truy tặng Cụ Huỳnh Thúc Kháng cho đại diện gia tộc và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.                 Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Huân chương Sao Vàng mà Đảng, Nhà nước truy tặng Cụ Huỳnh Thúc Kháng cho đại diện gia tộc và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại lễ truy tặng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng ta tổ chức trọng thể Lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một sự ghi nhận, đánh giá rất cao công lao to lớn của Cụ đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cuộc đời hoạt động và nhân cách cao đẹp cùng tài năng, đức độ của Nhà văn hóa, Chí sĩ yêu nước, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng ngời về truyền thống vượt khó, hiếu học, về nếp sống thanh cao giản dị, không màng danh lợi, suốt một đời vì nước vì dân”.

Duy Tân và Cách mạng

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) sinh ra trong một gia đình nhà nho học làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Năm 1900, Cụ đỗ đầu trong kỳ thi Hương và năm 1904 đỗ đầu kỳ thi Hội. Học giỏi, đỗ cao, sớm nổi tiếng nhưng Cụ Huỳnh không ra làm quan mà cùng Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp là những nhà tiên phong trong phong trào Duy Tân. Năm 1908, Cụ bị chính quyền thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo 13 năm. Đến năm 1921, Cụ được trả tự do.

Những năm tháng tù đày không làm nhụt chí mà còn hun đúc tinh thần đấu tranh, với mong muốn giành quyền dân chủ cho các tầng lớp nhân dân. Năm 1925, Cụ Huỳnh tham gia vào cuộc vận động bầu Viện Dân biểu Trung Kỳ, sau đó đắc cử và được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong gần 3 năm hoạt động ở Viện, Cụ Huỳnh cương quyết đấu tranh trong nghị trường, rồi nhân việc chống lại Khâm sứ Pháp, Cụ từ chức. Năm 1927, Cụ sáng lập Báo Tiếng Dân làm diễn đàn nhằm tiếp tục đấu tranh đòi quyền dân chủ.

Trên chính trường, trong vai trò là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ và chủ bút Báo Tiếng Dân, với tầm nhìn xa, tư duy sắc sảo, bản tính thẳng thắn, Cụ Huỳnh đã mạnh mẽ đấu tranh đòi thực hiện dân chủ, dân quyền; vạch trần chính sách cai trị nô dịch, cướp bóc, đàn áp dã man của thực dân Pháp và sự mục nát của chế độ phong kiến. Cụ Huỳnh công khai tuyên chiến với kẻ thù của dân tộc: “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai, vì đất nước Việt Nam có biên cương, lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới nên tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi sự trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”.

Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, Cụ Huỳnh là một trong những người yêu nước hàng đầu, khởi đầu trong phong trào Duy Tân. Vì vậy, lịch sử nhìn nhận Cụ như là nhân vật tiêu biểu nhất tạo được cái gạch nối lịch sử gắn kết phong trào yêu nước của các chiến sĩ Duy Tân với phong trào Cách mạng.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Cụ Huỳnh cũng như người Quảng biết phê phán, tranh cãi gay gắt, quyết liệt thể hiện tính biện chứng. Báo Tiếng Dân đã làm được hơn rất nhiều điều đó. Báo chí hiện nay, trách nhiệm của người cầm bút với trách nhiệm đất nước cần tinh thần của Báo Tiếng Dân: “Nếu không có quyền nói, thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”. Người làm lịch sử cũng cần sự thật đó.

Cụ Huỳnh và chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Cụ ra tham gia nội các Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, Cụ Huỳnh được Hồ Chủ tịch tin tưởng giao quyền quyền Chủ tịch nước. Cụ đã ứng phó với muôn vàn khó khăn, thù trong, giặc ngoài khi đất nước mới giành độc lập. Cụ Huỳnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thẳng tay trừng trị những phần tử phản động trong Việt Nam Quốc dân đảng cấu kết với quân Tưởng Giới Thạch hòng lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được thành lập.

Phát biểu tại lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận xét về vai trò của Cụ Huỳnh: “Uy tín, tài năng, đức độ của Cụ Huỳnh trong thời gian giữ trọng trách quyền Chủ tịch nước đã góp phần cùng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo nên khối đại đoàn kết rộng rãi toàn dân trong cuộc đấu tranh giữ vững độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ ở thời điểm hết sức hiểm nghèo. Là một sử gia, Cụ Huỳnh đã để lại nhiều công trình có giá trị, nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà, trong đó có những chứng cứ về chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam chúng ta. Suốt cuộc đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, Cụ ra đi thanh thản, để lại “lời vĩnh quyết” như một lời hiệu triệu, kêu gọi mọi người đoàn kết, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Trong 16 năm tồn tại của Báo Tiếng Dân (1927-1943), Cụ Huỳnh có những bài viết thể hiện nhận thức của mình về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa qua bài “Dấu tích Tây Sa (Parasels, Hoàng Sa) trong lịch sử Việt Nam ta và giá trị Phủ biên tạp tục” đăng trên Báo Tiếng Dân ngày 23-7-1938. Theo Cụ Huỳnh, cần phải sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu bằng chữ Hán của các bậc tiền nhân để lại về đảo Tây Sa (Hoàng Sa) vì đây là nguồn tài liệu quý có thể làm chứng cứ pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa. “… một mớ sách chữ Hán của tiền nhân ta trứ thuật, lâu nay đã bỏ xó, lề hư bìa nát, phần đông, nhất là bạn thanh niên, cho đó là một thứ học mượn, thứ chữ chết, không cần đếm xỉa đến, nay nhân vấn đề đảo Tây Sa, trở thành món tài liệu rất quý giá có quan hệ đến công pháp quốc tế không phải là ít”, Huỳnh Thúc Kháng viết.

Theo nhận định của các nhà sử học, Cụ Huỳnh không những nhận thức được vấn đề “quốc tịch đảo Tây Sa” (Hoàng Sa) là của Việt Nam mà đồng thời còn dày công sưu tầm, nghiên cứu trong những Hán văn đời trước để tìm ra chứng cứ đầy đủ để chứng chinh Tây Sa là của nước Nam.

THANH TUYỀN

;
.
.
.
.
.