.

Cầu Rồng sẽ phun lửa

.

(ĐNĐT) - Sau khi cầu Rồng đưa vào vận hành tháng 3-2013, cầu Rồng sẽ phun lửa vào lúc 22 giờ các tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần để phục vụ du khách và người dân thành phố.

Rồng do Công ty Louis Berger Group, Inc. (Mỹ) thiết kế
Cầu Rồng do Công ty Louis Berger Group, Inc (Mỹ) thiết kế

Cầu Rồng đang được khẩn trương thi công để hoàn thành vào dịp 29-3-2013 và việc cụ thể hóa các phương án thiết kế kiến trúc cũng gấp gáp tiến hành. Tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố Đà Nẵng hôm 15-3, Công ty TNHH điện tử Philips đã trình phương án thiết kế chiếu sáng và trang trí nhằm tạo ánh sáng hoàn hảo cho cầu Rồng.

Theo đó, việc chiếu sáng cầu Rồng sẽ được thực hiện theo công nghệ mới với 15.000 bóng đèn LED thông qua bộ điều khiển tự động nhằm chủ động thiết kế hiệu ứng ánh sáng phù hợp với chủ đề các sự kiện chính trị, văn hóa... diễn ra tại thành phố.

Đặc biệt, Philips cũng đưa ra giải pháp thực hiện rồng... phun lửa theo đặt hàng của Đà Nẵng. Trước đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu đơn vị thiết kế cầu bổ sung thêm chi tiết kỹ thuật là rồng có thể phun lửa. "Sau khi có yêu cầu, họ đã thiết kế rồng phun ra lửa bằng tia lade, nhưng chúng tôi yêu cầu phải thiết kế sao cho rồng phun ra lửa thật mới sống động, hấp dẫn du khách", Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói.

Để đáp ứng yêu cầu này, Công ty TNHH điện tử Philips đã đưa ra hai giải pháp thực hiện rồng phun lửa bằng khí gas LPG hoặc dầu DO (kèm theo khói). Nếu phun lửa bằng khí gas LPG thì độ dài ngọn lửa đạt 8m, mỗi lần phun dài 4 giây và lặp lại sau 5 - 10 giây. Ưu điểm của phương án này là không tạo ra khói bụi đen, chỉ cần 3 béc phun, hao phí nhiên liệu 200kg gas/đêm vận hành (khoảng 5 triệu đồng).

Trong khi đó, nếu phun lửa bằng dầu DO thì ngọn lửa lên đến 10m, có thể phun liên tục trong 2 phút nhưng do tạo ra khói bụi đen, cần nhiều béc phun (10 - 12 cái) và lượng tiêu hao nhiên liệu lớn hơn, cần 350 lít dầu DO/đêm vận hàng (khoảng 7,7 triệu đồng)...

Sau khi nghe ý kiến góp ý của các ban, ngành hữu quan về việc chiếu sáng và trang trí cầu Rồng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nhất trí màu chủ đạo của hình tượng rồng trên cầu Rồng là màu vàng, nhưng yêu cầu vảy rồng phải đổi màu. Đồng thời yêu cầu thiết kế các trụ đèn chiếu sáng hai bên cầu phải thanh mảnh để không che khuất hay làm vướng tầm nhìn của du khách khi chiêm ngưỡng hình tượng rồng trên cầu.

Đặc biệt, về việc thực hiện rồng phun lửa, ông cho rằng do miệng rồng được thiết kế nghếch cao lên nên ngọn lửa sẽ phun lên trời, vì vậy không cần quá lo ngại về vấn đề an toàn cho khách qua cầu. Đối với các giải pháp do Philips đề xuất, ông yêu cầu tập trung vào phương án sử dụng dầu DO vì ngọn lửa khi phun ra sẽ thật hơn, tự nhiên hơn là dùng gas. Trong đó, phải nghiên cứu thiết kế phun dầu dưới dạng sương để đốt cháy hết trong mỗi lần phun, không tạo thành khói bụi đen trên cầu.

Rồng
Cầu Rồng sẽ phun lửa vào tối thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cũng yêu cầu Philips cung cấp thiết bị đảm bảo hoạt động tốt trong ít nhất 20 năm, thời hạn bảo hành cũng 20 năm với giá cạnh tranh hơn nữa so với mức trên 30 tỷ đồng (cho toàn bộ gói thầu chiếu sáng, trang trí cầu và rồng phun lửa) mà công ty này đưa ra. Đồng thời phải nghiên cứu kỹ để giảm mức tiêu hao nhiên liệu trong mỗi lần phun. Đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, lãnh đạo Đà Nẵng sẽ nghe Philips báo cáo lần cuối việc đáp ứng các yêu cầu này trước khi chính thức quyết định.

Ông cho biết thêm, sau khi cầu Rồng đưa vào vận hành tháng 3-2013, đầu rồng sẽ phun lửa vào lúc 22 giờ các tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Ông hy vọng cùng với cầu quay Sông Hàn, cầu dây võng Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý có sàn vọng cảnh ở đỉnh tháp... thì cầu Rồng phun lửa lần đầu tiên có tại Việt Nam sẽ tạo thêm nét độc đáo cho các cây cầu bắc qua sông Hàn, tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch Đà Nẵng đối với du khách.

Chưa xác định rồng bay ra hay bay vào

Ngay sau khi thành phố có chủ trương kêu gọi các nghệ nhân, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc trong cả nước tham gia sáng tác hình tượng đầu và đuôi rồng để trang trí cầu Rồng, thành phố Đà Nẵng đã nhận được ý tưởng sáng tác của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng.

Tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố Đà Nẵng nói trên, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã giới thiệu hai mô hình đầu rồng và đuôi rồng.

Về mặt lý thuyết hình họa, ông Phạm Văn Hạng cho rằng: "Có hai vấn đề nhà điêu khắc phải "chạy theo" thiết kế của công trình này. Trước hết, con rồng này không phải rồng của hội hoạ, không phải rồng đá, rồng thêu mà là con rồng của thép. Mà thép của con rồng này thì nhà thiết kế đã triển khai, chỉ còn việc thi công, nhà điêu khắc không thể vượt qua nhà thiết kế về khung kỹ thuật nên rất hạn hẹp trong sáng tạo”.

“Điều tôi rất băn khoăn là cây cầu này dài 600m nhưng con rồng từ bên này sang bên kia... mỏng manh quá.  Con rồng thời đại hôm nay khác với con rồng thời Nguyễn, phải thể hiện sự dũng mãnh và phải cứng như... thép. Mắt rồng sẽ được thiết kế hình hoa mai hoặc hoa đào, miệng ngậm hạt châu "để khai hoa, kết trái". Đồng thời, ở đầu rồng cũng sẽ có hình tượng trống đồng Ngọc Lũ để biểu thị con rồng truyền thống Việt Nam", nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hạng trình bày ý tưởng.

Nhận định con rồng mà nhà thiết kế cầu đã tạo ra là... con rồng trườn, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đề nghị cho đầu rồng uốn ngược lại và vươn hẳn lên. "Như thế con rồng sẽ mạnh mẽ hơn tư thế trườn, độ chịu lực của kết cấu khung cũng ổn định hơn", ông nói và cho biết đã tham khảo ý kiến nhiều kỹ sư kết cấu trước khi đưa ra đề xuất này.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cho rằng, với người Việt Nam thì cái gì cũng "có đôi, có cặp". Vì vậy, ông đề nghị làm hai đầu rồng ở hai đầu cầu, còn đuôi rồng nằm ở giữa cầu, mang hình hoa sen và trái tim.

"Đầu rồng hướng về phía sân bay Đà Nẵng để mở lòng đón khách, còn đầu rồng hướng về phía biển là để vươn ra với năm châu, bốn bể. Hơn nữa, làm hai con rồng như thế sẽ làm giảm một nửa độ dài của thân rồng, sẽ giúp cho con rồng thép trên cầu Rồng đỡ ốm o, gầy mòn", ông nói.

Ý tưởng này ngay lập tức rộ lên nhiều ý kiến phản biện. Có ý kiến đồng tình với phương án rồng hướng ra biển nhưng cũng có ý kiến quay vào trung tâm thành phố.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh không đồng tình với ý tưởng này với lý do: "Rồng bay mà xoay lưng lại với nhau thì làm sao còn là rồng?". Ông Thanh lý giải: "Rồng phải từ biển bay vô, uốn lượn trên sông Hàn, phun nước tạo thành mưa, rồi lại bay ra biển. Cho nên đặt con rồng từ biển đi vào cũng là bình thường".

- Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng với thiết kế...rồng đôi.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng với ý tưởng đầu rồng và đuôi rồng

Ủng hộ cho phương án rồng quay đầu ra biển có Phó Chủ tịch UBND thành phố, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đặng Việt Dũng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản biện rồng là con vật trừu tượng và được hiểu xuất phát từ biển, từ miền sông nước bay vào đất liền để phun mưa, tạo lửa. Nếu để rồng quay đầu ra biển vậy rồng này từ trên núi xuống hay sao?

Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho hay, công trình cầu Rồng do Công ty Louis Berger Group, Inc. (Mỹ) thiết kế nên theo phác thảo kỹ thuật ban đầu thì đầu và đuôi rồng mang dáng vẻ rất... Tây. Lãnh đạo Sở tra cứu tài liệu thì thấy có rất nhiều loại rồng, rồng phương Đông, rồng phương Tây, rồng Trung Quốc, rồng Việt Nam...

"Chúng tôi cũng đã tham quan các cung điện, đền đài, lăng tẩm ở Huế, thấy có rất nhiều rồng nhưng hầu như không đầu rồng nào giống đầu rồng nào, mỗi nơi mỗi kiểu. Là dân kỹ thuật, chúng tôi thực sự lúng túng, không biết lựa chọn hình dáng đầu rồng như thế nào cho phù hợp với văn hoá Việt Nam", ông Đặng Việt Dũng bày tỏ.

Ý tưởng kiến trúc của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng chưa được thành phố chấp thuận, cần nghiên cứu thêm bởi câu chuyện đầu rồng, đuôi rồng chưa ngã ngũ.

TRIỆU TÙNG - VIỆT ÂN

;
.
.
.
.
.