.

4 năm ở Sekong

Ông Nam Hà tên khai sinh là Phan Đức Mỹ, sinh năm 1929, người Duy Hòa, Duy Xuyên. Năm 1984, khi đang là Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (QNĐN), ông qua Lào làm chuyên gia an ninh phụ trách tỉnh Sekong.

Sekong vừa được tách ra khỏi tỉnh Saravane (hay Salavan) vùng hạ Lào một năm trước đó, phần lớn diện tích nằm trên bình nguyên Boloven. Sekong là tỉnh có ba cái nhất của Lào lúc đó: dân số ít nhất, mật độ dân số thấp nhất và nghèo nhất. Lần đầu tiên đặt chân lên đất Sekong, ông có cảm giác như đến một vùng quê của xứ mình bởi phần lớn người dân đều biết tiếng Việt. Đường sá rất ít xe máy mà rất nhiều xe đạp, đời sống còn rất nhiều khó khăn nhưng không hề có ăn cắp. Người dân nấu xôi, thức ăn chính của người Lào, một phần mang đi rẫy, một phần đặt vào giỏ treo trước nhà, ai đi qua có đói thì tự nhiên lấy xuống ăn.

Người Việt từ Thạnh Mỹ, huyện Giằng (nay là Nam Giang), đi 6 cây số lên cây số 6 (ông gọi là Point Six) là đã tới ranh giới huyện Đăk Chưng của Sekong. Nam Giang và Đắk Chưng có chung 74km đường biên giới. Từ thời chống Pháp, đã có quân tình nguyện người Việt qua Đăk Chưng giúp bạn mà một trong những nhân vật kỳ cựu là ông Bun Nhơn, năm 1984 là Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư tỉnh Sekong. Ông này tên thật là Lê Viết Muồng người Hội An, từ thời làm quân tình nguyện đã qua lại biên giới như đi chợ.

Sekong có khoảng 4 - 5 người Việt nguyên là quân tình nguyện bị đau ốm, ở lại lấy vợ người địa phương, gọi là bộ đội “tuột tạt”. Tuột là rớt, rơi ra khỏi đơn vị; tạt là tạt ngang lấy vợ Lào. Rơi vào hoàn cảnh éo le như thế nên họ rất ngại và thân nhân của họ ở Việt Nam có biết cũng không dám lên tiếng. Ông nhớ trong đó có một anh là cán bộ đối ngoại của Sekong tên Lào là Bun Khiên (tên Việt ông không còn nhớ). Anh này người Nghệ An, đã 4 - 5 năm rồi không liên lạc được với người thân ở quê, mấy lần đến Tổng Lãnh sự quán Việt Nam định xin giấy về thăm quê nhà nhưng không dám. Ông trao đổi với ông Bun Nhơn, một bên là Bí thư Tỉnh ủy, một bên là Phó Giám đốc Công an tỉnh, cả hai cùng thống nhất giúp cho Bun Khiên cái giấy để được về thăm quê 2 ngày.

Từ đó, mấy anh em khác cùng cảnh ngộ như Bun Khiên đều đến nhờ ông giúp về thăm quê. Họ đều biết ơn ông và đóng góp nhiều nguồn tin giúp bộ phận an ninh do ông phụ trách phá các vụ việc như câu chuyện dưới dây.

Cùng nằm trên cao nguyên Boloven với Sekong là tỉnh Champasak, cố đô của Vương quốc Champasak. Nơi đây cây cối xanh tươi, cây trái nhiều, khí hậu mát mẻ; dân Thái Lan, có cả người Việt gốc Thái, thường qua nghỉ mát. Với tư cách Phó Trưởng đoàn An ninh Sekong, ông làm việc với ông Phạm Nam Tào (lúc đó là Phó Trưởng đoàn An ninh Champasak, nay là Trung tướng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, phụ trách cơ quan đại diện Tổng cục Cảnh sát phía Nam) để nắm Việt kiều từ Thái Lan qua cùng với người Thái xây dựng xưởng làm đồ gỗ và thuê đất trồng cây cần sa ở Sekong.

Sau nhiều lần đến làm việc với Champasak, ông thông thuộc địa hình nơi này như trong lòng bàn tay. Nhờ đó, khi đoàn Chính phủ Lào xuống nghiên cứu mở đường từ Champasak đi Sekong đến Attapeu, ông đã phát hiện và cung cấp thông tin cho An ninh Lào về một thành viên của Chính phủ Lào có mối quan hệ về an ninh với đám người Thái đầu tư xưởng gỗ. Đặc biệt, ông đã giúp bạn Lào nắm được đường đi nước bước của Hoàng Cơ Minh, sau đó là Trần Văn Đô, khi cả hai đưa lực lượng vũ trang được đào tạo tại Thái thâm nhập trái phép qua Lào theo ngã cao nguyên Boloven với ý định tràn về Việt Nam. Tuy tình báo Việt Nam biết rõ các vụ việc, nhưng thực sự thì nhân dân Lào mới là lực lượng giúp An ninh Lào và Việt Nam phát hiện, chặn đứng và túm gọn những kẻ xấu này.

4 năm ở Sekong đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên. Ông nhớ nhất người bạn Bun Nhơn, ông này mỗi khi có dịp ghé qua Sekong là không quên tới thăm ông, nhờ ông tư vấn không chỉ riêng về an ninh mà chung mọi lĩnh vực, cái gì nên làm, cái gì không nên làm.

Gần 30 năm rồi, ông hai lần quay lại Lào thăm Sekong. Ông Bun Nhơn thì mỗi khi qua Việt Nam là ghé lại thăm ông. Giờ đã ngoại bát tuần, với ông, cái đáng nhớ nhất trong những năm tháng trên đất bạn Lào là nghĩa tình sâu nặng: Việt Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long...

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.