.

Tạo nghề cho những lao động “đặc biệt”

.

Nhiều năm qua, cựu chiến binh (CCB) Trần Đình Hùng (trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) đã tiếp nhận hàng chục đối tượng có tiền án, tiền sự sau một thời gian  cải tạo tốt vào làm việc tại cơ sở sản xuất giày dép của ông. Với sự đùm bọc, sẻ chia như một người cha, ông đã vực dậy không ít cuộc đời lầm lỡ. 

 

Mô tả ảnh.
Ông Trần Đình Hùng đang quan sát các công nhân làm việc.

 

Căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm thuộc đường Lý Thái Tổ là cơ sở sản xuất giày dép của CCB Trần Đình Hùng. Hơn 20 lao động đang miệt mài làm việc, tạo ra những đôi dép đủ màu sắc, kiểu dáng. Tuy nhiên, không ai biết rằng, trong đó có gần một nửa là những lao động “đặc biệt”. Qua tìm hiểu của chúng tôi, không ít em đã có tiền án, tiền sự; có những em trộm cắp vặt nhiều lần, bị xử lý hành chính ở địa phương mà nguyên nhân chính là do các em không được bố mẹ quan tâm dẫn đến bỏ học, chơi bời, lêu lổng và phạm tội. Thấy được vấn đề thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này, ông Trần Đình Hùng không ngần ngại để giúp đỡ các em.

Ông tâm sự: Lúc mới mở cơ sở, tôi cũng muốn tuyển những lao động lành nghề, có lý lịch rõ ràng. Nhưng một thời gian thấy một số em ở địa phương sau khi đi tù hoặc ở trường giáo dưỡng về không có công ăn việc làm, sợ các em tái phạm nên tôi quyết tâm nhận họ vào để đào tạo. Để tạo điều kiện cho những trường hợp này, chúng tôi xem các em như những người bình thường, không xa lánh. Nhờ đó mà các em nhanh chóng hòa đồng, làm việc, trở thành những con người tốt. Với ý nguyện nhân đạo ấy, trong  hơn 10 năm qua ông Hùng đã đào tạo cho hơn 20 trường hợp như vậy. Nhiều em khi mới vào cơ sở vẫn còn chút “máu giang hồ” và sẵn sàng hơn thua với bất cứ ai. Nhưng qua một thời gian, từ đôi bàn tay trắng, các em có việc làm ổn định và trở thành người lương thiện.

Điển hình như Trần Ngọc P. (25 tuổi), trú tổ 5, phường Thạc Gián, sau 4 năm cải tạo trở về gia đình, sự cô đơn và nỗi mặc cảm của P. được trút bỏ bởi tấm lòng cao thượng của CCB Hùng. Hai anh em Trịnh Minh H. (25 tuổi) và Trịnh Minh N. (19 tuổi), trú cùng tổ với P. cũng có hoàn cảnh tương tự. Sau những tháng ngày ở tù vì tội trộm cắp tài sản, hết hạn tù, hai anh em được trở về địa phương sinh sống. Không ái ngại là đối tượng thường xuyên trộm cắp vặt, ông Hùng đã nhận cả hai vào cơ sở của mình để làm việc. Gần 2 năm trôi qua, với sự tận tình giúp đỡ của người chủ mà hai anh em xem như người thân trong gia đình, H. và N. đã có nghề nghiệp ổn định, lấy vợ sinh con, có một gia đình hạnh phúc, ấm êm... Gặp chúng tôi, H. không ngần ngại bộc bạch: “Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của chú Hùng mà em hiểu được lẽ phải. Được chú tạo công ăn việc làm cho người lầm lỡ như em, em hứa sẽ phấn đấu hết mình để không phụ lòng chú và mọi người”...

Mới đây là hai em Hoàng Phi H. và Trần V. V. (cùng trú tổ 5, phường Thạc Gián) bỏ học rồi trộm cắp nên nhiều lần bị nhắc nhở, kiểm điểm ở địa phương. Để các em không còn vi phạm, Ông Hùng đã nhận vào làm việc. Ban đầu, ông chỉ bảo từng đường kim khâu và dần dần các em cũng trở thành người thợ lành nghề. Mỗi ngày công - sau khi trừ chi phí tiền ăn, các em cũng được trả 40 nghìn tiền công. Có công việc ổn định, H. và V. trở thành người ngoan hiền, biết vâng lời bố mẹ.

Với tấm lòng rộng mở, CCB Trần Đình Hùng không chỉ tạo việc làm mà còn giúp bao thanh-thiếu niên lầm lỡ làm lại cuộc đời. Điều đó thật đáng trân trọng.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

 

;
.
.
.
.
.