.

Đánh thức bờ Đông

.

15 năm qua, kể từ ngày trực thuộc Trung ương (1997), trung bình 2 năm thành phố Đà Nẵng xây dựng thêm một cây cầu mới, trong đó chỉ riêng 20km của con sông Hàn đã có đến 7 cây cầu. Những chiếc cầu này không đơn thuần là nối nhịp đôi bờ mà còn góp phần đánh thức cả bờ Đông sông Hàn với diện tích trên 60 kilômét vuông chuyển mình đi lên.

Cầu Sông Hàn “kéo” quận Sơn Trà về gần hơn với trung tâm thành phố.
Cầu Sông Hàn “kéo” quận Sơn Trà về gần hơn với trung tâm thành phố.

Tourane - Đà Nẵng được người Pháp thành lập năm 1888, theo kiểu đô thị châu Âu. Thời điểm đó, thành phố chỉ có 13 con đường và tập trung ở bờ Tây, thế nhưng Đà Nẵng cũng nghiễm nhiên được xếp vào một trong 5 đô thị lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ. Mãi đến năm 1954, tức 66 năm sau, số đường phố mới nâng lên con số 45 và cũng như trước đây, bên bờ Đông sông Hàn vẫn tiếp tục bị bỏ quên. Đến thời Mỹ-ngụy, phía bờ Đông mới có vài con đường được thảm nhựa, nhưng vẫn mang dáng dấp những con đường làng hơn là đường phố vì không có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đi kèm.

Sau ngày thành phố được giải phóng, mặc dù đã rất cố gắng để phát triển hạ tầng giao thông, nhưng do điều kiện không cho phép nên từ năm 1975 đến tận năm 2000, Đà Nẵng cũng chỉ có 200 con đường có tên. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 1997, khi thành phố trực thuộc Trung ương, với phương châm “giao thông đi trước một bước”, hạ tầng giao thông Đà Nẵng đã được đầu tư rất mạnh mẽ và đồng bộ. Và cho đến hôm nay, thành phố đã chạm ngưỡng gần một ngàn con đường có tên và gần 20 chiếc cầu lớn nhỏ.

Để có con số ấn tượng này, tính ra trung bình mỗi năm thành phố mở thêm khoảng 53 con đường, điều này cũng có nghĩa mỗi năm có hàng ngàn hộ dân phải di dời giải tỏa nhà để làm đường, chỉnh trang đô thị. Khó khăn là không tránh khỏi, cuộc sống của một bộ phận người dân bị đảo lộn, thế nhưng người dân đã đồng lòng cùng chính quyền  chung tay vì tương lai tươi đẹp của Đà Nẵng. Thực tế người dân Đà Nẵng không phải chờ đợi lâu để hưởng quả ngọt từ công cuộc “khai hoang mở đường” của thành phố. Bộ mặt đô thị gần như lột xác hoàn toàn, những con đường nhỏ đầy ổ gà ở khu vực trung tâm, hay những con đường đất nắng bụi mưa bùn ở ngoại ô đã lùi vào quá khứ, thay vào đó những cung đường đẹp và hiện đại.

 Năm 2000, chiếc cầu quay Sông Hàn đưa vào sử dụng, cũng chính là thời điểm đánh dấu chặng đường “phố xá thênh thang” bên phía bờ Đông sông Hàn. Từ chân phía Đông cầu Sông Hàn kéo dài ra tận biển bằng một trong những con đường đẹp nhất thành phố: đường Phạm Văn Đồng. Con đường băng qua một vùng cát trắng hoang hóa bao đời, phóng khoáng vươn mình ra biển, khởi động một chặng đường hướng ra biển lớn của thành phố. Từ cầu Sông Hàn xuôi về phía hạ lưu là cầu Thuận Phước - cầu dây võng lớn nhất nước chính là mảng ghép cuối cùng của một cung đường biển có thể nói đẹp nhất Việt Nam. Từ Hầm đường bộ Hải Vân theo vịnh Đà Nẵng bằng đường Nguyễn Tất Thành qua cầu Thuận Phước rồi đi vào đường Hoàng Sa-Trường Sa kéo dài đến tận biển Cửa Đại - Hội An. Vị thế và tiềm năng rất lớn của cung đường biển này đã trở thành cục nam châm cực mạnh thu hút hàng trăm dự án du lịch có quy mô lớn kéo dài từ bán đảo Sơn Trà đến tận Hội An.

Cũng từ cầu quay Sông Hàn ngược về phía thượng nguồn mấy trăm mét, trên đoạn sông ngắn này, cầu Rồng đang khẩn trương thi công để kịp khánh thành vào ngày 29-3-2013. Đây không chỉ là một công trình độc đáo của thành phố mà còn thể hiện ước vọng vươn ra biển của thành phố bên bờ sông Hàn này. Ngược thượng lưu khoảng vài kilômét, cầu Nguyễn Tri Phương khi đưa vào sử dụng sẽ là chiếc đòn bẩy để quận Ngũ Hành Sơn phát triển, đồng thời mở rộng thành phố về phía Nam.

Những làng chài nghèo ven biển dọc theo các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đã được đánh thức, chuyển mình đi lên cùng thành phố. Người dân các làng chài đã có nhà xây vững chắc, sau chuyến biển, họ sống cuộc sống của cư dân thành thị, không còn phải lo cho vợ con khi mùa mưa bão đến, con cái không còn thất học. Họ đã đổi đời…

Bài và ảnh: Thanh Sơn

;
.
.
.
.
.