.

Giáo viên dạy nghề: Hụt hơi chạy theo chuẩn

.
Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành thông tư quy định chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề. Thế nhưng, ở thành phố Đà Nẵng, tại nhiều cơ sở dạy nghề, việc đạt 3 chuẩn như theo quy định hiện nay xem ra không hề dễ dàng.

Mô tả ảnh.
Chất lượng đào tạo nghề phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ giáo viên dạy nghề. TRONG ẢNH: Một buổi học tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.
 
Khó đủ “chuẩn” 

Theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, giáo viên, giảng viên dạy nghề ngoài yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống sẽ được đánh giá theo 3 chuẩn: Năng lực chuyên môn, tiêu chuẩn về kỹ năng nghề và chứng chỉ sư phạm dạy nghề phù hợp. Thế nhưng, tại một số Trung tâm dạy nghề trên địa bàn thành phố, đã xảy ra trường hợp thiếu giáo viên dạy nghề. Vì vậy, những đơn vị này đành nhận sinh viên mới ra trường hoặc giáo viên tiếng Anh vào, cho đi học nghề và đứng lớp dạy nghề. Và dĩ nhiên, những giáo viên này không thể nào đủ 3 chuẩn như trên. Một cán bộ trong ngành LĐ-TB&XH thành phố nhận định: “Vẫn biết là ở không ít ngành nghề cũng xảy ra trường hợp học một đằng làm một nẻo. Thế nhưng, trong lĩnh vực dạy nghề, hiện tượng này đang xảy ra ngày càng nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy nghề”.

Còn tại một số đơn vị đào tạo nghề khá hiệu quả, với 95% học viên ra trường tìm được việc làm như Trường trung cấp nghề du lịch Việt-Úc thì lại gặp một số khó khăn khác. Bên cạnh những ưu điểm nổi bật như: Trang thiết bị hiện đại, chương trình có sự phối hợp của đối tác Úc và đặc biệt việc triển khai huấn luyện được thực hiện bởi các chuyên gia kinh nghiệm nhiều năm. Hiện trường đang mời 6 giảng viên người nước ngoài tham gia giảng dạy để nâng cao chất lượng, thu hút học sinh. Ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Việt-Úc cho biết: “Với giảng viên nước ngoài, các em tỏ ra rất thích thú. Tuy nhiên, mời giảng viên nước ngoài thì kinh phí chi trả khá cao: 1.500 USD/người/tháng và do bất đồng ngôn ngữ nên chúng tôi phải cho kèm thêm mỗi giáo viên ngoại quốc một trợ lý kiêm phiên dịch”. Một cán bộ ngành LĐ-TB&XH thành phố cho rằng: Nếu cứ căn ke làm sao cho đủ chuẩn thì rất khó để mời giáo viên ngoại quốc, mà chính họ lại có tay nghề giỏi.

Bên cạnh đó, cũng còn những khó khăn khác như: Một bộ phận giáo viên chưa tích cực nâng cao trình độ kỹ năng nghề và phương pháp sư phạm, để đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề trong giai đoạn hiện nay. Nhiều giáo viên trên thực tế có tay nghề giỏi nhưng việc công nhận giáo viên có tay nghề bậc cao, nghệ nhân... chưa được các cơ sở dạy nghề và các cấp quản lý quan tâm cấp chứng nhận. Trình độ ngoại ngữ cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dạy nghề của các giáo viên  những năm qua có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu khi xu hướng dạy nghề đang tiếp cận đến trình độ ở khu vực và thế giới...

Làm sao để đủ “chuẩn”?

Đội ngũ giáo viên luôn được xem là yếu tố quyết định chất lượng dạy nghề, nâng cao chất lượng giáo viên là một trong những giải pháp đột phá để phát triển và nâng cao chất lượng dạy nghề. 5 năm qua, cùng với sự phát triển về mạng lưới cơ sở dạy nghề, quy mô và cơ cấu ngành, nghề đào tạo, đội ngũ giáo viên đào tạo nghề của thành phố Đà Nẵng cũng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề có trên 2 ngàn người, tăng 748 người so với năm 2005, trong đó giáo viên dạy nghề có hơn 1.700 người (cơ hữu là hơn 1.300 người), cán bộ quản lý dạy nghề là 689 người, số giáo viên vừa đứng lớp vừa kiêm nhiệm làm cán bộ quản lý là 392 người. Trong đó có 97,1% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn sư phạm.

Bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý luôn được chúng tôi quan tâm. Chỉ tính trong giai đoạn 2006-2010, Sở đã phối hợp với Tổng cục Dạy nghề, các Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh tổ chức 17 khóa đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, về kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm cho hơn 1.000 lượt giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề trên địa bàn thành phố…”.

Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề vẫn còn là câu chuyện dài. Bên cạnh những động thái của các cấp quản lý thì các trường nghề cũng cần tự làm “chuẩn” đội ngũ của mình bằng việc xây dựng hoàn chỉnh quy trình tuyển dụng, đa dạng hóa các hình thức và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên… Có như thế mới có thể nâng cao chất lượng giảng dạy, thu hút học sinh học nghề.

3 chuẩn cần có của giáo viên dạy nghề:

1- Năng lực chuyên môn: Giáo viên sơ cấp nghề tối thiểu phải tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Giáo viên trung cấp và cao đẳng nghề phải tốt nghiệp ĐH hoặc ĐH sư phạm kỹ thuật trở lên, chuyên ngành phù hợp với nghề giảng dạy. Giáo viên cao đẳng nghề phải có trình độ tin học, ngoại ngữ cao hơn so với trung cấp nghề.

2- Kỹ năng nghề: Giáo viên sơ cấp nghề phải có kỹ năng nghề tương đương trình độ trung cấp nghề hoặc bậc 3/7, 2/6 hoặc là nghệ nhân cấp tỉnh trở lên. Giáo viên trung cấp nghề phải có kỹ năng nghề tương đương trình độ cao đẳng nghề hoặc bậc 4/7, 3/6 trở lên hoặc là nghệ nhân cấp quốc gia. Giáo viên, giảng viên cao đẳng nghề phải có kỹ năng nghề tương đương trình độ cao đẳng nghề hoặc bậc 5/7, 4/6 trở lên hoặc là nghệ nhân cấp quốc gia.

3- Giáo viên nghề phải có bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ sư phạm kỹ thuật hoặc có chứng chỉ sư phạm dạy nghề phù hợp, tham gia giảng dạy ít nhất 6 tháng đối với giáo viên sơ cấp nghề, 12 tháng đối với giáo viên trung cấp và cao đẳng nghề.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ 
;
.
.
.
.
.